Mô hình kinh tế Nông Dân "Gàn" Thành Tỷ Phú

Nông Dân "Gàn" Thành Tỷ Phú

Ngày đăng 07/03/2012

Từ tỉnh lộ vào trang trại của anh Đông trên chiếc xe du lịch tải hai cầu, chúng tôi như lạc vào giữa mênh mông vườn cây ăn quả và cả những lô cao su 13 năm tuổi bị đốn hạ. Những ô tô tải chất đầy gỗ cao su đang chờ giờ xuất phát. Ngôi nhà kiên cố của anh Đông được xây dựng trên diện tích chừng 300 m2.

Qua trò chuyện được biết, những năm cuối 70 của thế kỉ XX cha mẹ anh dắt díu đàn con nhỏ (Đông lúc đó mới 9 tuổi) rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn (xã Linh Thanh, huyện Phú Vang, TT- Huế) để đi kinh tế mới ở Gia Lai. 6 năm chật vật sống ở Gia Lai (1977- 1983) gia đình chỉ đủ ăn, ước mơ giàu có vẫn chỉ là... mơ ước.

Cha mẹ anh cùng đàn con lại tìm đến tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước ngày nay), nơi đất rộng người thưa dễ bề kiếm sống. Về định cư ở xã Tân Hưng, đất lạ người chưa quen, Dụng Quý Đông lúc đó mới 15 tuổi, học vấn chưa qua bậc tiểu học, nhưng giấc mộng làm giàu vẫn đau đáu trong anh.  Thực tế cuộc sống ở vùng đất mới này cũng nghiệt ngã chẳng kém gì vùng kinh tế mới Gia Lai. Và rồi để kiếm sống khi không có việc làm ổn định, Đông đã "xung phong" vào đội quân đi khai thác gỗ lậu.

"Cực chẳng đã thôi anh ạ chứ nào phải nghề ngỗng gì đâu. Nhưng trong những ngày tháng đó, tôi nghĩ mình phải từ cây, từ rừng mà đi lên. Bởi tôi sinh năm con khỉ mà (Mậu Thân- 1968). Khỉ phải là “hầu thực quả", anh tâm sự.

Ý nghĩ làm vườn cây ăn quả đến với anh từ những năm tháng gian nan đó. Năm 1990 với số tiền tiết kiệm được, anh mua 3 ha đất ở ấp Suối Nhung và quyết định trồng điều vì điều kiện đất đai thổ dưỡng thích hợp. 7 năm sau điều cho thu hoạch, năng suất bình quân 2 tấn, thu được 20- 30 triệu đồng/ha. Tính đi tính lại cộng trừ nhân chia vẫn không thấy khá giả. Anh quyết định “xử” điều  để trồng cao su, khi đã mua thêm được 5 ha đất bên cạnh.

Đó là lần chuyển đổi cây trồng thứ hai. 7 năm sau, 8 ha cao su bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ anh mừng vì mủ cao su được giá mà cả vợ con cũng vui lây. Năm 2005 anh mua tiếp thêm 12 ha đất đang trồng điều. Mặc dù lúc này điều đang cho thu hoạch cao, nhưng anh vẫn quyết định "trảm" để trồng 4 loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao: Sầu riêng, măng cụt, mít Thái và bơ. "Xử tử" cây điều, đốn hạ cao su nghĩa là anh đã chấp nhận mất hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

Theo anh Đông, cao su dù được nhìn nhận là vàng trắng, nhưng so về kinh tế thì 3 ha cao su chỉ bằng 1 ha cây ăn quả. Thời gian trồng và cho thu hoạch giữa cao su với các giống cây ăn quả trồng cũng xấp xỉ nhau, trên dưới 6 năm. Nhưng giá mủ cao su phải chịu sức ép lớn của thị trường thế giới. Thời gian thu hoạch kéo dài những 10 tháng, nhân công khai thác mủ phải có kĩ thuật cao. Vì anh trồng theo dạng tiểu điền nên giá bán không thể bằng các công ty của nhà nước, tức vẫn bấp bênh trôi nổi.

Với cây ăn quả thì ngược lại. Chỉ lấy sầu riêng làm dẫn chứng. Sau 6 năm anh Đông bắt đầu thu hoạch. Năm đầu tiên được 150 tấn/ha, giá hiện nay bán tại siêu thị là 20 ngàn đồng/kg, vị chi được 300 triệu đồng. Trong khi đó 1 ha cao su năng suất 2 tấn với giá của năm 2011 chỉ thu được khoảng 130 triệu đồng. Đến năm thứ 2, thứ 3 năng suất các giống cây ăn quả sẽ tăng lên và năm thứ 10 khi năng suất giảm thì anh sẽ thanh lí để trồng mới.

"Làm vườn như một kiến trúc sư thiết kế đô thị, tức phải đẹp và tiện ích. Với 12 ha tôi trồng 4 loại cây, mỗi loại trên dưới 3 ha, trồng ngay hàng thẳng lối. Kiến trúc sư chỉ mất khoảng 2 tháng cho một đô thị đẹp, còn nhà vườn phải mất 10 năm, 20 năm", anh tâm sự. 
"Giống sầu riêng tôi chọn trồng là Ri6, cơm vàng hột lép, dễ trồng, ít sâu bệnh so với giống của Thái Lan. Với măng cụt, mít Thái, bơ cũng vậy thôi. Thích nhất là bơ Bình Phước. So với bơ Lâm Đồng, Đắk Lắk thì bơ Bình Phước chín trước một tháng (khoảng tháng giêng đến tháng ba âm lịch) bán được giá, cơm dẻo, độ béo cao, da láng bóng rất bắt mắt và được các siêu thị rất ưa chuộng. Đó là chưa tính bơ hiện tại không bị trái cây ngoại lấn sân. Về lâu dài, nếu có số lượng lớn, biết đâu lại là mặt hàng xuất khẩu có giá trị", anh nói.

Một trong những yếu tố khiến anh Đông liều chặt cao su trồng trái cây vì đã có đầu ra tốt tại siêu thị. Phải mất 3 tháng trời với nhiều khó khăn khách quan chủ quan, trái cây của anh được các siêu thị ở TP HCM chấp thuận. Từ một người trồng cây ăn quả, anh nghĩ mình phải thành một thương nhân.

Trái cây của anh không đủ thì liên kết với nhiều nhà vườn, nhiều thương lái khác ở các tỉnh miền Đông, miền Tây. Hàng vô siêu thị dù phải chịu sự nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn VSATTP, mẫu mã nhưng bù lại giá cả ổn định số lượng lớn. Vậy nhưng anh vẫn chưa thật bằng lòng. Bởi với anh làm vườn, ngoài hiệu quả kinh tế cao phải có thẩm mỹ.


Có thể bạn quan tâm

lam-dong-noi-lo-dua-hau-trai-vu-kho-tieu-thu Lâm Đồng: Nỗi Lo Dưa… nuoi-ca-chinh-tren-song-son Nuôi Cá Chình Trên Sông…