Mô hình kinh tế Nông Dân Khốn Đốn Với Sâu Hại

Nông Dân Khốn Đốn Với Sâu Hại

Ngày đăng 31/10/2014

Thời gian gần đây, trên một số loại cây trồng chủ lực ở các tỉnh ĐBSCL xuất hiện một số loài sâu hại tấn công nguy hiểm và hiện chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Từ đó, gây lo lắng cho ngành chức năng lẫn các nhà vườn. 

Theo nhiều nhà vườn trồng dừa tại tỉnh Bến Tre cho biết, cây dừa là cây trồng ít sâu bệnh nhưng thời gian gần đây đã có nhiều đối tượng dịch hại tấn công và ngày càng phát triển mạnh như: bọ vòi voi, bọ cánh cứng, sâu đục trái,… và mới nhất là loài côn trùng lạ gây chết cả cây dừa.

Ông Nguyễn Văn Y, ở ấp Tân Hậu 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, thông tin: “Cách đây hơn 2 tháng, trong vườn dừa 6.700m2 (18 năm tuổi) của tôi xuất hiện một cây từ dưới gốc lên khoảng 2m bị xì mạt trắng vòng quanh, sau đó trái nám đen rồi rụng, lá xụ xuống khô dần và chết. Nghi là bị bệnh lạ nên đã báo cho ngành nông nghiệp tỉnh và được các kỹ sư đến thực nghiệm và lấy mẫu gởi về Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam kiểm nghiệm.

Hiện tại, gia đình tôi và bà con trồng dừa nơi đây rất lo sợ loài côn trùng này tấn công dừa đang cho trái vì khi phát hiện bệnh là cây dừa chuẩn bị chết”.  

Qua phản ánh của người dân, bước đầu Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre ghi nhận đây là loài côn trùng thuộc bộ cánh cứng, thành trùng có kích thước dài khoảng 2,8-3mm, cánh có màu nâu, chiều dài của phần đầu và phần thân gần như tương đương nhau.

Loài côn trùng này đục ngang vào thân cây dừa nhiều lỗ nhỏ, có rất nhiều đường hầm nhỏ màu đen là nơi cư trú của thành trùng, ấu trùng và nhộng.

Khi nông dân phát hiện triệu chứng vỏ thân cây dừa bị khô thì khoảng 2 tháng sau cây dừa chết. Loài côn trùng này rất nguy hiểm và chỉ phát hiện được sự xâm nhiễm của chúng khi đã thấy thân cây dừa xì ra mạt trắng xung quanh thân và khi đó là hết cứu chữa. Trước tình hình trên, hiện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đã lấy mẫu gởi về Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam để định danh.

Trong khi chờ đợi kết quả giám định, nếu người trồng dừa có phát hiện loài côn trùng mới này gây hại trên cây dừa thì nên báo ngay với cán bộ kỹ thuật các trạm bảo vệ thực vật gần nhất để kiểm tra và có hướng khoanh vùng phòng trị kịp thời, hạn chế phát tán lây lan trên diện rộng.

Tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp tỉnh chưa ghi nhận đối tượng lạ gây hại trên cây dừa như tỉnh Bến Tre. Hiện chỉ có xuất hiện rải rác đối tượng bọ vòi voi và bọ cánh cứng nhưng tỷ lệ ảnh hưởng không đáng kể.

Ngoài ra, cây dừa không phải là cây trồng chủ lực của tỉnh nên ngành chỉ đề nghị các cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi và báo cáo tình hình. Hiện nay, đối tượng mà ngành nông nghiệp tỉnh lo ngại nhất đó là sâu đục trái đang gây hại nặng trên các vườn bưởi Năm Roi, một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Loại sâu đục trái trên bưởi Năm Roi xuất hiện và gây hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Hậu Giang kể từ năm 2012. Qua nhiều năm nghiên cứu và tìm giải pháp phòng trị, hiện đối tượng này vẫn đang là bài toán đau đầu chưa có lời giải hữu hiệu của ngành chức năng, có thời gian từng là nỗi ám ảnh của không ít nhà vườn.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành từng có 5 công bưởi Năm Roi bị loài sâu đục trái tấn công, cho biết: “Khi mới phát hiện, sâu chỉ đục vài trái trong vườn, nhưng qua một thời gian ngắn và cộng với sự chủ quan của nhà vườn thì số trái bị ảnh hưởng tăng lên đáng kể. Có vụ sâu đục trái làm vườn bưởi nhà tôi thiệt hại hơn 50%, có hộ bị mất trắng”.

Theo đó, bưởi sau khi bị sâu đục có hiện tượng vỏ bị ứa mủ ra bên ngoài và vết mủ lớn dần đến khi trái vàng và rụng. Những trái bị đục khi chẻ ra có nhiều sâu nằm bên trong múi bưởi (bình quân từ 3-5 con/trái). Những trái bưởi rớt xuống đất, sâu chui ra bên ngoài hóa thành nhộng, sau thời gian nhộng sẽ nở thành bướm và tiếp tục đẻ trứng gây hại trên cây khác trong vườn.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho hay: Tuy sâu hại đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hiện chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Giải pháp trước mắt là bà con áp dụng việc bao trái bưởi ngay từ nhỏ để tránh cho bướm đẻ trứng lên vỏ và khi nở thành sâu sẽ đục vào trái. Mặc dù chỉ là giải pháp tình thế, nhưng về cơ bản đã khống chế phần nào sự phát sinh của sâu hại, giúp nhà vườn an tâm sản xuất hơn. Nếu như vào năm 2012, toàn huyện Châu Thành có khoảng 1.600ha bưởi Năm Roi bị sâu đục trái tấn công thì nay giảm còn khoảng 82ha. 

Trong khi đó, hiện nay người trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long cũng đang gặp khó trước nạn sâu lạ tấn công, bệnh thối củ và giá khoai tuột dốc dưới giá thành sản xuất. Ông Trần Văn Út, ở ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), chia sẻ: “Vụ Hè thu 2014, tôi trồng 3.000m2 khoai lang, sau khi thu hoạch lỗ 20 triệu đồng.

Người trồng khoai đang gặp khốn đốn với sâu lạ cắn phá hư củ khoảng từ 30-50% so với sản lượng và cộng với giá thấp nên đã bị lỗ rất nặng. Những người mướn đất trồng khoai lang thua lỗ trắng tay. Hiện tại, đã có nhiều gia đình bỏ con ở lại quê, vợ chồng đi làm công nhân tại các nhà máy”.

Theo nhiều nhà nông, con sâu lạ xuất hiện 2 năm nay và gần như người trồng khoai bó tay với loài sâu đục củ này. Tất cả bà con vùng trồng khoai lang đã đặt tên cho loài sâu này là “con tàn mạt”. Loài sâu lạ này đợi khoai gần đến tuổi thu hoạch thì tấn công, chúng đục thẳng vào củ hoặc cắn nham nhở ngoài da rồi chuyển sang củ khác.

Thực trạng sâu lạ đã và đang tấn công vùng khoai lang mỗi ngày một nghiêm trọng, thế nhưng đến nay vẫn chưa có cách phòng trị nào hiệu quả. Ông Lê Thành Hương, ở ấp Thành Tân, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, vừa thu hoạch 7.000m2 khoai lang tím Nhật, bán chỉ được 27 triệu đồng, lỗ hơn 35 triệu đồng. Ông Hương cho biết: “Tổng sản lượng ước khoảng 28 tấn, nhưng bị sâu, sùng đục củ, bệnh thối củ bỏ khoảng 60% nên đã lỗ rất nặng.

Khi con sâu tấn công thì có sử dụng thuốc diệt chúng vẫn không hiệu quả mà nó tiếp tục lây lan sang ruộng khoai khác với tốc độ rất nhanh. Ở ấp Thành Tân hầu hết 10 ruộng khoai thì đã có đến 9 ruộng bị sâu tấn công. Hiện tại, rất nhiều nông dân không trả được nợ ngân hàng vì thua lỗ sau vụ khoai vừa qua do sâu hại”.

Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Mấy năm gần đây người dân liên tục trồng khoai nhiều vụ liên tiếp, không cho đất nghỉ nên rất dễ phát sinh dịch bệnh dẫn đến năng suất và chất lượng đều giảm.

Mặt khác, nhiều nông dân trồng khoai phát hiện bị sâu hại tấn công thì sử dụng nhiều loại thuốc hóa học dẫn đến việc kháng thuốc và việc điều trị càng khó khăn hơn. Giải pháp “né” loại sâu “tàn mạt” này bằng cách phát hiện cánh đồng xuất hiện sâu thì lập tức thu hoạch để giảm loài sâu lây lan làm thua lỗ. Bởi, loài sâu này tấn công mạnh nhất là vào thời điểm gần thu hoạch, từ 3,5 đến 4 tháng tuổi, khi đó thu hoạch sớm tuy sản lượng gần đạt và sẽ giảm thiệt hại do sâu lạ tấn công.


Có thể bạn quan tâm

san-xuat-nong-lam-nghiep-thuy-san-cua-tinh-trong-9-thang-nam-2014-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc Sản Xuất Nông, Lâm Nghiệp,… trien-vong-mo-hinh-bom-nuoc-tap-trung Triển Vọng Mô Hình Bơm…