Mô hình kinh tế Nông Dân Lại Khóc Ròng

Nông Dân Lại Khóc Ròng

Ngày đăng 29/08/2013

Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu thiệt vẫn là nông dân

Sau khi kết thúc thu mua gạo tạm trữ (ngày 15-8), giá lúa tại ĐBSCL đã bắt đầu rớt mạnh. Điều đáng lo ngại là một số địa phương mới xuống giống lúa vụ 3, nếu tình trạng rớt giá kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Giảm trên diện rộng

Hiện tại, giá lúa đã giảm 200-500 đồng/kg (tùy nơi) so với thời điểm trước ngày 15-8. Tại An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…, giá lúa xuống dốc làm nông dân điêu đứng.

Ông Nguyễn Công Lý (ngụ ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “May mắn là tôi thu hoạch 10 ha lúa cách nay hơn 10 ngày. Giá lúa tươi tại ruộng lúc đó là 4.500 đồng/kg (IR 50404) và 5.000 đồng/kg (lúa thơm). Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, giá lúa giảm thê thảm”.

Sau khi bán hết lúa nhà, hiện ông Lý đang đi mua lúa khắp nơi trong tỉnh Đồng Tháp và những địa phương lân cận để bán lại. “Tôi vừa xuống huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp mua lúa. Hiện giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.200 đồng/kg, lúa thơm 4.500 đồng/kg. Tại phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, lúa IR 50404 chỉ còn 4.100 đồng/kg” - ông Lý cho biết.

Tại Hậu Giang, dù chỉ mới thu hoạch khoảng 400 ha trên tổng diện tích 50.000 ha lúa vụ 3 nhưng giá lúa cũng đã bắt đầu giảm khiến nhiều nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho hay giá lúa tươi IR 50404 còn 4.300-4.400 đồng/kg, lúa chất lượng cao khoảng 4.600 đồng/kg, giảm chút ít so với trung tuần tháng 8. Kế hoạch năm nay, Hậu Giang xuống giống 52.000 ha lúa vụ 3 nhưng đã có khoảng 2.000 ha người dân chuyển sang cây trồng khác.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao gạo xuất khẩu từ ngày 1 đến 22-8 đạt 287.963 tấn, trị giá FOB 124,6 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 4,347 triệu tấn với trị giá hơn 1,8 tỉ USD. Đơn giá xuất khẩu gạo bình quân trong nửa đầu tháng 8 đạt 432 USD/tấn, tăng khoảng 5% so với giá xuất trong tháng 7, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ), hiện gạo 5% tấm của Việt Nam giá 390 USD/tấn, 25% tấm giá 375 USD/tấn; trong khi của Thái Lan lần lượt là 430-435 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 400 USD/tấn (gạo 25% tấm)...

“Chết” vì độc quyền

Nhiều chuyên gia nhận định việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị đối tác hủy hợp đồng trên 1 triệu tấn gạo cũng không phải là chuyện lớn, nhiều năm trước đây đã từng xảy ra tình trạng như vậy. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu khổ không ai khác chính là nông dân.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, bức xúc: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được hơn 60% diện tích lúa. Như vậy, gần 40% sản lượng lúa còn lại sẽ rất khó tiêu thụ hoặc chịu cảnh rớt giá sau khi thời gian mua tạm trữ 1 triệu tấn đã kết thúc. Nếu tình hình xuất khẩu gạo không được thuận lợi thì chắc chắn người trồng lúa sẽ thêm phần gánh nặng”.

Theo ông Gành, thật ra thì các địa phương ở ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động được việc thu mua tạm trữ lúa theo hướng có lợi cho nông dân. Các DN cũng thừa khả năng để cùng hợp tác với nông dân trong việc thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nếu cứ để VFA độc quyền xuất khẩu thì nông dân vẫn còn luẩn quẩn “được mùa rớt giá”. Bởi lẽ, lúc thị trường có chuyển biến tốt, giá lúa lên cao thì các DN thường ít chịu đi thu mua cho nông dân hoặc ngược lại...

“Chúng ta cứ nói mãi về vấn đề này mà có được gì đâu! Nếu không có giải pháp mang tính căn cơ thì đường nào nông dân cũng phải chịu thiệt” - ông Gành băn khoăn.

Không xóa độc quyền sẽ tiếp tục gặp khó

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cái khó nhất cho gạo Việt Nam vẫn là chưa có thương hiệu, chất lượng hàng xuất khẩu lại không đều. Do đó, giá xuất khẩu gạo luôn ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nếu đem so sánh gạo cùng chủng loại với Thái Lan thì chắc chắn hàng của ta phải chào thua cả về giá cả cũng như uy tín. Ngoài ra, mỗi công ty xuất khẩu gạo Thái Lan đều có thị phần riêng nên không thể nào xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán.

Công tác dự báo thị trường của Thái Lan cũng được thực hiện rất tốt. Chính vì thế mà nông dân Thái Lan luôn đạt lợi nhuận cao nhờ vào việc thu mua dự trữ từ chính phủ. Thậm chí, các doanh nghiệp cần sản lượng bao nhiêu, chủng loại gì sẽ được bộ phận chuyên môn cung cấp loại gạo đồng nhất về chất lượng để xuất khẩu...

“Nếu Chính phủ không xóa được tình trạng độc quyền như hiện nay thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải tiếp tục gặp khó, nhất là khi thị trường thế giới có biến động theo hướng bất lợi. Tôi chỉ tiếc rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm rất tốt về việc đảm bảo chất lượng hạt gạo nhưng lại không được phép xuất khẩu nên cũng không dám mở rộng sản xuất” - GS-TS Võ Tòng Xuân lo ngại.


Có thể bạn quan tâm

nong-nghiep-ta-toi-vi-han-bao-lu Nông Nghiệp Tả Tơi Vì… viet-nam-lan-dau-giai-ma-hoan-chinh-he-gen-cay-lua Việt Nam Lần Đầu Giải…