Tin nông nghiệp Nông dân miền Tây thu lợi nhuận cao nhờ trồng mè

Nông dân miền Tây thu lợi nhuận cao nhờ trồng mè

Tác giả Thư Kỳ, ngày đăng 14/03/2017

Với chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật canh tác dễ, phù hợp điều kiện địa phương..., mô hình xen canh '2 vụ lúa, 1 vụ mè' giúp bà con nông dân miền Tây thu nhập cao gấp 2 lần so với chỉ trồng lúa.

Trong ảnh: Mỗi cây mè từ lúc gieo hạt cho đến thu hoạch mất khoảng 2,5 đến 3 tháng, cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Minh Thư.

Việc trồng mè (vừng) xen canh trên đất ruộng sau khi thu hoạch lúa đông xuân được nông dân một số quận ở Cần Thơ, An Giang… áp dụng hơn chục năm trước, nhưng phát triển mạnh khoảng vài năm nay.

Theo bà con nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trồng lúa chỉ có lời ở vụ đông xuân, còn 2 vụ sau thì chi phí khá cao mà giá bán lại rất bấp bênh. Trước thực trạng trên, một số hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng một vụ mè luân canh giữa 2 vụ lúa nhằm cải thiện thu nhập hàng năm.

Ngoài ra, sau vụ lúa đông xuân, khoảng tháng 1-2, thời tiết nắng nóng nên việc trồng lúa không hiệu quả, bên cạnh đó chi phí khá cao vì phải bơm nước tưới đồng. Do điều kiện thời tiết, đất đai và khí hậu thuận lợi, lại ít chi phí, thời gian sinh trưởng ngắn, nên khi trồng vụ mè ở thời điểm này, cây sẽ không bị đổ ngã, ít sâu bệnh, không ngập úng, cho năng suất cao, tiêu thụ dễ.

Để tiến hành gieo giống mè, sau khi thu hoạch lúa, bà con nông dân sẽ cho nước vào ruộng 1- 2 ngày, đến khi độ ẩm của đất đạt 70 - 80%, họ tháo nước ra và sạ mè. Bên cạnh đó, khi nắng nóng kéo dài, bà con sẽ dùng máy bơm nước tưới sương. Đặc điểm của cây mè là không kén đất nên chỉ cần nông dân biết cách chăm sóc và chọn thời điểm sạ đúng thời tiết là làm có lời.

Những cánh đồng mè xanh mướt thường tập trung ở một số quận xa trung tâm thành phố Cần Thơ như Thốt Nốt, Ô Môn; xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang. Ông Sáu Liền - một nông dân ở quận Thốt Nốt lý giải, mè là cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cần phân bón và nước tưới đầy đủ là phát triển và cho năng suất cao. Ruộng mè chuẩn bị cắt là thương lái đã đến bàn chuyện thu mua nên đầu ra của mè ổn định hơn lúa.

Khi nắng nhiều sẽ cho hạt mè có màu sáng đẹp, không bị nấm mốc tấn công làm biến dạng hạt, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Minh Thư.

Do chất bã của thân cây mè có lợi trong việc cải tạo đất lúa, nên ruộng lúa sau khi luân canh trồng mè sẽ cắt được dòng đời sâu bệnh và cho đất tươi tốt. Theo ông Sáu Liền, mỗi cây mè từ lúc gieo mè cho đến thu hoạch mất khoảng 2,5 - 3 tháng. Đây là thời điểm thuận lợi để phơi hạt. Khi nắng nhiều sẽ cho hạt mè có màu sáng đẹp, không bị nấm mốc tấn công làm biến dạng hạt, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mặt khác để chăm sóc mè, nước chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất. Mè cần nhiều nước từ khi gieo đến ra hoa đầu tiên. Sau đó, bà con sẽ giảm dần và ngưng tưới nước khi có trái chín đầu tiên. Mè cũng rất dễ bị thiệt hại do gió, nhất là trong gia đoạn thân chính phát triển. Gió cũng là yếu tố làm cho mất hạt khi trái bị nứt. Vì thế, khi chọn thời vụ trồng mè, bà con thường tránh gieo vào thời gian mưa to gió lớn.

"Khi trồng mè phải đảm bảo đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nên sau vụ lúa đông xuân, tôi bắt đầu cắt gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng. Cây mè rất có khả năng chịu hạn và dễ mẩn cảm với nước. Nếu mưa liên tục sẽ làm cây đổ ngã và chết", ông Sáu Liền lưu ý.

Cây mè cũng rất cần phân bón để phát triển, nhất là trên các loại đất nghèo dinh dưỡng, nhưng nhu cầu ít hơn các loại cây trồng khác. Một số giống mè địa phương không cần phải bón phân khi trồng.

Việc trồng mè luân canh cây lúa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm, cải thiện nguồn thu nhập mỗi năm. Ảnh: Minh Thư.

Mè có thời gian gieo trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 2,5 đến 3 tháng. Với kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật trồng trong nhiều năm, hiện mỗi công mè nhà ông Sáu Liền cho thu hoạch khoảng 200 kg, có giá dao động 30.000 - 35.000 đồng một kg, thời điểm giá cao lên đến hơn 40.000 đồng một kg. Trừ tất cả chi phí, gia đình ông cũng thu lãi khoảng trên dưới 3 triệu đồng mỗi công. Với hơn chục công đất hiện có, mỗi vụ mè, bình quân thu nhập của gia đình ông Sáu Liền khoảng 40-50 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với cây lúa.

Tháng 4 hàng năm là thời điểm thu hoạch mè. Đây cũng là lúc hạt mè được thị trường tiêu thụ cao, giá cả ổn định, thương lái vào tận ruộng để tìm mua. Vì thế, việc trồng mè luân canh cây lúa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân miền Tây dễ tiêu thụ sản phẩm, cải thiện nguồn thu nhập mỗi năm.


Có thể bạn quan tâm

cam-xoan-vietgap-sai-triu-qua-o-miet-vuon-hau-giang Cam xoàn VietGAP sai trĩu… trong-rau-sach-trong-nha-luoi-thu-20-trieu-dong-moi-ngay Trồng rau sạch trong nhà…