Nông dân “tháo chạy” khỏi cây điều?
Cây điều từ lâu được xem là cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Tuy nhiên, do giá điều nguyên liệu luôn bấp bênh và thời gian gần đây lại bị dịch bệnh hoành hành, nông dân không còn mặn mà chăm sóc, khiến “vựa” điều phía nam Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Trong ảnh: Cận cảnh những bông hoa điều bị bọ xít muỗi gây hại đã héo khô. Ảnh: Lê Kiên
Trồng điều không có lãi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này là do giá cả bấp bênh suốt thời gian dài. Có thời điểm, 1kg điều tươi loại đẹp chỉ được bán với giá 15.000 – 30.000 đồng, có năm tụt xuống còn 8.000 đồng/kg, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 - 3 tạ, vì vậy người dân gần như không có lãi. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh liên tục phá hoại khiến cho nhiều năm liền, cây điều sụt giảm năng suất, gần như bị mất trắng.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn điều 600 cây đang dần chết khô vì bị sâu bệnh tấn công, ông K’Nhũng (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) buồn bã nói: “Nhìn vườn điều mà xót xa đến đứt ruột! Cả nguồn sống của gia đình đều dựa vào vườn điều này. Giờ không biết lấy gì ăn”. Tiếp lời, bà K’Hiềm có vườn bên cạnh chỉ tay về phía vườn điều đang trơ cành, nói: “Gia đình tôi trồng khoảng 3ha điều, hàng năm vào thời điểm này gia đình tôi đã thu hoạch được gần cả tấn trái, năm nay coi như mất trắng”.
Ông Cil Ha Chang (xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai), người từng gắn bó với cây điều hàng chục năm nay, cho hay: “Dịch bệnh trên cây điều xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó điều trị. Dù chúng tôi đã phun rất nhiều loại thuốc theo hướng dẫn của ngành chức năng nhưng không có kết quả. Giờ thu nhập từ việc trồng điều chỉ đạt 10 triệu đồng/ha, chắc gia đình tôi phải chặt trồng loại cây khác thôi...”.
Người dân xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai bất lực nhìn vườn điều ngày càng trơ trụi vì sâu bệnh gây hại. Ảnh: Lê Kiên
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Minh (xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai), người đã “quay lưng” với cây điều gần 2 năm trước cho biết: “Gia đình tôi đã chặt bỏ vườn điều 3ha để trồng khoai mì (sắn) cao sản và ca cao. Riêng mì, thu nhập mỗi năm không dưới 90 triệu đồng; ca cao là 100 triệu đồng; cộng thêm một số cây ăn quả khác cũng thu hơn 100 triệu đồng... Trong khi đó, trồng điều chỉ thu về khoảng 15 triệu đồng/ha, tội gì phải giữ lại vườn điều?”.
Ông Trịnh Xuân Du (xã Hương Lâm, Đạ Tẻh) trăn trở: “Bao năm nay người dân xã tôi sống dựa vào cây điều là chính. Trước tình trạng cây điều chết lá hàng loạt như hiện nay, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, rất mong ngành chức năng có nghiên cứu, thống kê, đánh giá thiệt hại và có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp người trồng điều phục hồi sản xuất”.
Ngành chức năng “bó tay” trước dịch bệnh?
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có trên 20.000ha điều, chủ yếu tập trung ở 3 huyện phía Nam là Đạ Huoai với hơn 9.000ha, Đạ Tẻh khoảng 8.114ha và Cát Tiên là 5.550ha. Tại huyện Đam Rông, nếu không kể diện tích điều đã trồng từ sau 1975 thì diện tích điều được trồng từ các chương trình và dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hơn 10 năm qua cũng chỉ còn 600ha.
Vườn điều dần chết khô vì dịch bệnh ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Ảnh: L.K
Theo kế hoạch của huyện Đạ Tẻh, trong số 2.400ha điều, huyện sẽ thay thế 800ha điều năng suất thấp sang cây trồng khác, diện tích còn lại sẽ trồng xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày. Trong khi đó, huyện Cát Tiên đã đề ra giải pháp khắc phục hiện tượng điều chết hàng loạt hiện nay là chuyển đổi 2.000ha trong tổng số 4.500ha điều sang trồng ca cao; huyện Đam Rông cũng có kế hoạch thay thế toàn bộ 600ha điều hiện có bằng cây cao su.
Đáng chú ý, tại huyện Đạ Tẻh, đến thời điểm này đã có 7.104/8.114ha điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại; trong đó có 3.090ha bị nhiễm bệnh từ 50 - 70%, 4.790ha bị gây hại nặng trên 70% và 234ha bị cháy khô không có khả năng hồi phục. Diện tích điều bị sâu bệnh trải đều ở 11/11 xã, thị trấn, ước tính thiệt hại khoảng 166 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đạ Tẻh khẳng định, người dân đã tích cực triển khai mọi biện pháp phòng trừ sâu bệnh để cứu cây điều khỏi bị chết, tuy nhiên nhiều diện tích vẫn bị mất trắng.
Còn ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cát Tiên cho biết, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng của huyện đã tìm các biện pháp để cứu chữa cây điều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Toàn huyện cũng đã có trên 80% diện tích điều bị bệnh gây hại. Một cán bộ chuyên môn của Phòng NNPTNT huyện Cát Tiên thông tin thêm: “Bệnh trên cây điều thì chúng tôi đã nắm rõ, song chưa có thuốc đặc trị tận gốc căn bệnh. Tình trạng này khiến cho không chỉ người trồng điều nản lòng mà ngay cả cơ quan chuyên môn chúng tôi cũng mệt mỏi”.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng - ông Nguyễn Văn Sơn cho biết đã nắm được thực trạng dịch bệnh xảy ra trên cây điều tại các địa phương trong tỉnh. “Chúng tôi đang triển khai các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cây để sang năm điều tiếp tục ra quả. Tinh thần là cứu được cây nào hay cây đấy. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các xã tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo lên Sở NNPTNT, từ đó Sở sẽ đề xuất tỉnh mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ”.
Mới đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng đã công bố phải thay thế ít nhất 2.200ha điều kém chất lượng bằng cây cao su theo chương trình phát triển cây cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, một diện tích điều có thể giữ lại, nhưng phải được trồng xen với một số loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ