Trồng lúa Nông dân Tiền Giang trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Nông dân Tiền Giang trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Tác giả Mễ Hà, ngày đăng 21/03/2018

Những tiêu chuẩn về giống, quy định sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được nông dân tuân thủ khắt khe.

Cánh đồng lúa rộng lớn của nông dân Tiền Giang. Ảnh: Bizmedia.

Huyện Cai Lậy - phía tây tỉnh Tiền Giang là vựa lúa được quy hoạch canh tác lúa chất lượng cao. Một năm 3 vụ lúa, thu nhập chính của nông dân đến từ cây trồng này. Tuy nhiên, giá cả lên xuống, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất khiến vụ mùa của người dân cũng trở nên bấp bênh.

Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cánh đồng mẫu lớn được triển khai, nhiều doanh nghiệp và nông dân kết nối với nhau, giá trị của hạt gạo Tiền Giang cũng thay đổi tích cực.

Tại xã Mỹ Thành Nam, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mới thành lập tháng 7 nhưng đã có 30ha lúa được tái chứng nhận GlobalGAP từ tháng 3. Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc hợp tác xã cho biết, ông bắt đầu trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2008, lần tái chứng nhận này là lần thứ hai.

Trồng lúa theo GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe về giống, quy định sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. "Trước kia chúng tôi làm theo tổ hợp tác, năm 2012 thì ký hợp đồng liên kết thu mua với Công ty TNHH ADC. Gần đây, khi công ty không thu mua nữa, chúng tôi thành lập lại hợp tác xã để sản xuất ổn định hơn", ông Hưng chia sẻ.

Hiện, hợp tác xã đã xuống giống xong vụ đông xuân 2017-2018 trên diện tích 92ha. Dự kiến, thời gian thu hoạch là tháng 3 dương lịch năm sau. Giống lúa chủ lực là OM 4900 và lúa cẩm. Năng suất cao nhất đạt đến 8-9 tấn một ha. Hiện, Công ty TNHH ADC đã thu mua lại toàn bộ lúa của 7 xã viên.

Theo mô hình liên kết này, doanh nghiệp hỗ trợ người dân toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí hỗ trợ được trừ vào tiền thu mua lúa cuối vụ.

Tùy theo giá cả thị trường, giá thu mua luôn cao hơn 100- 200 đồng một kg. Thời điểm thu hoạch, ghe thu mua lúa của doanh nghiệp vào tận nơi thu mua lúa tươi của bà con. Do đó, người trồng không phải gánh thêm chi phí hao hụt khi phơi sấy.

Dây chuyền chế biến và đóng gói lúa gạo. Ảnh: Bizmedia.

Một mô hình liên kết giữa khác là của nông dân ấp Giồng Tân, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông với Công ty lương thực Tiền Giang.

Theo liên kết, doanh nghiệp hỗ trợ người trồng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, nông dân còn thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác sao cho không tồn dư hóa chất khi thu hoạch.

Sau khi thu mua, lúa đạt tiêu chuẩn được đưa về kho chứa để cân, sàng tạp chất loại bỏ rơm, đá, sạn. Sau đó, người làm tiến hành bóc vỏ trấu tạo thành gạo lức. Hệ thống quạt gió thổi hết vỏ trấu, gạo lức còn lại đi vào hệ thống sàng để loại bỏ thóc còn lẫn rồi mới chuyển sang công đoạn say xát, đánh bóng. Sau cùng, hạt gạo trắng, bóng, được tách màu rồi đem đi đóng gói theo tiêu chuẩn.

Ngày nay, hạt gạo Tiền Giang không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Trung Quốc.


Có thể bạn quan tâm

phong-tru-sau-benh-cho-lua-xuan Phòng trừ sâu bệnh cho… tinh-toan-nhu-cau-phan-bon-cua-cay-lua-bang-ky-thuat-o-khuyet Tính toán nhu cầu phân…