Mô hình kinh tế Nông Dân Tự Xúc Tiến Thương Mại

Nông Dân Tự Xúc Tiến Thương Mại

Ngày đăng 27/06/2014

Họ chỉ là những nông dân bình thường, nhưng vì không chịu nổi cảnh mãi bị đè nén, ép giá bán bèo bọt nên đã tự đi “xúc tiến thương mại”, tìm cách đưa trái cây ra nước ngoài tiêu thụ.

ĂN NGỦ CÙNG... CHÔM CHÔM

Mới sáng sớm, anh Nguyễn Hữu Tâm, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Việts (Chợ Lách, Bến Tre) đã bấm điện thoại cho chúng tôi phấn khởi báo tin vui: “Các nhà vườn trong Tổ hợp tác hiện đang tập trung đóng lô hàng chôm chôm cấp đông đầu tiên lên tới hàng trăm tấn để xuất sang Hàn Quốc. Khi xuất xong lô hàng này chắc chắn sẽ mở thêm cơ hội cho nhiều loại trái cây khác nữa”.

Ngồi tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi nhưng chiếc điện thoại của anh Tâm liên tục đổ chuông. Anh Tâm khoe: “Đến nay có nhiều mối hàng quốc tế muốn đặt vấn đề thu mua các mặt hàng trái của Tổ hợp tác với số lượng lớn, nhưng mình đành phải từ chối vì không đáp ứng kịp theo đơn hàng”.

Mấy tuần nay, anh Tâm cùng nhiều bà con xã viên trong Tổ hợp tác trái cây Việts tất bật ngày đêm lo gom đủ lượng chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP để kịp làm thủ tục đóng gói giao hàng. Để có đủ số lượng theo yêu cầu hợp đồng, anh Tâm phải xuống từng hộ xã viên hướng dẫn, đôn đốc khẩn trương lựa những trái tốt nhất để tập kết vận chuyển lên TP.HCM xử lý đóng gói cấp đông.

“Năm 2012, có một chủ doanh nghiệp bên Úc khi biết được thông tin đã lập tức bay sang Việt Nam tìm gặp tôi đặt vấn đề mua bản quyền kỹ thuật xử lý chôm chôm nghịch vụ với giá 200.000 USD; đồng thời họ muốn thuê tôi sang bên Úc để chuyển giao kỹ thuật và sẽ chấp nhận trả mức lương 5.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, cũng vì “màu cờ sắc áo” của trái cây Việt Nam nên tôi đã từ chối lời đề nghị này. Thực sự, nếu họ biết được kỹ thuật xử lý trái cây nghịch vụ thì trái cây Việt của mình xuất qua Mỹ thua chắc, vì giống trái chôm chôm của họ tốt hơn (chỉ 16 trái/kg, trong khi chôm chôm VN là 32 trái/kg)”, anh Tâm nói.

Để đảm bảo chất lượng, anh Tâm đã trực tiếp giám sát theo xe. “Vì đây là lô hàng chôm chôm đầu tiên của Tổ hợp tác phối hợp với Cty Nông sản Việts xuất sang Hàn Quốc nên mọi khâu cần phải được tính toán và giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo chất lượng và giữ uy tín với đối tác quốc tế”, anh Tâm nói.

Ngay khi đến nơi, anh Tâm cùng nhóm xã viên trong Tổ mang đi rửa trái, bao gói, đóng thùng và dán nhãn theo đúng yêu cầu của khách hàng. Những ngày bám trụ tại TP.HCM, mọi người gần như “ăn ngủ cùng chôm chôm” để kịp xử lý đóng gói lô hàng trước khi đưa ra cảng.

Theo anh Tâm, sau hành trình xúc tiến thương mại đầy gian khổ để đưa được trái chôm chôm xuất khẩu qua Mỹ, tiếp tục hôm nay tin vui lại đến với xã viên tại thị trường Hàn Quốc. Gặp chúng tôi, anh Tâm hào hứng nói: “Sau khi báo Nông nghiệp Việt Nam đăng thông tin về Tổ hợp tác, đến nay có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước liên hệ đặt vấn đề thu mua trái cây xuất khẩu ổn định lâu dài. Đây chính là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho bà con chúng tôi tiêu thụ được trái cây với giá cao hơn”.

TÌM THÊM THỊ TRƯỜNG MỚI

Theo anh Tâm, đợt này vừa làm hàng chôm chôm, anh còn tranh thủ chạy về Tổ hợp tác để huy động thu gom mặt hàng dừa tươi đạt tiêu chuẩn để xuất qua Hàn Quốc và Singapore. “Mới đây, Tổ hợp tác và Cty Nông sản Việts xuất thử một “công” dừa tươi và được thị trường Hàn Quốc chấp nhận rồi” – anh Tâm khoe. Dự kiến, những ngày tới Tổ hợp tác sẽ xuất khoảng 5 “công”/tháng với giá gần 1 USD/trái theo đơn đặt hàng đã ký kết của hai đối tác trên.

Ông Vũ Công Bằng – Giám đốc Cty Nông sản Việts cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi hiện đang XK các mặt hàng trái cây tươi và cấp đông đi nhiều nước, do vậy rất cần tìm các nguồn hàng chất lượng. Nay chúng tôi đang phối hợp với Tổ hợp tác trái cây Việts xúc tiến mở hướng mới XK trái cây và bắt đầu với đợt xuất mặt hàng chôm chôm cấp đông qua thị trường Hàn Quốc bằng đường biển...”.

Theo ông Bằng, đợt hàng này sẽ xuất 176 tấn chôm chôm (8 container) với giá 16.500 đ/kg. Hàn Quốc được xem là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Từ trước đến nay thị trường này chỉ mới chấp nhận một loại trái cây duy nhất là trái chôm chôm tươi. Năm rồi công ty ông Bằng cũng đã xuất được 50 container chôm chôm Java tươi qua Mỹ bằng đường bay.

Tuy nhiên, do giá cước vận chuyển bằng đường hàng không rất cao chưa kể chi phí chiếu xạ 1 USD/kg nên tính ra cũng không “ăn” bằng xuất qua các nước khác như Hàn Quốc, Singapore theo đường biển. “60% lượng hàng chôm chôm của Bến Tre thường xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng nay đang bị ảnh hưởng. Thêm thị trường cũng là thêm cơ hội cho các nhà vườn làm giàu với vườn cây ăn trái của mình”, ông Bằng chia sẻ.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trung Quốc được xem là thị trường dễ tính và mặt hàng chủ lực XK sang nước này là thanh long. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đang bị vướng phải một số rào cản kỹ thuật do Trung Quốc bắt bẻ. Do vậy, các DN đang tìm hướng XK sang các nước khác nhằm thay thế dần thị trường Trung Quốc.

So với nhiều nước, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật là thị trường rất có tiềm năng để xuất khẩu trái cây. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ xử lý trái cây theo tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu như chiếu xạ, xử lý bằng hơi nước nóng, hay vấn đề xử lý, loại trừ ruồi đục quả.


Có thể bạn quan tâm

nhung-cai-bay-tren-bo Những Cái Bẫy Trên Bờ bo-hoang-ruong-ben-ho Bỏ Hoang Ruộng Bên Hồ