Mô hình kinh tế Nông Dân Vĩnh Châu Băn Khoăn Trước Vụ Nuôi Tôm Năm 2015

Nông Dân Vĩnh Châu Băn Khoăn Trước Vụ Nuôi Tôm Năm 2015

Ngày đăng 26/01/2015

Bước vào vụ nuôi tôm năm 2015, nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã chuẩn bị kỷ lưỡng các bước cải tạo ao nuôi với tâm lý thận trọng trong thả nuôi.

Do ở vụ nuôi năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp, nên bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm xảy ra khá nhiều, làm cả vụ nuôi có gần 50% diện tích bị thiệt hại. Cho nên vụ nuôi này bà con vẫn rất lo lắng về chất lượng con giống, môi trường ô nhiễm và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Bùi Văn Thận ở Ấp Kinh Mới cho biết: “Trên thị trường hiện nay có nhiều giống quá người nuôi cũng không biết chọn lựa giống nào để đạt yêu cầu. Về thuốc nuôi trồng thủy sản, các loại thuốc nuôi tôm cũng nhiều thứ quá nên cũng băn khoăn vì chưa biết thuốc nào thiệt thuốc nào giả trên thị trường”.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng ban nhân dân ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp đề xuất: “Đối với người nuôi tôm hầu hết bà con nuôi tôm mua con giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng nên qua nhiều vụ nuôi xảy ra rủi ro rất nhiều, để đảm bảo con giống chất lượng tôi xin kiến nghị các ngành chức năng nên có trung tâm trại giống ở thị xã Vĩnh Châu để cung cấp con giống sạch bệnh nhằm giảm chi phí, ngành chức năng thường xuyên có thông báo về môi trường để bà con nắm và theo dõi trong quá trình nuôi tôm”.
Theo kế hoạch năm 2015 diện tích nuôi thủy sản của thị xã Vĩnh Châu là 26.000 ha, trong đó nuôi tôm trên 24.000ha. Hiện đã có trên 70% diện tích ao nuôi được cải tạo và có trên 800 ha được thả giống. Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, bà con đã có sự tìm hiểu cách nuôi hiệu quả, hướng nuôi đáp ứng với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phan Hoàng Diệp, Xã viên hợp tác xã Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp chia sẻ kinh nghiệm: “Bà con nên nuôi mật độ thưa, lồng ghép cá phi trong ao lắng lấy nước, tuân thủ đúng lịch thời vụ nhà nước khuyến cáo, mua con giống đã qua kiểm định".
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó phòng kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Chúng tôi cũng tham mưu cho thị ủy, ủy ban thị xã kiện toàn lại nhân sự Ban chỉ đạo nuôi trồng thủy sản ở cấp xã phường đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, thị xã kiểm tra chất lượng con giống, các sản phẩm vật tư thức ăn, thuốc thú y thủy sản đầu vào, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi xả tôm bị bệnh, nước thải không qua xử lý, bơm bùn ra sông.
Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phổ biến thông tin rộng rãi tình hình thời tiết, dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất của người dân”.
Tin rằng với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng cùng kinh nghiệm sản xuất của bà con sẽ góp phần cho người nuôi tôm Vĩnh Châu có một vụ nuôi thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

ngu-dan-my-an-trung-tom-hum-giong Ngư Dân Mỹ An “Trúng”… ninh-thuan-nuoi-tom-nuoc-lo-theo-ky-thuat-vietgap Ninh Thuận Nuôi Tôm Nước…