Mô hình kinh tế Nông Dân Xã Đông Hưng Thu Nhập Khá Từ Mô Hình Đa Canh

Nông Dân Xã Đông Hưng Thu Nhập Khá Từ Mô Hình Đa Canh

Ngày đăng 19/07/2014

Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Đông Hưng, huyện Cái Nước đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ đa canh góp phần tạo thu nhập ổn định và giảm nghèo cho các hội viên.

Ông Phan Mười Ba, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng được biết đến là người xây dựng thành công mô hình đa cây, đa con nhiều năm nay. Vốn là một lão nông chăm chỉ, gắn bó lâu năm với ruộng vườn nên từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ông Mười Ba đã khoanh ngọt diện tích đất gần 7.000 m2 để thoả mãn niềm vui trồng rau, nuôi cá.

Trên phần đất khoanh ngọt ban đầu, ông trồng hơn 700 gốc chuối, vài chục gốc xoài, mít, khoai mì và nhiều loại rau màu... Dưới ao ông nuôi nhiều loại cá đồng khác nhau, với mục đích phục vụ cho bữa ăn gia đình. Dần dần thấy được hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình.

Vốn là người ham học hỏi, ông Mười Ba thường xuyên đi đến các xã, các huyện lân cận tham quan và học hỏi bà con cách trồng màu, nuôi cá, từ đó tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.

Giờ đây ông trồng hầu hết các loại rau màu như: cải xanh, cải ngọt, rau má, sả... Bên cạnh đó, ông còn trồng bắp xen kẽ với tỉa lúa với diện tích gần 2.000 m2.

Khi thu hoạch bắp và lúa xong, ông tận dụng rơm rạ tiếp tục trồng dưa hấu. Vào mùa thu hoạch rau màu, mỗi ngày ông thu về từ 200.000 đồng trở lên, xuyên suốt từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau.

Mỗi năm ông cải tạo ao 1 lần để nuôi cá. Với diện tích khoảng 800 m2, ông nuôi nhiều loại cá như cá trê, cá tra và vài chục con ba ba mang về thu nhập đáng kể. Rau màu và cá được ông bán cho bà con gần nhà và bán ở chợ Chà Là.

Từ năm 2013, ông bắt đầu nuôi thử nghiệm bồ câu. Với 6 cặp ban đầu, đến nay ông đã có hơn 30 cặp bồ câu, bán với giá dao động từ 200.000-250.000 đồng/cặp. Như vậy, qua mỗi năm, ông Mười Ba thu nhập hơn 60 triệu đồng từ mô hình đa cây, đa con. Ông vui mừng chia sẻ: “Việc trồng màu góp phần tận dụng và cải tạo đất trống, vừa cho thu nhập, lại có công việc nhàn rỗi để làm lúc tuổi già.

Việc tận dụng đất trống để trồng trọt là điều bà con nên làm, vì vừa phục vụ nhu cầu bữa ăn trong gia đình, vừa thực hiện tốt nghị quyết của Ðảng bộ xã”. Ông cũng vừa cải tạo xong 2 ao với diện tích 2.400 m2 để chuẩn bị nuôi thuỷ sản trong thời gian tới.

Cũng tại ấp Giá Ngự, ông Trịnh Văn Ðương đã tự xây dựng cho mình mô hình trồng lúa trên đất vườn. Ông Ðương tận dụng đất trống quanh nhà và trước sân với diện tích hơn 3.000 m2 để trồng lúa và trồng mỗi năm 2 vụ. Những vụ đầu do chưa có kinh nghiệm và thời tiết không thuận lợi nên chỉ thu hoạch được vài chục giạ lúa/vụ.

Tích luỹ kinh nghiệm, dự tính từ đây đến cuối năm ông Ðương sẽ thực hiện khép kín vùng canh tác lúa để phòng, chống côn trùng cắn phá, từ đó nâng cao năng suất lúa, đồng thời thả nhiều loại cá đồng, ếch, để đến cuối mùa vụ ông vừa thu hoạch lúa và vừa thu lợi từ nguồn cá nuôi.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðông Hưng, cho biết, hầu hết những hội viên đều tích cực lao động sản xuất, người thực hiện mô hình hiệu quả sẽ vận động người khác làm theo nhằm giảm nghèo, ổn định kinh tế gia đình.

Ngoài những mô hình tiêu biểu trên, Hội Nông dân xã còn có nhiều mô hình khác như: nuôi cá bống tượng, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cá sấu... Ðặc biệt, gần đây mô hình trồng rau sạch cũng được người dân nhiệt tình tham gia. Trên địa bàn xã Ðông Hưng có khoảng 1 ha trồng rau sạch, đa số là hội viên Hội Nông dân tham gia trồng trọt. Trồng rau sạch cho thu nhập thường xuyên và ổn định, mỗi hộ trồng với diện tích 1.000 m2, thu về từ 150.00-200.000 đồng/ngày, mỗi năm lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

Hăng hái trong lao động sản xuất, Hội Nông dân xã góp phần đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng của Ðảng bộ xã, trong đó tiêu biểu là giảm số lượng hội viên nghèo.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-san-xuat-tu-nguon-von-vay-ban-dau Phát Triển Sản Xuất Từ… chan-cua-thuong-lai-trung-quoc-gom-tom Chặn Cửa Thương Lái Trung…