Mô hình kinh tế Nông nghiệp tạo đột phá

Nông nghiệp tạo đột phá

Ngày đăng 22/07/2015

Cho mùa bội thu…

Hiện nay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện Quế Sơn gieo sạ khoảng 3.200 - 3.800ha lúa. Nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho số diện tích đất canh tác lúa vừa nêu, những năm qua địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ nhiều nguồn vốn huy động, trong vòng 5 năm trở lại đây huyện đã đầu tư khoảng 35 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 3 hồ chứa nước có quy mô vừa và nhỏ là Đá Chồng, Vũng Tôm, Cấm Dơi. Đồng thời xây mới 6 trạm bơm điện, 4 đập dâng và bê tông hóa thêm 40km kênh mương loại 3. Theo ông Chín, trong số diện tích đất lúa nêu trên thì tính đến thời điểm này đã có 84,3% chủ động tưới, tăng hơn 12% so với năm 2010.

Ngoài chú trọng khâu nước tưới, 5 năm qua ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương ở Quế Sơn cũng đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân. Bên cạnh đó, thường xuyên chọn lọc và du nhập nhiều loại giống lúa mới có tiềm năng cho sản lượng cao, kháng được các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm về hỗ trợ nhà nông sản xuất đại trà. Ông Trần Văn Noa – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên những năm qua nông dân trên địa bàn Quế Sơn rất vui vì liên tục được mùa. Nếu năm 2010 năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 43 tạ/ha thì bây giờ đã xấp xỉ 54 tạ/ha.

Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía và hy vọng rằng trong thời gian tới năng suất lúa của Quế Sơn sẽ tiếp tục tăng mạnh”. Ngoài ra, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan và lòng dân đồng thuận cao nên từ năm 2011 đến nay Quế Sơn đã dồn điền đổi thửa được 1.300ha đất lúa. Sau khi đồng ruộng không còn manh mún, địa phương tiến hành xây dựng hàng loạt cánh đồng mẫu lớn rồi tích cực hỗ trợ nhà nông liên kết với các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao. Ông Noa cho rằng, việc canh tác theo phương thức đó đã giúp nhà nông tăng thêm 25 - 35% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt là người dân không còn nơm nớp lo chuyện đầu ra vì sản phẩm đã được doanh nghiệp thu mua theo hướng bao tiêu toàn bộ…

Phát triển mạnh kinh tế rừng

Với lợi thế đất lâm nghiệp tương đối nhiều, những năm qua nông dân Quế Sơn đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng. Thực tế cho thấy, đây là lối mở để hàng nghìn hộ dân thoát cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng. Ông Phan Văn Dũng ở thôn 3 (xã Quế Cường) có gần 13ha đất rừng. Nhiều năm nay, nhờ trồng cây keo nguyên liệu giấy mà cuộc sống của gia đình ông khấm khá hẳn lên. “Với số diện tích đất rừng đó, bình quân mỗi năm tôi khai thác và bán ra thị trường ít nhất 3ha keo lai, thu về không dưới 270 triệu đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư chỉ tốn khoảng 80 - 90 triệu đồng. Cứ khai thác lứa này xong thì tôi lập tức phát dọn thực bì và trồng lại lứa khác, nhờ vậy năm nào cũng có nguồn thu nhập cao” - ông Dũng hồ hởi.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch UBND xã Quế Cường cho biết, trước hiệu quả hết sức thiết thực do keo lai mang lại, thời gian qua nông dân địa phương đã tập trung nguồn lực để đầu tư trồng keo lai theo hướng chuyên canh. Ông Sơn nói: “Hiện nay, toàn bộ 563ha đất lâm nghiệp trên địa bàn 4 thôn của xã đã xanh tít tắp những rừng keo lai. Qua thống kê cho thấy, hàng năm nông dân Quế Cường đưa vào khai thác khoảng 25% số diện tích vừa nêu. Được biết, bình quân 1ha keo nguyên liệu cho tổng giá trị 90 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì nhà nông lãi ròng 55 - 65 triệu đồng. Có thể khẳng định, đây thực sự là hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ ở địa phương, góp phần rất lớn vào tiến trình xây dựng mô hình nông thôn mới”.

Không riêng gì Quế Cường, những năm gần đây phong trào trồng rừng kinh tế cũng dấy lên mạnh mẽ ở nhiều nơi khác của Quế Sơn. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện, ngoài 7.600ha rừng phòng hộ thì Quế Sơn còn có 6.200ha đất rừng sản xuất. Nhờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng nên hiện nay tất cả 6.200ha đó đã được nông dân trên địa bàn huyện cải tạo và đưa vào trồng keo nguyên liệu giấy. Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhằm giúp nông dân có điều kiện phát triển mạnh mô hình kinh tế này, từ năm 2010 đến nay Quế Sơn đã tạo mọi thuận lợi cho người dân được tiếp cận dễ dàng với những kênh vốn ưu đãi. Theo ông Chín, trong 5 năm qua riêng nguồn vốn của chương trình trồng rừng thuộc dự án WB3 đã cho 1.869 hộ dân vay gần 18 tỷ đồng với lãi suất rất thấp và thời gian trả nợ kéo dài 7 - 15 năm. Ông Chín nói: “Theo khảo sát, trong tổng số 6.200ha rừng sản xuất thì bình quân mỗi năm nông dân Quế Sơn đưa vào khai thác khoảng 1.100ha, thu về không dưới 75 tỷ đồng”.


Có thể bạn quan tâm

day-manh-cho-vay-phat-trien-thuy-san Đẩy mạnh cho vay phát… nhan-rong-mo-hinh-nuoi-bo-sua-cong-nghe-israel Nhân rộng mô hình nuôi…