Mô hình kinh tế Nông Nghiệp Việt Nam, Góc Nhìn Doanh Nghiệp

Nông Nghiệp Việt Nam, Góc Nhìn Doanh Nghiệp

Ngày đăng 21/10/2014

Nhận thấy đây là những đóng góp hết sức tâm huyết cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, chúng tôi tiếp tục đăng tải các ý kiến của các DN tại diễn đàn DN nông nghiệp năm 2014.

Không gắn với DN, đừng nghiên cứu

(Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận, Bến Tre)

Cty chúng tôi cũng như các DN đầu tư trong lĩnh vực SX, nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện nay đang có những vấn đề rất cần những nghiên cứu của nhà khoa học.

Tuy nhiên qua theo dõi, tôi thấy nhiều đề tài nghiên cứu của các Viện, Trường trực thuộc Bộ NN-PTNT cũng như nhiều bộ ngành khác hiện nay toàn nghiên cứu trên trời, trong khi thực tiễn những thứ chúng tôi và nông dân đang rất cần lại chẳng thấy đâu.

Chúng tôi đề nghị những đề tài nghiên cứu của các đơn vị của Bộ NN-PTNT, từ nay điều kiện muốn nghiên cứu phải gắn với DN, phải xuống phối hợp với DN để làm, trên cơ sở tham khảo ý kiến của DN, của nông dân xem họ đang cần cái gì thì giải quyết vấn đề đó, chứ không thể để mấy anh khoa học tự ngồi nghĩ ra rồi tự nghiên cứu được.

DN chúng tôi nộp thuế vào ngân sách là để họ nghiên cứu quay lại phục vụ cho chúng tôi, để DN phải là đối tượng thừa hưởng thành quả nghiên cứu đó, phát triển những ứng dụng của nghiên cứu đó, chứ không phải để các vị nghiên cứu xong rồi cất vào ngăn tủ.

Về chủ trương chính sách, hiện nay có rất nhiều chính sách nghe rất hay, rất có lí, nhưng về địa phương thì không triển khai được, bởi tâm lí địa phương họ rất ngại khi triển khai các chương trình hỗ trợ.

Đơn cử như các chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho DN thủy sản, khi về địa phương các DN như chúng tôi gần như không triển khai được gì, bởi ngân hàng họ bảo cứ dính vào chương trình hỗ trợ vay vốn là có vô số những cơ quan chức năng, nào thanh tra, nào kiểm toán vào cuộc. Mà đã kiểm tra thì kiểu gì cũng lòi ra chuyện này chuyện kia nên ngân hàng họ rất ngại.

Họ bảo chúng tôi, thôi thì các anh cứ vay thương mại bình thường đi, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các anh, chứ vay theo chương trình hỗ trợ là mệt lắm...

Từ nay, chính sách vĩ mô ra đời phải có chế tài, có biện pháp gì đó đi kèm để địa phương họ thực hiện, chứ không trên TƯ cứ ngồi nghĩ ra chính sách, rồi cuối cùng DN, người dân chẳng tiếp cận được gì, chỉ phí thời gian.

Nỗi khổ con ong(Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nuôi ong VN)

9 tháng đầu năm 2014, sản lượng ngành ong VN đã vượt kế hoạch định hướng đến 2020 với trên 40 nghìn tấn mật ong, kim ngạch XK trên 100 triệu USD, đứng thứ 3 thế giới về XK mật ong và thứ 2 ở thị trường Mỹ.

Kim ngạch XK mật ong của ta mặc dù bé, nhưng đây là sản phẩm chăn nuôi duy nhất XK sang Mỹ và EU, đang giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn nông dân, trong đó hơn 4.000 người nuôi ong chuyên nghiệp.

Chúng ta có lợi thế khi diện tích keo tai tượng cho tiềm năng thu mật vô cùng lớn, ngay Mỹ và các nước XK mật ong họ cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao chỉ vài năm, chúng ta đã tăng sản lượng mật ong XK chỉ mười mấy nghìn tấn lên tới trên 40 nghìn tấn...

Thành quả là vậy, nhưng ngành ong hiện nay đang bị đối xử hết sức bất công. Người nuôi ong chẳng được ưu đãi chính sách gì, họ không thể nào thế chấp đàn ong để vay vốn ngân hàng nên các DN xuất khẩu mật ong phải tự ứng trước tiền cho nông dân vay vốn đầu tư SX. Bên cạnh đó, con ong đang phải gánh vô số những đối xử bạc đãi.

Xin nói đơn cử như chuyện kiểm dịch, trước đây, việc vận chuyển mật và ong từ địa bàn này tới địa bàn kia chỉ yêu cầu kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch 1 lần. Thế nhưng hiện nay theo quy định của Cục Thú y, việc vận chuyển mật ong trong nước đang vô cùng trở ngại do yêu cầu kiểm dịch quá phiền hà.

Cụ thể, để vận chuyển một lô mật ong từ huyện này sang huyện kia với số lượng 200 kg, sẽ buộc phải làm thủ tục cấp một giấy kiểm dịch.

Nếu tạm tính sản lượng mật của cả nước hiện nay khoảng 45 nghìn tấn/năm, và thời gian để có một giấy kiểm dịch là 1 ngày, thì để thông thương hết số lượng mật ấy trong nước, trên lí thuyết sẽ phải cần tới 225 nghìn giấy kiểm dịch, và phải cần tới... 616 năm mới có thể cấp hết được số giấy phép này!

Đó là chưa kể trên thực tế, bộ máy Thú y ở các huyện phải nói thẳng là không thể nào đủ khả năng thiết bị, kỹ thuật để kiểm dịch cho mật ong được. Oái oăm nữa, mỗi giấy kiểm dịch chỉ có hiệu lực trong một tỉnh.

Vì vậy khi chuyển ong sang tỉnh khác, các DN nuôi ong lại phải xin một giấy kiểm dịch mới. Có những chuyến xe chở ong từ Nam ra Bắc, phải dừng xe chờ giấy kiểm dịch không biết bao nhiêu lần. Có khi phải dừng xe, giam ong giữa trời nắng để chờ giấy kiểm dịch cả ngày trời, như vậy là chết người ta rồi!

Trước những tình huống như thế, người nuôi ong chẳng biết gọi ai, họ chỉ biết kêu lên Hội nuôi ong, rồi Hội nuôi ong cũng chỉ biết nhờ vào những mối quan hệ quen biết ở các địa phương để mà xin xỏ làm sao cho nhanh có giấy kiểm dịch, chứ còn biết làm thế nào?

Chưa hết, con ong gần đây còn gánh thêm nhiều cái khổ nữa, đó là tình trạng xua đuổi đàn ong. Mặc dù Viện Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi và nhiều nhà khoa học đã khuyến cáo lợi ích của việc nuôi ong, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra rất nghiêm trọng. Có những vụ người dân đốt cả đàn ong, xịt thuốc sâu phá hoại gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ở Mỹ, giá trị thụ phấn do ong mang lại gấp tới 150 lần so với giá trị mật mà người nuôi ong thu được, và các chủ vườn phải trả tiền cho người nuôi ong. Thế nhưng ở VN thì ngược lại, không chỉ bị đánh, bị xuôi đuổi mà còn phải trả tiền cho chủ vườn từ 10-20 triệu đồng/vườn.

Thậm chí người nuôi ong còn phải trả tiền cả cho chính quyền các xã, trả tiền cho công an, trả tiền cho cảnh sát môi trường..., thành ra mỗi con ong đang phải cõng trên đôi cánh bé nhỏ vô số những loại phí và hiểm nguy rình rập.

Nếu Chính phủ, Bộ NN-PTNT không quyết liệt có những biện pháp chỉ đạo, thậm chí phải bằng văn bản và chế tài xử lí hẳn hoi để bảo vệ đàn ong, bảo vệ người nuôi ong thì ngành SX ong mật khó mà khởi sắc được. Mà mật ong không khai thác thì nó cũng tự mất đi, lãng phí mà thôi.

Bắt nước thải chăn nuôi phải... uống được thì bó tay!
(Ông Phạm Đức Bình, TGĐ TNHH Thanh Bình, Đồng Nai)

Chăn nuôi vẫn đang là ngành gánh nhiều khó khăn nhất, trong đó bức xúc nhất là vấn đề môi trường. Xin nói ngay cả DN chăn nuôi lớn như Cty chúng tôi đây cũng không thể nào đủ tiềm lực kinh tế để có thể đầu tư hệ thống xử lí nước thải đạt loại A, loại B gì đó, có thể... uống được theo yêu cầu của Bộ TN-MT được chứ đừng nói là hộ chăn nuôi nhỏ. Hàng loạt DN chăn nuôi ở Đồng Nai hiện nay liên tục bị cảnh sát môi trường phạt tới phạt lui vì chuyện này.

Thiết nghĩ chất thải chăn nuôi là nguồn phân bón hữu cơ vô cùng quý giá để phục vụ cho trồng trọt, đặc biệt khi mà việc sử dụng phân vô cơ đang không được khuyến khích. Ngay các nước phát triển ở châu Âu, họ cũng vẫn cho phép chất thải chăn nuôi thải tự do ra ngoài để tưới cho các cánh đồng trồng trọt.

Dĩ nhiên đặc thù dân cư ở ta không cho phép như vậy, nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ về việc này. Theo tôi, các cá nhân, DN chăn nuôi chỉ cần có phương án làm sao để thu gom nước thải và phân là được, chứ chưa nên đặt vấn đề bắt buộc xử lí chất thải rất tốn kém và lãng phí.

Phân bây giờ cũng là tiền, người trồng trọt còn phải đi mua phân, nếu người chăn nuôi có phương án thu gom để phục vụ cho các đơn vị trồng trọt thì quá tốt, vừa đảm bảo tiêu chí vệ sinh trong chăn nuôi, vừa đỡ lãng phí, các nước tiên tiến họ còn tận dụng phân tươi hữu cơ, tại sao ta không?

Cũng liên quan tới vệ sinh chăn nuôi, Đồng Nai hiện nay có rất nhiều khu chăn nuôi tập trung, nhưng chẳng anh nào dám vào đó nuôi, bởi ngành thú y cứ quy định nếu phát hiện dịch thì trong phạm vi 3 km phải tiêu hủy sạch, bất kể trang trại lớn bé.

Cách mà ngành thú y đối xử với người chăn nuôi cứ như “cá mè 1 lứa”, hộ nuôi 500 nghìn con cũng như 500 con, quy trình kiểm dịch, yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chẳng khác gì nhau nên chưa khuyến khích được người dân phát triển chăn nuôi lớn.

Về đất chăn nuôi, hiện nay không có quy định nào xếp đó là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tài sản trên đất vì thế cũng không có giá trị pháp lí nên khi vay vốn, ngân hàng họ cho giá trị về không tất. Thế nên ở Đồng Nai bây giờ mới có chuyện sinh ra khái niệm “đất nông nghiệp khác” để họ thế chấp ngân hàng.

Về cây trồng biến đổi gen (BĐG), thực ra người chăn nuôi chúng tôi đã NK và sử dụng ngô, đậu tương BĐG từ lâu lắm rồi, nhưng chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi chuyện có cho trồng cây BĐG hay không. Bộ NN-PTNT cần phải công bố cho người chăn nuôi rõ định hướng chúng ta có khuyến khích phát triển cây trồng BĐG hay không, chiến lược ra sao để người chăn nuôi nắm được xu thế mà chuẩn bị.

Bên cạnh đó, chúng tôi nghe nói Bộ NN-PTNT đang chủ trương chuyển đổi 200 nghìn ha lúa sang trồng ngô, cũng cần cho các DN chăn nuôi chúng tôi biết rõ ngô sẽ trồng ở đâu, vụ nào... để chúng tôi có định hướng đầu tư máy sấy bắp. Theo tôi, chúng ta nên giảm trồng lúa dần, chuyển sang trồng ngô là hợp lí. Các DN chăn nuôi lâu nay cứ phải đi NK ngô tận bên Mỹ cũng chẳng phải sung sướng gì.

Cuối cùng, chúng tôi nghe chuyện VN đang đàm phán TPP gì đó, nghe có vẻ ngành chăn nuôi sẽ rất mệt mỏi. Thế nhưng gia nhập TPP sau này ảnh hưởng lợi hại thế nào tới chúng tôi, cơ quan chức năng VN đang đàm phán với các nước những vấn đề gì... đến nay chúng tôi cũng không được biết. Cái này cần phải nói thật rõ cho DN chăn nuôi chúng tôi hiểu, thậm chí cần phải tham khảo ý kiến xem nên đàm phán thế nào chứ?

Phải cổ phần ngay các Trung tâm giống các tỉnh(Ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Tổng Cty CP giống cây trồng Thái Bình)

Từ năm 2003, khi sơ kết chương trình giống giai đoạn 2001-2005, tôi đã đề nghị Bộ NN-PTNT cần phải xây dựng một chiến lược cho ngành giống cây trồng VN. Theo đó, tôi là người duy nhất phản đối việc thành lập các Trung tâm giống cây trồng ở các tỉnh.

Bởi việc chuyển giao KH-KT hiện nay đã có khuyến nông, còn làm nghiên cứu thì chúng ta đã có các Viện, các DN, chứ các Trung tâm thì lấy đâu ra tiền, lấy đâu ra con người, trình độ, thiết bị... để mà làm được giống? Thế nhưng không hiểu sao sau đó, các Trung tâm giống vẫn cứ được thành lập, mà mục đích là hưởng các chương trình dự án nước ngoài là chính.

Thế rồi bây giờ, các Trung tâm giống các tỉnh gần như đa số sống dở chết dở, nhưng cổ phần cũng không xong.

Ở ĐBSCL, hiện nay, các Trung tâm giống không còn có khả năng đáp ứng yêu cầu cung ứng cho SX, và cần phải nhanh chóng phát triển một đội ngũ DN giống tại vùng này, chứ không thể trông chờ vào mấy trung tâm.

Mới đây, chúng tôi đã đề nghị mấy tỉnh ĐBSCL hãy cho các Trung tâm giống cổ phần hóa đi, các DN giống lớn như chúng tôi sẽ mua lại cổ phần, rồi nhất định sẽ có giống tốt cho nông dân. Thế nhưng nhiều tỉnh vẫn cứ đắn đo không đồng ý, cụ thể như Đồng Tháp, Kiên Giang...

Ở miền Bắc hiện nay, 70% lượng giống nông dân đã được dùng là giống tốt, đã được xác nhận, và có nơi chỉ cần dùng 25 kg giống/ha. Nhưng ĐBSCL là vựa lúa chính, lại có tới 70% lượng giống là kém chất lượng, chưa được công nhận, nhiều nơi còn phải dùng tới 250kg giống/ha, rất lãng phí.

Thiết nghĩ, chỉ cần chúng ta sử dụng được 70% giống ở ĐBSCL là giống xác nhận, thì đã tự nhiên có thêm hàng triệu tấn lúa nữa, chẳng cần phải đầu tư gì. Vì thế Bộ NN-PTNT phải có ý kiến với các tỉnh cho cổ phần hóa các Trung tâm giống đi, đừng có tiếc gì mà giữ lại làm nữa.

Liên quan đến chuyện cổ phần hóa, Trung Quốc cách đây 12 năm bắt đầu cổ phần hóa các DN giống cấy trồng, nhưng mới đây tôi đi Hồ Bắc, một số DN đã bắt đầu quay lại mua tới 70% cổ phần mà họ đã từng bán ra trước đây, nguyên nhân là họ sợ nếu cứ bán cổ phần mãi cho các cổ đông khác ngoài ngành giống, sẽ đẩy các DN giống vào cảnh bị thâu tóm sạch, và trước sau gì cũng “mất gốc” của một DN ngành giống vốn có tính đặc thù rất cao. Đây là vấn đề mà Bộ NN-PTNT cũng như các DN giống cần phải suy nghĩ.

Về hệ thống pháp luật của ngành giống VN, có thể nói hiện nay liên tục thay đổi, DN luôn phải quay mòng mòng với văn bản pháp luật. Pháp lệnh Giống cây trồng ra đời từ khi VN chưa gia nhập WTO, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên, trong đó rắc rối nhất là chuyện thủ tục công nhận giống.

Trong khi đó, các quy định trong các văn bản dưới Pháp lệnh Giống lại đang làm bó các DN, nhưng khi muốn sửa thì vướng đủ thứ, bởi hễ muốn sửa là lại dính tới những từ ngữ chạm vào Pháp lệnh, mà đã chạm vào Pháp lệnh thì phải chờ Thường vụ Quốc hội quyết mới sửa được. Tôi kiến nghị phải đưa ngay dự thảo Luật giống cây trồng ngay trong kỳ họp Quốc hội tới.

Nên cấm người dân tự sử dụng thuốc BVTV?
(Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè VN)

Gần đây, ngành chè VN liên tục dính phải các lô hàng bị đối tác họ trả lại vì vi phạm các chỉ tiêu về sử dụng thuốc BVTV, chúng ta không thể XK chè vào EU cũng vì chuyện này. Nếu không tìm cách nghiên cứu kiểm soát việc này, ngành chè sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bị “vỡ” thị trường.

Hiện nay, mấu chốt của tình trạng này vẫn là do mỗi NM chè phải thu gom hàng trăm, hàng nghìn nguồn nguyên liệu của các hộ dân khác nhau nên không thể nào quản lí được việc sử dụng thuốc BVTV của từng hộ dân, dù chúng ta đã có rất nhiều chương trình đào tạo, khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV thế nào cho đúng, nhưng vẫn cứ xảy ra những lô hàng vi phạm.

Theo tôi, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, suy nghĩ ngay một dự án, xem liệu cả nước VN này có cấm được các hộ gia đình không được tự túc sử dụng thuốc BVTV nữa hay không? Thay vào đó, nhà nước sẽ cấp phép cho các tổ chức có chuyên môn, có trách nhiệm mới có thể thực hiện việc sử dụng thuốc BVTV, tương tự như ngành y tế vậy, anh có bệnh gì thì thông báo cho tổ chức đó để họ khám và bốc thuốc, chỉ có bác sỹ mới có thể kê đơn, khám bệnh bốc thuốc thôi, chứ không thể ai muốn dùng thế nào thì dùng.

Hiện Hiệp hội Chè VN cũng đã thí điểm triển khai cách làm này tại một số vùng nguyên liệu, theo đó sẽ cấm hoàn toàn kiểu mỗi gia đình có 1 máy bơm.

Thay vào đó, chúng tôi sẽ bao và cam kết hoàn toàn khâu BVTV cho chè của nông dân. Với cách làm này, không chỉ hi vọng sẽ kiểm soát được vấn đề tồn dư thuốc BVTV, mà còn có thể giúp nông dân giảm được chi phí cho BVTV từ 4 triệu đồng/ha/năm hiện nay xuống còn 2 triệu đồng/ha/năm.


Có thể bạn quan tâm

can-quan-ly-kiem-soat-chat-che-thuoc-bao-quan-hoa-qua Cần Quản Lý, Kiểm Soát… trung-dam-mua-gung Trúng Đậm Mùa Gừng