Mô hình kinh tế Nông Nghiệp Việt Nam Thị Trường Nội Địa Vẫn Đang Là Vô Tận

Nông Nghiệp Việt Nam Thị Trường Nội Địa Vẫn Đang Là Vô Tận

Ngày đăng 10/11/2014

Nổi tiếng là một xứ sở trồng rau, song người đứng đầu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Duy Việt đã phải thốt lên, người nông dân Lâm Đồng đang sản xuất theo kiểu “đánh bạc với trời.”

Thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết sản xuất nên người nông dân tại các vùng sản xuất chuyên canh luôn phải đối mặt với vô khối rủi ro và đau lòng nhất vẫn là câu chuyện được mùa, mất giá.

Lội ngược dòng nước

Một câu chuyện thực tế đang xảy ra và cũng rất đáng phải suy nghĩ, khi trên cùng một vùng đất, một thời điểm và cùng một loại cây trồng, song lại có một số ít nông dân “sống khỏe, sống tốt” giữa bối cảnh cả vùng đang điêu đứng bởi vấn nạn được mùa mất giá.

Giữa tháng Mười, hàng trăm ha cà chua tại Đà Lạt đến kỳ thu hoạch thì giá thu mua lại rớt xuống còn 500 đồng-1.000 đồng/kg và bán được cũng không dễ. Điều này buộc nhiều chủ vườn đã phải đổ bỏ cà chua chín, nhiều nơi đã phá vườn thay đổi giống cây trồng.

Ngược lại, bên cạnh đó một vài hộ nông dân đã rút những kinh nghiệm sau những vụ mùa bấp bênh, họ đã tìm cách liên kết với các doanh nghiệp thương mại, trồng cà chua sạch theo tiêu chuẩn chất lượng quy định. Kết quả đầu ra ổn định, giá cả vượt trội. Cụ thể, cũng tại niên vụ này, các hộ nông dân trồng cà chua trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGap đã được bán với giá 13.000 đồng/kg.

“Biết rồi, khổ lắm, nhưng… không muốn nói mãi”

Mặc dù vẫn là các câu hỏi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” song ở thời điểm này, ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn phải nhấn mạnh lại, “Việt Nam cần làm gì để cứu ngành nông nghiệp? Cứu sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ đình đốn như thế nào? Làm gì để giải quyết nguy cơ vỡ nợ hàng loạt trong ngành cà phê… và rồi giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm rớt thảm hại dẫn đến người sản xuất thua lỗ?...”

Đã đến lúc không thể nói suông được nữa, ông Thành đề xuất, các cơ quan chức năng cần khẩn thực hiện quy hoạch chi tiết tổng thể ruộng đất, vùng nuôi trồng.

Theo ông Thành, đây là một trong những biện pháp quyết định giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản phẩm thông qua công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu thổ nhưỡng đất đai từng vùng, miền phù hợp với sản xuất cây gì, con gì…

Trên cơ sở công tác điều tra khoa học và tổng hợp nhu cầu sản lượng cần cho xuất khẩu, nhu cầu sử dụng nội địa, nhu cầu dự trữ an ninh lương thực quốc gia để có thể định ra quy hoạch tổng thể từng vùng, miền cho những mặt hàng nông sản phẩm chủ lực, chú ý phân tích chất lượng đất, xây dựng bản đồ kỹ thuật hạ tầng địa chất, trên cơ sở đó xây dựng bản đồ đất nông nghiệp.

“Trong một thời gian nhất định (từ 5 năm) hoặc khi có những biến động lớn của thị trường nông sản thế giới cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch diện tích vùng sản xuất các mặt hàng chủ lực nông sản phẩm cho phù hợp,” ông Thành nói.

Phối hợp công-nông công nghệ cao

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Trương Đình Tuyển, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung đã được Đảng đề ra khá sớm và phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số thành tựu.

“Tuy nhiên, do ý nghĩa quan trọng về chính trị xã hội của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Việt Nam cần đạt tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thành một nội dung trọng tâm của tái cơ cấu (cùng với ba nội dung trọng tâm mà Nghị quyết của Hội nghị Trung ương III đã xác định),” ông Tuyển nói.

Theo đó, ông Tuyển đề xuất giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp cần được tiến hành đồng thời trên hai hướng. Chính sách hướng tới khuyến khích tập trung ruộng đất theo các mô hình và phương thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm từng địa bàn, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh. Qua đó đưa công nghiệp và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định nguồn cung, hình thành chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến đến lưu thông, bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó.

Cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến vào nông nghiệp, từng bước hình thành những tổ hợp công - nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, ông Tuyển cũng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI (đầu tư nước nước trực tiếp) đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhằm tạo ra nhiều ngành nghề mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn.

Nông nghiệp thu hút...“cá mập”

Bà Thái Hương - ngoài việc được biết đến với tư cách chủ nhân của ngân hàng (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á” - còn được biết đến như một “nông dân” thời hiện đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group.

Việc TH True Milk ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất trước đó chỉ cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu-1,5 tỷ đồng/năm. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất sữa ở Việt Nam.

Gần đây, việc những công ty được coi là “cá mập” ngành trong các ngành công nghiệp, tài chính… cũng chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp không chỉ còn là hiện tượng mà đang dần trở thành xu hướng.

Cụ thể, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức chọn thêm hướng kinh doanh mới vào nông lâm sản và phân bón để bổ trợ cho lĩnh vực chính. Tập đoàn Hưng Thuận (kinh doanh bất động sản và khu công nghiệp) đã mở rộng đầu tư sang nuôi yến, trồng lan, nuôi cá. Tập đoàn Công nghiệp Tân Tạo công bố thành lập Công ty Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm…

Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Nguyễn Duy Hưng đánh giá, năm 2014 nông nghiệp sẽ là kênh đầu tư trọng điểm hấp dẫn nhất, theo sau là sản xuất hàng tiêu dùng.

Không chỉ là lời nói, những năm gần đây, SSI đã mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cuối năm 2013, Công ty này đã ký kết với Tập đoàn LR hợp tác huy động và quản lý một quỹ đóng với quy mô 150 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp-thực phẩm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam.

Đánh giá thị trường nội địa còn vô tận, ông Hưng nhấn mạnh, “Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Với tư duy của người làm ngành nghề tài chính toàn cầu chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, khi thị trường nội địa có thể nói vẫn đang là vô tận”.


Có thể bạn quan tâm

vi-mot-nen-san-xuat-xanh-ben-vung Vì Một Nền Sản Xuất… nhieu-mat-hang-giam-theo-gia-xang Nhiều Mặt Hàng Giảm Theo…