Mô hình kinh tế Nông sản Trung Quốc nhập về Việt Nam đều là hàng rởm

Nông sản Trung Quốc nhập về Việt Nam đều là hàng rởm

Ngày đăng 15/10/2015

Hàng “rởm” tuồn về miền Tây

Nhiều nông dân vùng ĐBSCL bức xúc cho rằng, những mặt hàng nông sản Trung Quốc xuất hiện ở các chợ đầu mối, các điểm bán lẻ ở vùng nông thôn là những mặt hàng dư thừa, không tiêu thụ hết ở nước bạn.

Từ đó, các thương lái lấy hàng, đưa qua nước ta bằng đường tiểu ngạch rồi phân phối cho các địa phương “bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

 

Nông sản Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ đầu mối TP.Long Xuyên, An Giang.

Ông Đặng Văn Nám – Giám đốc HTX Bưởi Năm Roi Kế Thành (ấp Kinh Giữa 2, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho hay: “Theo tôi biết thì sở dĩ nông sản Trung Quốc ào ạt vào ĐBSCL là do bị dư thừa, không bán hết bên nước bạn.

Để bán được, các thương lái sẵn sàng bán với giá thấp hơn nông sản của vùng mình”.

Cũng như ông Nám, ông Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam chỉ là những loại hàng “dạt”, từ những vùng sản xuất lạc hậu của Trung Quốc giáp với Việt Nam.

Khi phóng viên hỏi nông sản Trung Quốc được bày bán tràn lan ở các chợ trên địa bàn tỉnh An Giang có ảnh hưởng ra sao đối với người dân, ông Nguyễn Quốc Hùng (ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho rằng, không nhiều thì ít, nông sản Trung Quốc cũng có sử dụng thuốc để bảo quản, nếu ăn nhiều và lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ông Hùng cũng bày tỏ lo lắng: “Chi phí sản xuất nông sản Trung Quốc chưa chắc cao hơn ở ĐBSCL nhưng được bán với giá thấp hơn, trong khi đó giá bán nông sản của vùng cũng ở mức đủ vốn chứ chưa nói là có lời.

Có thể đây là hành vi phá thị trường, làm thị trường xáo trộn”.

Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, một phần hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam mạnh mẽ là nhờ sự “tiếp tay” của đội ngũ thương lái do lợi nhuận cao.

Bà Dư Mai Hoa - chủ cơ sở dịch vụ nấu ăn Mai Hoa ở phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên (An Giang) cho biết:

“Tôi làm nghề nấu dịch vụ, mua hàng rau củ quả gần 30 năm nay nên biết rất rõ, thật ra hàng củ, quả của Trung Quốc giá rẻ là ở tại biên giới Trung Quốc – Việt Nam chứ khi về tới ĐBSCL thì không rẻ hơn bao nhiêu.

Vì lời nhiều ở vùng biên nên thương lái đi hàng mạnh”.

Theo bà Hoa, người tiêu dùng dù “ớn” hàng Trung Quốc nhưng thấy rau, củ có hình thức bắt mắt, hấp dẫn, cụ thể là: Hành tây bóng láng, tinh tươm, khoai tây có củ to, sạch đất cát...

nên  nghĩ rằng đó là hàng Đà Lạt hay đơn giản là “hàng Việt Nam loại 1” và chịu mua.

Ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Hậu Giang nhận định: “Thực tế có rất nhiều loại nông sản Trung Quốc được bày bán ở tỉnh Hậu Giang.

Trong số các các loại nông sản trên, có một số mặt hàng được nhập qua đường tiểu ngạch, không được kiểm tra chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng.

Thời gian qua, người tiêu dùng ngán ngại các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, để bán được các thương lái đã trộn lẫn, thay bao bì, dùng các thủ thuật để sản phẩm Trung Quốc mang nhãn mác hàng Mỹ, Thái Lan hay Việt Nam”.

Không cải tiến kỹ thuật sẽ thua trên “sân nhà”

Để chống lại sự xâm lấn của hàng nông sản Trung Quốc, ông Đặng Văn Nám cho rằng: “Nhà nước phải tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ ND vào HTX sản xuất nông sản theo VietGAP; phải tập huấn kiến thức, thông tin tuyên truyền và hỗ trợ HTX đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

Chúng ta không thể đứng ôm trái bóng bên ngoài lề, nhìn người khác đá qua đá lại trên sân nhà mình được”.

Theo nhận định của các chuyên gia về nông nghiệp, một lý do để nông sản Trung Quốc bán ra giá rẻ là do kỹ thuật sản xuất bên nước bạn tiên tiến hơn, sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại.

Do đó, chi phí sản xuất thấp hơn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và cho ra sản phẩm với chất lượng không đồng đều của nhiều ND ở ĐBSCL hiện nay.

Để nông sản vùng ĐBSCL phát triển, có thể cạnh tranh tốt hơn, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị: “Nhà nước cần có cách kiểm soát con đường nông sản Trung Quốc sang Việt Nam qua đường tiểu ngạch để đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn người dân ĐBSCL cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.

Các nông dân phải liên kết lại vào trong tổ hợp tác, HTX để cùng nhau hỗ trợ tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đưa sản phẩm tiêu thụ ra xa các vùng khác và nước ngoài”.

“Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu, rào cản thuế quan được bỏ dần, vì vậy việc cạnh tranh nông sản so với các nước bạn sẽ càng gay gắt, hàng nước ngoài sẽ tràn vào nước ta càng nhiều.

Chính vì vậy, sản phẩm trong nước không được cải tiến thì sẽ thua” – ông Đức quan ngại.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên khuyến cáo:

“Tử huyệt của hàng nông sản Trung Quốc nằm ở chỗ được tẩm ướp chất bảo quản (do phải vận chuyển đường xa, lâu ngày) và chỉ đưa sang Việt Nam vào mùa hè và mùa thu, với các mặt hàng thuộc vùng ôn đới của các tỉnh giáp biên giới phía Bắc.

Trong khi đó, những mặt hàng này nông dân ĐBSCL có thể sản xuất quanh năm.

Do đó, mình có thể chủ động đón thời điểm, phối hợp tổ chức lại hệ thống phân phối hàng nông sản cho tốt, kết hợp với tuyên truyền thì sẽ cạnh tranh dễ dàng với nông sản Trung Quốc”.

  Về góc độ tuyên truyền, ông Lê Thành Lập - Phó Chủ tịch Liên minh HTX An Giang thì cho rằng: ND chưa thật sự ý thức về điểm yếu của nông sản TQ để có ý thức cạnh tranh.

Nông sản giá rẻ là một yếu tố cạnh tranh, nhưng yếu tố an toàn ngày càng được quan tâm.

ND phải nhìn thấy điểm yếu của nông sản TQ để có chiến lược sản xuất hàng hóa đạt chất lượng cao, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, đẩy nông sản TQ ra khỏi thị trường nội địa.

  


Có thể bạn quan tâm

ton-vinh-va-trao-danh-hieu-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-2015 Tôn vinh và trao danh… han-quoc-hut-hang-xoai-cat-chu-cao-lanh Hàn Quốc hút hàng xoài…