Tin thủy sản Nuôi biển tại Bình Thuận: Phát huy thế mạnh

Nuôi biển tại Bình Thuận: Phát huy thế mạnh

Tác giả Anh Vũ, ngày đăng 13/10/2017

Nếu như tôm giống là thế mạnh của nuôi trồng thủy sản tỉnh Bình Thuận thì việc nuôi cá lồng bè cũng đang có chiều hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp ngư dân cải thiện đời sống.

Cá mú là đối tượng nuôi biển có giá trị cao ở Phú Quý, Bình Thuận   Ảnh: CTV

Giàu nhờ nuôi cá lồng bè

Phú Quý là một trong những vùng có nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển tại Bình Thuận. Hiện toàn huyện có 119 cơ sở nuôi trên biển, chủ yếu là cá mú (cá mú đỏ, hổ, đen). Đa số nuôi theo mô hình tập thể, nhiều hộ hùn vốn đầu tư lồng bè nuôi, với tổng số 189 hộ tham gia, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ và từ đất liền ra, với thu nhập hơn 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Quang Dương, xã Tam Thanh người có thâm niên 18 năm nuôi cá lồng bè là một điển hình. Ông Dương nhớ lại, nhà ông có 40 ô lồng nuôi với khoảng 500 m2 mặt nước. Thời cao điểm với diện tích này ông thả đến 9.000 con cá biển, sau khoảng 14 - 15 tháng xuất lồng với giá cá mú đỏ khoảng 600 nghìn đồng/kg, giá cá mú cọp 440 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông Dương thu lợi khoảng 300 triệu đồng. Cá mú nuôi chủ yếu để xuất khẩu, đầu ra rất ổn định, thời gian nuôi ngắn, giá thành lại cao; cùng chi phí thức ăn, làm bè mới và cá giống đều thấp, lợi nhuận đạt  khá. Tương tự, ông Trần Cứ cũng đầu tư nuôi 20 lồng cá mú đỏ với diện tích 168 m2, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây đầu ra không được thuận lợi, trong khi đầu vào (giống, thức ăn…) lại tăng giá, nên người nuôi phải tính toán.

Đa dạng đối tượng nuôi

Cá mú đỏ tuy được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao nhưng lại hạn chế về con giống như chất lượng không đồng đều, thời gian tăng trưởng chậm; việc mở rộng, phát triển đối tượng nuôi này tại Phú Quý là trăn trở của người làm công tác khuyến ngư nơi đây.

Do đó, để đa dạng hóa hình thức và đối tượng nuôi đáp ứng điều kiện vùng nuôi huyện đảo, nhu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận đã triển khai mô hình nuôi cá mú lai dưới 2 hình thức là nuôi hồ đá chắn và nuôi lồng bè, triển khai tại 2 xã Tam Thanh và Long Hải từ tháng 8/2016 đến nay.

Sau 12 tháng, cá mú lai đạt trọng lượng bình quân gần 1 kg/con, tỷ lệ vượt đàn > 1 kg/con chiếm 6% với hình thức nuôi lồng. Riêng hình thức nuôi trong hồ đá chắn, cá phát triển ổn định, màu sắc sáng bóng tự nhiên, tỷ lệ phân đàn không cao, giải pháp kỹ thuật được chia sẻ cho thấy cần thiết quản lý yếu tố đầu vào chặt chẽ, đặc biệt là nguồn thức ăn khi sử dụng thức ăn tươi sống kết hợp (cá tạp), thường xuyên xi phông đáy và quan sát biểu hiện của cá hàng ngày để điều chỉnh thức ăn, kịp thời xử lý.

Chưa xứng tiềm năng

Bà Huỳnh Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đảo Phú Quý cho biết, các hộ nuôi cá mú chủ yếu tập trung 2 xã Tam Thanh và Long Hải. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận, thu nhập khoa học kỹ thuật công nghệ rất hạn chế; kỹ thuật của người nuôi chủ yếu qua học hỏi lẫn nhau, ít tìm tòi, ứng dụng khoa học công nghệ. Trong khi, công tác phòng và trị bệnh cho đối tượng nuôi ở đây chưa được đầu tư quan tâm đúng mức. An toàn cho nghề nuôi chưa được chú trọng, khi cá bị bệnh chưa được tách nuôi riêng kịp thời, tạo điều kiện cho bệnh lây lan.

Theo Trung Tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận, trong những năm gần đây, nghề nuôi trên đảo ngày càng được phát triển mạnh về chất lượng cũng như số lượng lồng nuôi. Với năng lực hiện nay, nhu cầu con giống phụ vụ nuôi biển khoảng 400.000 con, dự kiến sản lượng thu trên 300 tấn/năm (con số không nhỏ cho nhu cầu xuất khẩu); nhưng hiện chưa chủ động được nguồn giống.

Do đó, để nghề nuôi thật sự phát triển, trở thành ngành sản xuất hàng hóa, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, các cơ quan, viện, trường… Trước mắt, cần tăng cường áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong quá trình nuôi, hoạch định chiến lược để phát triển nghề nuôi cá mú. Cạnh đó, cần thí điểm các đối tượng nuôi mới nhằm đa dạng hóa nghề nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từng bước nâng cao đời sống người dân trên huyện đảo.

>> Cá mú hay còn gọi là cá song biển, là tên gọi chung của nhiều chi thuộc họ cá mú, trong bộ cá vược, là loài cá săn mồi hung dữ. Thịt trắng, ngọt, dai, thành phần dinh dưỡng cao được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Giá cá mú đen trong những năm qua dao động 150.000 - 300.000 đồng/kg; cá mú đỏ hay mú sao, dao động 400.000 - 600.000 đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-da-canh-tren-ron-lu Làm giàu từ đa canh… san-xuat-ca-tra-giong-va-lam-may-cong-lua-thu-2-ty-dong-nam Sản xuất cá tra giống…