Tin thủy sản Nuôi cá chẽm ít rủi ro, đầu ra ổn định

Nuôi cá chẽm ít rủi ro, đầu ra ổn định

Tác giả K.Thoa, ngày đăng 20/07/2018

Trước đây, bà con xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) chủ yếu nuôi tôm thẻ, nhưng thời gian gần đây, do giá cả thị trường bấp bênh nên nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chẽm hay nuôi luân canh một vụ tôm, một vụ cá chẽm và đã có thu nhập khá cao.

Gia đình chú Lý Phước Mộc ở ấp Cảng Buối đang thu hoạch cá chẽm. 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Dương Hoàng Vĩnh phấn khởi thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Đông có khoảng 40ha nuôi cá chẽm, tăng 50% so với năm 2017. Đến thượng tuần tháng 6-2018, bà con đã thu hoạch được hơn 70% diện tích, ước tính sản lượng gần 500 tấn. Hiện với giá dao động từ 75.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg, bà con phấn khởi vì năm nay giá cá chẽm cao hơn năm ngoái từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/kg”.

Tuy là vụ nuôi đầu, còn ít kinh nghiệm, nhưng chú Lý Phước Mộc, ấp Cảng Buối rất thành công với mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm. Hôm chúng tôi đến, chú Mộc đang thu hoạch số cá chẽm còn lại. Được biết, trước đây gia đình chú Mộc chủ yếu nuôi tôm thẻ nhưng khoảng 1 năm nay, chú đã chuyển 3 ao (diện tích khoảng 14.000m2) sang nuôi cá chẽm. Chú thả 62.000 con giống, kích cỡ khoảng 1,5cm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Chú Mộc chia sẻ: “Tùy theo kích cỡ của cá giống mà thời gian và mật độ nuôi cũng khác nhau. Nuôi càng lâu thì cá càng lớn, nhưng khoảng 10 tháng là phù hợp nhất, trọng lượng trung bình khoảng 1,2kg. Vụ này, ước tính sản lượng khoảng 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi cũng lời gần 400 triệu đồng”. 

Cũng theo chú Mộc, nuôi cá chẽm đòi hỏi nguồn vốn cao nhưng lại ít rủi ro hơn so với nuôi tôm, hơn nữa cá chẽm có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi do có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn. Tuy nhiên, cá chẽm cần nhiều ôxy nên lúc nào cũng phải có máy phát dự phòng dùng khi cúp điện để tránh thiệt hại. “Nếu so sánh với một số đối tượng thủy sản khác tại địa phương thì hiệu quả từ mô hình nuôi cá chẽm là khá cao. Thu hoạch vụ này xong, tôi cải tạo lại ao rồi thả luân canh một vụ tôm để thay đổi môi trường nước và dưỡng đất. Sau đó, thả cá gối vụ mở rộng thêm một số ao nữa” - chú Mộc cho biết thêm. 

Không chỉ giá giữ ở mức ổn định từ đầu năm đến nay, mà đầu ra của cá chẽm thương phẩm hiện nay tương đối thuận lợi. Bà con chủ yếu bán cho thương lái ở tỉnh Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh để chế biến xuất khẩu. Đây cũng là tín hiệu khả quan giúp bà con yên tâm hơn khi phát triển mở rộng mô hình này. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Hoàng Vĩnh cho biết thêm: “Mặc dù mô hình nuôi cá chẽm mở ra hướng phát triển kinh tế cho địa phương, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con không nên phát triển ồ ạt để tránh tình trạng “cung vượt cầu””.

Có thể khẳng định, thành công từ mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm của chú Mộc cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn xã Hòa Đông sẽ giúp TX. Vĩnh Châu đa dạng đối tượng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.


Có thể bạn quan tâm

nguoi-dan-ong-nuoi-ca-mu-nghe-80-kg-o-vung-tau Người đàn ông nuôi cá… thoat-ngheo-nho-nuoi-ca-trong-ho-thuy-loi Thoát nghèo nhờ nuôi cá…