Tin thủy sản Nuôi cá dìa ao đất thành công

Nuôi cá dìa ao đất thành công

Tác giả Trần Hương - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, ngày đăng 14/11/2017

Nằm trong thực trạng khó khăn chung của toàn tỉnh Hà Tĩnh, vùng nuôi tôm xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà với diện tích 32 ha, 17 hộ nuôi; trước đây, người dân nuôi quảng canh tôm sú, tôm sú xen cua, từ năm 2014 đến nay, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

Đưa cá dìa vào thả nuôi nhằm khắc phục và hạn chế ô nhiễm môi trường 

Nhưng năng suất sản lượng nuôi thấp (0,5 - 1 tấn/ha), dịch bệnh thường xuyên xảy ra, công tác quản lý môi trường gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, anh Trần Văn Minh, một hộ nuôi thủy sản trong vùng đã có hướng đi mới là đưa cá dìa vào thả nuôi nhằm khắc phục và hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nghề nuôi. Nuôi độc canh cá dìa, nuôi xen ghép trong ao đất nhất là tại các vùng nuôi tôm kém hiệu quả là giải pháp đã được một số hộ dân tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình áp dụng và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Cá dìa là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thuộc loài rộng muối, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương được thị trường ưa chuộng; được xem là loài đặc hữu của vùng biển miền Trung. Mặc dù, giống cá dìa chưa được sinh sản nhân tạo thành công, tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, nên người dân vùng biển Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh miền Trung đã thu vớt giống tự nhiên đưa vào ương nuôi, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá.

Qua tìm hiểu thông tin, năm 2015, anh Minh đã vào tận Thừa Thiên - Huế học tập kinh nghiệm và mua hơn 1.000 con cá dìa giống về thả nuôi. Thấy cá dìa nuôi có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng quy mô diện tích thả nuôi. Đến năm 2017, anh tiếp tục mua hơn 5.000 con cá giống từ Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế thả nuôi. Sau 4 - 5 tháng, cá đạt trọng lượng 300 - 350 g/con, sản lượng hơn 1,3 tấn; với giá bán 180.000 đồng/kg, anh Minh thu về hơn 140 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí.

Anh Minh cho biết, cá dìa là đối tượng nuôi có phổ môi trường rộng, kỹ thuật nuôi đơn giản, lớn  nhanh, tỷ lệ sống cao, với đặc điểm ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ nên cá dìa rất phù hợp để nuôi trong các ao nuôi tôm kém hiệu quả giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro do dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, cá dìa rất ưa thích ăn rong câu, trong  ao nuôi có nhiều rong câu phát triển, cá dìa có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Vì vậy, trong nuôi cá, cần chú trọng thả thêm rong câu để làm thức ăn cho cá nhằm giảm chi phí sản xuất và bổ sung thêm cám, thức ăn công nghiệp hàm lượng đạm 20 - 25%.

Nuôi cá dìa xen ghép tôm thẻ chân trắng, nuôi chuyên canh cá dìa là một hướng đi mới, có hiệu quả tại vùng nuôi Thạch Bằng nói riêng và các vùng nuôi độc canh, thâm canh con tôm nhưng kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh nói chung trong tình hình hiện nay. Việc đưa đối tượng cá dìa vào nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, phá thế độc canh con tôm vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khai thác hiệu quả diện tích ao đất trước đây nuôi tôm kém hiệu quả, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-nuoi-treo-bao-ngu-tren-bien Kỹ thuật nuôi treo bào… nuoi-vit-bien-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau Nuôi vịt biển ứng phó…