Tin thủy sản Nuôi cá diếc thương phẩm cho lãi ròng, người nông dân 'kê cao gối ngủ'

Nuôi cá diếc thương phẩm cho lãi ròng, người nông dân 'kê cao gối ngủ'

Tác giả Minh Khoa, ngày đăng 06/02/2018

Cá diếc tuy chậm lớn nhưng loài cá này dễ nuôi, thịt thơm ngon và còn có cả tác dụng chữa bệnh nên có giá trị kinh tế cao.

Cá diếc có ưu điểm là có thể nuôi ở những nơi có mực nước thấp. Ảnh: báo Quảng Ngãi

Cá diếc có tên khoa học là Carasius auratus, là loại cá nước ngọt, cùng họ với cá chép. Cá diếc có kích thước nhỏ, lớn chậm hơn cá chép. Thịt cá diếc thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Loài cá này có đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên trên, mắt có viền màu đỏ, lưng nhô cao. Vây lưng dài nhỏ dần về phía đuôi. Vây đuôi xòe hai thùy nhọn xiên bằng nhau. Toàn thân có màu bạc, bụng màu nhạt hơn phía lưng. Ở Việt Nam, cá diếc là loại sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao.

Theo kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thịnh, do cá có kích thước nhỏ, lớn chậm nên ít được nuôi hơn so với một số loài cá nước ngọt khác. Tuy nhiên, cá diếc có ưu điểm là có thể nuôi ở những nơi có mực nước thấp như ruộng lúa, nhất là những vùng ruộng trũng. 

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi gần nguồn nước sạch để chủ động thay nước mới vào ao như: sông ngòi, ao hồ, mương, giếng khoan, giếng đào; Đất không bị chua hoặc mặn, không có chất độc hại cá, là đất thịt hoặc đất pha cát; Đáy ao bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát để thuận lợi khi thu hoạch và công tác cải tạo ao;

Trước khi thả cá cần cải tạo lại ao độ sâu bùn không quá 25cm, nước sâu 1,5m trở lên. Mỗi ao đặt một dàn cho ăn, trên lắp 1 máy cho ăn tự động, máy tăng oxy. Đồng thời phải có bút máy đo pH để đo và canh chỉnh độ pH cho nước ao.​

Sau khi cải tạo xong có thể bón lót phân chuồng đã ủ mục để tạo thức ăn ban đầu cho cá con, với lượng 50 – 60 kg/100m2. Sau khi bón lót và lấy nước vào ao để khoảng 3 – 4 ngày mới thả cá.

Thức ăn

Một trong những mấu chốt quan trọng của nuôi thâm canh cá diếc là nuôi bằng thức ăn có chất lượng cao, còn nuôi thức ăn thông thường giá trị thấp không thể cho năng suất cao được, sử dụng thức ăn như cám, bột đậu tương, thức ăn có hàm lượng đạm 38-40%, hệ số chuyển hóa cao, có thể giúp cá lớn nhanh, chất lượng thịt tốt. Nên viên hạt thức ăn nhỏ vì miệng cá diếc nhỏ.

Ở nhiệt độ 20-30 độ C, cho ăn 2,6% trọng lượng cá/ngày đối với cá dưới 85g. Ở nhiệt độ 24-29 độ C cho ăn nhiều hơn, ở 30-32 độ C cho ăn bằng mức 20-30 độ C.

Tuyển chọn giống

Chất lượng cá giống là một trong các tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng quyết định đến năng suất. Do vậy khi chọn con giống thả nuôi cần phải đạt các tiêu chuẩn con giống khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ, không bị xây xát; bơi lội nhanh nhẹn, hoạt bát, bơi lội dưới mặt nước và thích bơi ngược dòng nước nhẹ;

Màu sắc cá sáng tươi, da nhiều nhớt; Mua giống ở các cơ sở sản xuất giống uy tín và đảm bảo chất lượng, giống đã qua kiểm tra chất lượng con giống.

Biện pháp quản lý môi trường ao nuôi:

Thay nước: Thay nước theo định kỳ (hàng ngày, tuần, tháng) tùy theo mức độ nhiễm bẩn của ao. Mỗi lần thay 20 – 30%  (50%) lượng nước trong ao. Tăng mực nước theo sự tăng trưởng của cá. Mực nước ao nuôi tốt nhất nên giữ ở mức ổn định 1,5 – 1,8m nhằm tránh  sự biến động nhiệt độ trong ngày đêm. 

Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học: Áp dụng cho ao nuôi thâm canh mật độ cao; Xử lý từ tháng thứ 2 sau khi thả giống, khi lượng chất thải và thức ăn dư thừa lắng đọng; Sử dụng các loại chế phẩm sinh học phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao (Vi  sinh vật); Các loại thuốc, hóa chất diệt khuẩn (không nằm trong danh mục bị cấm), ổn định môi trường nước, không gây hại cho cá; Sử dụng các thiết bị cung cấp oxy và tạo dòng đối lưu.

Khi trời mưa, lượng nước trong ao hồ tăng lên làm thay đổi môi trường nuôi. Để hạn chế sự thay đổi này, khi thấy trời động mưa rải vôi bột xung quanh bờ ao. Sau mưa, kiểm tra lại pH, độ trong. Nếu độ trong > 35 – 40cm cần bón thêm phân để gây lại màu nước.

Phòng bệnh tổng hợp

Cá nuôi trong ao bị bệnh là do sự tác động của 3 yếu tố: Môi trường nước ao nuôi xấu; Cá bị yếu; Trong ao có nhiều mầm  bệnh. Do cá sống trong nước nên khó quan sát và theo dõi để chẩn đoán chính xác dịch bệnh. Khi bị bệnh, cá thường bỏ ăn, nếu trộn thuốc vào thức ăn để chữa bệnh thường không có hiệu quả. Vì vậy chữa bệnh cho cá thường rất khó khăn và phức tạp. Môi trường nước lại là môi trường dễ lây lan bệnh, nên khi nuôi phải phòng bệnh cho cá. Lấy phương châm “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là  phụ”.

Phòng bệnh là áp dụng các biện pháp để hạn chế mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho cá và quản lý môi trường nuôi trong  sạch.

Khi nguồn nước lấy vào phải sạch, ao nuôi phải quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp. Trước khi thả cá, phải xử lý ao và tẩy đáy ao đúng quy trình kỹ thuật, phơi đáy ao và tẩy bằng vôi bột với lượng 10-12kg/100m2. Vớt hết thức ăn thừa (nhất là cỏ, lá) trước khi cho cá ăn lần mới.

Cá giống phải khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Không thả cá giống quá nhỏ; Cá nuôi phải thật khỏe mạnh, mật độ nuôi   vừa phải, tỷ lệ ghép thích hợp để tận dụng hết nguồn thức ăn trong ao và tránh không để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi,

Tránh làm cá bị sốc: cá giống mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nước ao bằng cách té nước ao vào thung, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút cho nhiệt độ trong túi và nước ao cân bằng nhau, rồi mới thả cá ra ao. Tránh gây xáo trộn môi trường trong quá trình nuôi.


Có thể bạn quan tâm

khung-mua-vu-tha-nuoi-tom-nuoc-lo-nam-2018 Khung mùa vụ thả nuôi… ky-thuat-nuoi-ca-chep-thuong-pham-mau-lon-thu-loi-nhuan-khung Kỹ thuật nuôi cá chép…