Mô hình kinh tế Nuôi cá kiểu Mỹ, lãi 250 triệu đồng/bể

Nuôi cá kiểu Mỹ, lãi 250 triệu đồng/bể

Tác giả Trần Ngọc Thọ, ngày đăng 06/12/2016

Từ khi chuyển sang nuôi cá tiêu chuẩn VietGAP theo công nghệ cao của Mỹ, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hòa Phong do bà Vũ Thị Thắm làm giám đốc đã cho lợi nhuận cao gần gấp đôi so với nuôi theo truyền thống. Đặc biệt, chất lượng cá thương phẩm thơm ngon, sạch hơn so với nuôi theo kiểu cũ.

Trong ảnh: Mô hình nuôi cá theo công nghệ cao của Mỹ tại HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Phong. Ảnh: Ngọc Thọ

Kiểm soát từ nguồn nước, thức ăn...tới bàn ăn

Bà Vũ Thị Thắm cho hay, trước đây khi HTX nuôi theo kiểu truyền thống thì tỷ lệ cá hao hụt nhiều do nguồn nước chưa được xử lý đầu vào, chỉ một vài con cá bị bệnh có thể lây lan cả ao. Thậm chí khi cá mắc bệnh rất khó điều trị dứt điểm. Người nuôi cũng rất khó kiểm soát độ lớn cũng như số lượng cá. Hơn nữa, thức ăn cho cá cũng chỉ có thể ước tính chứ chưa có định lượng kỹ càng nên còn lãng phí. Đặc biệt, nếu cho cá ăn quá tay thì sẽ đọng lại và gây ra những vi khuẩn không có lợi có thể phát sinh nguồn bệnh.

 

Cũng theo bà Thắm, nuôi cá theo kiểu truyền thống thì việc thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn nhất là lúc thời tiết bất lợi: Nóng hoặc lạnh quá. Chi phí cho thu hoạch cũng cao vì phải đánh bắt cả ao rộng lớn. Quá trình thu hoạch cũng sót nhiều cá lớn nên đợt thả tiếp theo cá bé dễ bị ăn thịt...

"Để xây dựng mô hình nuôi chuẩn VietGAP theo công nghệ cao của Mỹ thì chi phí đầu tư không tốn kém, chỉ cỡ 100 triệu đồng/ao, cho thu hoạch tương ứng từ 15-20 tấn. Diện tích bể xây không nhiều. Cụ thể, bể được xây nghiêng đáy, thành bằng gạch, đầu bể có hệ thống bơm để đẩy nước luôn luôn lưu thông 24/24 giờ. Cuối bể là hệ thống hố ga chứa chất thải của cá được đẩy xuôi theo dòng nước. Một hệ thống bơm khác sẽ hút chất thải của cá tận dụng làm phân hữu có trồng rau quả" - bà Thắm cho hay.

Thời gian tới tôi sẽ chuyển đổi dần toàn bộ những ao còn lại sang nuôi theo công nghệ cao của Mỹ để đảm bảo đủ số lượng hàng cung cấp ổn định cho Chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food". Bà Vũ Thị Thắm

Nói về ưu điểm của mô hình nuôi cá nước ngọt theo công nghệ Mỹ đầu tiên của miền Bắc này, bà Thắm nói: Cá sẽ được nuôi trong phạm vị của bể đã xây chứ không nuôi toàn ao, máy bơm ở đầu bể sẽ đẩy nước luôn luôn lưu thông một chiều. Khi nước chảy liên tục, cá trong bể hình thành thói quen bơi ngược dòng 24/24 giờ nên luôn luôn vận động. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho thịt cá săn chắc hơn so với nuôi trong toàn ao. Nhờ nuôi trong phạm vi bể này nên chúng tôi có thể kiểm soát tốt thức ăn, không để vung vãi sinh vi khuẩn có hại. Toàn bộ chất thải của cá theo dòng nước đến cuối bể và đọng lại ở bể phía sau và được hút lên hố trên vườn làm phân hữu cơ cho cây trồng. Cuối bể, chúng tôi còn thả bèo tây để những chất thải được lọc chưa hết sẽ được xử lý triệt để.

"Hiện HTX chúng tôi có tổng cộng 12 ao trong đó có 3 ao nuôi theo công nghệ Mỹ, so sánh với ao nuôi truyền thống thì năng suất cao hơn gần 2 lần, không có hiện tượng cá bị thất thoát trong quá trình nuôi. Sản lượng ổn định hơn nhiều, mỗi bể cho lợi nhuận tới 250 triệu đồng/năm. Thời gian tới tôi sẽ chuyển đổi dần toàn bộ những ao còn lại sang nuôi theo công nghệ của Mỹ này để đảm bảo đủ số lượng cung cấp hàng ổn định cho chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food" - bà Thắm khoe.

Đẩy lùi thực phẩm bẩn bằng công nghệ sạch

Nhờ hệ thống bơm để đẩy nước luôn luôn lưu thông 24/24 giờ, cá vận động liên tục. Ngọc Thọ

Đánh giá về mô hình nuôi cá nước ngọt theo công nghệ cao của Mỹ ở HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Phong, ông Đào Ngọc Nam - Tổng Giám đốc Chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food nói: "Cũng như các thành viên khác trong chuỗi An Viet Food, HTX Hòa Phong sẽ được hỗ trợ tư vấn về số lượng, chủng loại cá nuôi để khi thu hoạch đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế; giúp cơ sở xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, An Việt Food sẽ là nhà phân phối sản phẩm này đến với các hệ thống bán lẻ: Trường học, nhà hàng khách sạn, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc".

Cũng theo ông Nam, mô hình chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food là rất mới vì nó tạo thành một chuỗi sản xuất – phân phối – bán lẻ. Đây là mô hình mà các nước tiên tiến đang áp dụng vì giúp tiết kiệm được chi phí trong tất cả các công đoạn dựa trên việc phân định phần việc rõ ràng, người sản xuất chỉ tập trung vào việc làm ra những sản phẩm tốt, mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật (với sự tư vấn, hỗ trợ của An Việt) giúp tiết kiệm chi phí giảm giá thành.

"Xét trên tổng thể việc tham gia chuỗi thực phẩm sạch an toàn sẽ tiết kiệm được chi phí, tạo thành một chuỗi hoàn chỉnh, kiểm soát thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn. Việc này tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như giúp giảm được giá thành thực phẩm sạch để nhiều người dân có thể sử dụng được thực phẩm sạch hằng ngày. Đây cũng là một cách hữu hiệu để đẩy lùi thực phẩm bẩn" - ông Đào Ngọc Nam cho hay.


Có thể bạn quan tâm

cau-ky-nuoi-ga-bang-thao-duoc Cầu kỳ nuôi gà bằng… nguoi-so-huu-170-ha-dat-lam-nong-nghiep-sach-van-chua-thoa-man Người sở hữu 170 ha…