Mô hình kinh tế Nuôi Cá Lồng Trên Suối Hai Sản Phẩm Sạch, Hiệu Quả Cao

Nuôi Cá Lồng Trên Suối Hai Sản Phẩm Sạch, Hiệu Quả Cao

Ngày đăng 26/03/2013

Để tận dụng diện tích mặt nước (hơn 30.000 ha) tại các hồ chứa thuộc các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao như rô phi, điêu hồng, chép... 
Đây là mô hình chăn nuôi thủy sản sạch giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như góp phần tạo nguồn thực phẩm an toàn, giá rẻ. 
Bài bản và khoa học

Ông Lã Đức Quảng, thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh tham gia mô hình trên từ tháng 4/2012 cho biết: Gia đình tôi đã mạnh dạn tham gia mô hình nuôi cá lồng dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Với diện tích 4.000 m2 mặt nước, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm 850 m3 lồng chứa, nuôi hơn 20.000 con ếch và thả 1 tấn cá các loại: chép, điêu hồng, rô phi... 
Từ khi triển khai mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 100% con giống, 5 tấn cám thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh, ông còn được sự giúp đỡ tận tình của kỹ sư khuyến nông. Bằng cách phân chia từng loại ếch vào từng lồng khác nhau, mật độ thả nuôi ếch từ 100 - 150 con/m3, thiết kế chuồng nuôi ếch bằng lưới nilon cách mặt nước 40 - 50cm thay cho làm bể xi măng tại các vùng nước lưu thông, tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi từ ếch làm nguồn thức ăn cho cá, ông đã xây dựng một mô hình nuôi cá - ếch bài bản và khoa học, tiết kiệm được từ 40 - 50% chi phí đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2012, mô hình nuôi cá - ếch của gia đình ông đã đạt hiệu quả rất cao. Cá và ếch sinh trưởng tốt, ếch sau 3 tháng nuôi đã đạt trọng lượng 200 - 300 gam/con; sản lượng cá ước đạt trên 28 tấn. 
Tiếp tục nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Tháng 4/2012, để tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ chứa trên địa bàn TP, Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng an toàn sinh học tại hồ Suối Hai với quy mô 2.160 m3 lồng. Mô hình đã thu hút 15 hộ thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì tham gia. Các hộ nuôi 3 loại chính là cá rô phi, cá chép và cá điêu hồng. Con giống được chọn lựa rất kỹ, do Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cung cấp.

Sau khi thả cá, tốc độ tăng trưởng bình quân của các loại rất tốt, năng suất đạt 42 kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 70%, cá không có dịch bệnh. Ngoài việc hỗ trợ 100% con giống, các hộ nuôi còn được hỗ trợ 30% thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh cho cá. Trung tâm tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật giám sát hướng dẫn các hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, năm 2012, mô hình nuôi cá lồng tại hồ chứa Suối Hai cho năng suất cao, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa, Trung tâm Khuyến nông đề nghị các địa phương trên địa bàn TP tiếp tục xây dựng hệ thống nuôi cá lồng tại các hồ chứa theo phương pháp nuôi trồng của Trung tâm. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản cụ thể, rõ ràng, có định hướng cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

thuc-nghiem-thanh-cong-nuoi-tom-cang-xanh-trong-ruong-lua-o-an-giang Thực Nghiệm Thành Công Nuôi… gia-tom-nguyen-lieu-tang-cao-o-ca-mau Giá Tôm Nguyên Liệu Tăng…