Nuôi cá tai tượng trong bể bạt, thu lãi trăm triệu mỗi năm
Mạnh dạn áp dụng và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong bể bạt, ông Nguyễn Văn Biên (72 tuổi, ngụ P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Mỗi năm ông Biên xuất bán 4 - 5 tấn cá tai tượng, thu lãi gần 100 triệu đồng. Cá tai tượng phát triển tốt khi nuôi trong bể bạt
Ông Biên kể, năm 2010, nhận thấy việc nuôi cá tai tượng trong ao, mương nguồn nước dễ bị ô nhiễm và khó quản lý được đàn cá dẫn đến thất thoát nhiều nên quyết định chuyển sang nuôi trong bể bạt.
Hiện ông Biên nuôi cá tai tượng trong 15 bể bạt, mỗi bể có diện tích từ 30 - 50 m2. Để làm bể, ông sử dụng những tấm tôn dựng thành khung rồi lót bạt, một số bể khác thì xây dựng bằng xi măng và lót bạt. Mật độ mỗi bể nuôi dao động từ 600 - 700 con cá bột. Cá từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch khoảng 15 - 16 tháng, đạt trọng lượng từ 900 gram - 1 kg/con.
Theo ông Biên, cá tai tượng là loài cá dễ nuôi, tạp ăn, có thể cho ăn rau xanh kết hợp với thức ăn viên công nghiệp để rút ngắn thời gian thu hoạch. Thường thì ông tận dụng từ các loại rau, chuối cây trong vườn nhà hoặc rau dạt mua ở chợ…
Ưu điểm nuôi cá trong bể bạt là ít bị ô nhiễm nước, dễ quản lý, chăm sóc, cá ít bệnh, ít hao hụt (chỉ khoảng 15%), khi cần cũng dễ di chuyển cá từ bể này sang các bể khác… “Nuôi ao đất dễ ô nhiễm, khi mưa trái mùa làm nguồn nước bị nhiễm phèn, cá dễ chết. Trong khi đó, nuôi bằng bể bạt thì nguồn nước ít ô nhiễm, nước được bơm từ con rạch trước nhà đưa vào, sau đó tiến hành xử lý. Ở đây, tôi thường thay nước trong bể theo con nước, nước lên cao thì thay, trung bình nửa tháng thay 1 lần. Nhờ đó hạn chế tối đa bệnh, việc nuôi trong bể cũng dễ dàng xử lý nước và thay nước để cá phát triển tốt”, ông Biên chia sẻ.
Ông Biên nhận xét, việc nuôi cá tai tượng trong bể bạt phù hợp với vùng đô thị, đất ít. Ngoài ra, người nuôi cũng ít tốn công chăm sóc. Với 15 bể nuôi, mỗi năm ông Biên xuất bán từ 3 - 5 tấn cá, giá bình quân 60.000 đồng/kg, qua đó thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Lưu Đức Phương, Chủ tịch Hội Nông dân P.An Thới, cho biết: “Trong quá trình đô thị hóa hiện nay, P.An Thới còn rất ít hộ nuôi cá. Riêng ông Biên đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật để làm mô hình nuôi cá tai tượng rất mới và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi sẽ triển khai cho các chi hội để hội viên nắm bắt và nhân rộng mô hình này”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ