Mô hình kinh tế Nuôi Cá Tra Khó Chồng Thêm Khó

Nuôi Cá Tra Khó Chồng Thêm Khó

Ngày đăng 11/10/2013

Ngành cá tra từng có giai đoạn phát triển mạnh đến khó tin, mỗi hecta có thể đạt cả chục tỷ đồng và đem lại hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng thời “dễ nuôi, dễ ăn” đã nhanh chóng đi qua sau hàng loạt “đợt bão”: giá cá sụt giảm sâu, giá thức ăn tăng, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Và mới đây là tình trạng doanh nghiệp (DN) chiếm dụng vốn, quỵt tiền bán cá, khiến người nuôi cá tra khó chồng thêm khó.

Vì thế, vấn đề nuôi- không nuôi- nuôi con gì lại được đặt ra hết sức thời sự. Làm sao cho nông dân sản xuất- người nắm giữ khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị cá tra, được hưởng lợi ích hài hòa với các khâu cung ứng thức ăn- thu mua- chế biến- xuất khẩu, góp phần để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững?

Nuôi cá tra: khó chồng thêm khó

Tình trạng nông dân bán cá cho DN, nhà máy chế biến thủy sản (gọi chung là DN), nhưng chậm trả tiền hay quỵt tiền cá đang diễn ra. Nhiều nông dân phải lặn lội đòi tiền bán cá- một việc gian nan vô tiền khoán hậu!

Huyện Mang Thít (Vĩnh Long) là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn và không ít người trước đây “giàu nhờ cá tra” thì hiện đang phải è cổ gánh nợ hàng tỷ đồng.

Gian nan đi đòi nợ

Hơn 3 tháng trước, chú Năm Lâm (Phan Thanh Sơn ở ấp An Hòa B, xã Chánh An) cùng con trai là anh Nhàn, bán 5 ao cá cho DN M.Q. ở Tiền Giang với giá trị khoảng 3,6 tỷ đồng. Theo hợp đồng (HĐ) mua bán, sau khi bắt cá DN trả trước 30% và trả hết tiền còn lại sau 30 ngày.

Nhưng đến nay chỉ được trả 1,6 tỷ đồng, còn hơn 2 tỷ “cha con tui một tuần 2 ngày (thứ 3, thứ 6) lặn lội qua tận công ty đòi. DN thiếu tiền tỷ, mà mình tới không tiếp, bảo vệ chặn cửa. Cự riết quen, mới cho vào ngồi phòng khách đợi. Bữa nào gặp bà chủ DN, năn nỉ bả có tiền, trả được ba, năm chục triệu. Bữa không gặp, không tiền, uống trà đã đời, đành về tay không”.

“DN trả tiền dây dưa” nên chú Năm bùi ngùi: “Nếu DN làm đúng HĐ, tui đâu có thiếu nợ DN thức ăn, lo cá dưới ao đói…”

Chú Năm không phải là trường hợp cá biệt, dọc tuyến kinh Ruột Ngựa, chúng tôi được biết anh Thiện, anh Nhâm, Út Nhân, anh Lành, Ba Cúc, Mười Lăm, Hai Bảo… và nhiều hộ nuôi ở các xã Tân Long Hội cũng gặp tình cảnh tương tự. Cá đã bán, DN nợ bạc tỷ, mà cứ trả “lắt nhắt”.

Điện thoại anh Nguyễn Văn Hồng (Hai Hồng)- Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Tân Phát, thì “tui đang đi đòi tiền bán cá ở Tiền Giang, gian nan quá”. Đến tận cuối giờ chiều mới gặp, anh cầm xấp HĐ bán cá- bảng đối chiếu công nợ “tính sơ sơ trên 12 tỷ đồng, mà chưa tất toán được cái nào”.

Hiện hơn 6 tỷ còn nằm ở nhà máy chế biến. Anh Hai thở dài mệt mỏi: “Chỉ còn biết kiên trì… đòi nợ nhỏ nhẹ, đâu dám quạnh họe. Uể oải lắm. Nhiều bữa điện thoại DN không thèm nghe máy”. Và anh “nói nhỏ”, nhà báo viết khéo kẻo DN gây khó dễ.

Dè dặt, dù gặp chúng tôi tại nhà, “sợ người của DN thức ăn, họ cho người xuống thăm dò 5- 6 lần rồi, vặn vẹo đủ thứ, hăm dọa nếu không trả tiền sẽ đưa xã hội đen tính sổ tui đó”. Chừng biết chúng tôi là “nhà báo thiệt”, chú Tám Liếp (Nguyễn Văn Phúc- ấp Mỹ Long, xã Chánh An) cởi mở hơn: “Gần cả ngày đi đòi tiền bán cá, chầu chực ở DN như… đi xin”.

Tháng 6/2013, chú ký HĐ bán trên 200 tấn cá tra gần 4 tỷ đồng cho DN Thủy sản H.C. ở Vĩnh Long. Nhưng nhiều tháng qua, DN chỉ trả được 2,6 tỷ. Chú Tám Liếp than thở tình cảnh éo le: “Bán cá cho DN chế biến, không trả tiền, lấy đâu trả DN thức ăn?”.

Thông tin từ các hộ nuôi cá cho hay, một chủ DN ở TP Cần Thơ đã nhảy lầu tự tử “ôm” theo món nợ tiền mua cá cả chục tỷ đồng! Gánh nặng đổ oằn trên vai người nuôi cá tra!

Trăm khó đổ đầu nông dân

Vụ quỵt tiền bán cá xảy ra hồi năm 2010, nhưng đến giờ chú Trương Hồng Hải (Khóm 3, thị trấn Cái Nhum) vẫn buồn bã: “Tui làm đơn thưa, Tòa án huyện Mang Thít buộc DN phải trả toàn bộ số tiền còn lại là 638 triệu đồng, tới giờ không trả đồng nào”.

Chú Hải nhớ như in: “Nó xưng là Giám đốc Công ty A.P., tui hơi nghi nên trực tiếp đến DN tìm hiểu, thấy DN giàn giá quy mô, nhà kho dữ tợn, nên tin tưởng bán cá. Nó hứa 10 ngày trả đủ tiền, nhưng chỉ trả 50 triệu đồng. Đòi riết trả được 400 triệu. Ra tòa mới té ngửa, tài sản nó chẳng có gì, cả công ty nó cũng thuê mướn làm phương tiện đi lừa gạt”.

Thời gian gần đây, ông Bảy Tui (xã Chánh An) bức xúc: “Đã xuất hiện tình trạng DN mua cá trả tiền chậm, mua dường như không trả tiền, nông dân rất gian nan. Tôi liên hệ anh em ở Đồng Tháp, An Giang cũng vậy. Bán cá từ cuối năm 2012, nhưng tới giờ DN vẫn chưa trả đủ cho tôi”.

Nhiều DN mua cá giở nhiều “chiêu trò” khiến nông dân hoang mang. “Có DN sẵn sàng ký HĐ “chịu phạt” lãi suất 20- 30%/năm để mua được cá, rồi “ăn vạ” trả lãi chứ không chịu trả tiền gốc. Có DN ra giá cao hơn thị trường 2.000- 3.000 đ/kg, kêu người nuôi bỏ đói, rồi hồi không bắt, kêu bán cho DN khác, rồi trở lại mua… nhưng bắt từ từ, làm “cá sụt ký, người nuôi lỗ sặc máu”- một nông dân cho biết.

Nhiều trường hợp DN mua cá giá 23.000 đ/kg tại ao, rồi “tạt ra giữa sông sang tay cho một DN chế biến khác với giá chỉ 18.000đ và lấy tiền trước mắt mình, nhưng không làm gì được”- một người nuôi cá nói chuyện có thật.

Trong khi đó, nhiều người nuôi cá trở thành nạn nhân khi “sụp bẫy” một số DN thức ăn. DN chỉ đầu tư một lượng thức ăn rất nhỏ, cung ứng thức ăn “bữa đực bữa cái” cho nông dân, rồi bán công nợ cho hàng loạt DN khác, khi thu hoạch thì DN “từ trên trời rơi xuống” đòi bắt cá trừ nợ.

Gặp người dân phản đối thì đưa ra giấy tờ đủ thứ, có luật sư kè kè, thậm chí dọa xã hội đen nếu người dân không cho bắt cá. Tuy nhiên, một vấn đề khác nữa là dù mua bán giữa DN và nông dân có ký HĐ hẳn hoi, nhưng DN sẵn sàng… “bẻ kèo”!

Anh Hai Hồng đưa chúng tôi xem 8 HĐ mua bán cá với DN V.F. nhưng “chưa tất toán được HĐ nào”. Chẳng hạn, HĐ số 68 trên 2,5 tỷ trả đợt đầu ngày 12/12/2012, nhưng đến ngày 11/7/2013 vẫn còn nợ trên 570 triệu.

HĐ số 33 trên 1,6 tỷ, thanh toán rất nhanh 3 kỳ liên tiếp trong tháng 7/2012, kỳ cuối cùng ngày 6/8/2012 còn nợ trên 73 triệu đồng và “nín khe” đến nay. Một HĐ khác, số 36 với trên 1,3 tỷ, DN trả tiền trong tháng 9, 10/2012 “gần hết”, nhưng đến nay còn nợ… 40.000đ.

Ký HĐ là một chuyện, còn thực hiện như thế nào lại là chuyện khác. Ví dụ HĐ mua bán giữa Hợp tác xã Tân Phát với DN T.P. ở Tiền Giang ký ngày 9/7/2013, trong đó, quy định các điều khoản mua, bán rất rõ ràng.

Nhất là phương thức thanh toán: “Trả trước 30% sau khi bắt cá xong trong vòng 3- 5 ngày, 70% còn lại thanh toán trong vòng 25- >30 ngày (tính kể từ ngày nhận lượng). Nếu từ 31- >40 ngày chưa thanh toán thì bên A chịu tính lãi suất 2%/tháng. Nếu 40- 60 ngày mà chưa thanh toán đủ, thì chịu tính lãi suất 5%/tháng, từ ngày 61 trở lên chưa thanh toán dứt điểm thì xem như vi phạm HĐ”.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng, HĐ trị giá trên 2,7 tỷ, mới thanh toán được trên 1,2 tỷ, mỗi kỳ trả một, hai trăm triệu, kỳ gần đây nhất là 50 triệu.

Nhiều người nuôi cá tra bày tỏ, DN chế biến gặp khó khăn trả tiền chậm có thể chấp nhận được. “Nhưng một số DN mua bán kiểu như lừa đảo, người nuôi hoang mang không biết bán cá có lấy được tiền. Tôi nghĩ ngành chức năng cần ngăn chặn, để nông dân an tâm sản xuất”- ông Bảy Tui kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Việt- Chủ tịch UBND xã Chánh An:

Hiện xã có 24,3ha nuôi cá tra, trong đó diện tích “treo ao” là 3,8ha. Nông dân nuôi theo kinh tế hộ, tự ký hợp đồng với DN cung ứng thức ăn, DN chế biến. Chuyện các hộ nuôi cá bị DN quỵt tiền bán cá, trả chậm người dân không báo với UBND xã, tôi chỉ biết khi hỏi thăm người này người kia.

Theo tôi nắm thông tin, hiện có vài hộ bị DN ở Tiền Giang nợ khoảng 7 tỷ, DN ở TP Cần Thơ nợ 5 tỷ. Trước DN có tiền thì 1- 2 tháng thanh toán hết, nay có trường hợp 5- 7 tháng, 10 tháng, cả năm vẫn chưa trả tiền đủ cho người nuôi.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-voi-mo-hinh-chan-nuoi-de-sinh-san Phát Triển Kinh Tế Hộ… cap-bach-cuu-nganh-ca-tra Cấp Bách Cứu Ngành Cá…