Mô hình kinh tế Nuôi Cua, Giải Pháp Hữu Hiệu Cho Vùng Tôm Bị Nhiễm Bệnh

Nuôi Cua, Giải Pháp Hữu Hiệu Cho Vùng Tôm Bị Nhiễm Bệnh

Ngày đăng 25/12/2010

Để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2008, 42 hộ dân dân xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) đã mạnh dạn chuyển 08 ha hồ nuôi tôm sang nuôi cua. Hướng đi này không chỉ giúp họ gỡ gạc thua lỗ mà còn tăng thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, qui mô này còn nhỏ lẻ do con giống hầu hết là mua lẻ từ tự nhiên rồi thả dần xuống nuôi nên hiệu quả kinh tế đạt được thấp hơn nhiều so với tiềm năng sẵn có của địa phương. Để từng bước chuyển đổi việc nuôi cua nhỏ lẻ thành nuôi cua thương phẩm theo hướng tập trung với qui mô lớn, năm 2009 UBND xã Bình Đông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn đã triển khai thực hiện phương án hỗ trợ giống cua để nuôi cua thương phẩm cho các hộ nuôi tại địa phương. Với mục đích đa dạng hoá đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và đầu ra ổn định, thử nghiệm hiệu quả để từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cua thâm canh thương phẩm. Được sự hỗ trợ kinh phí của huyện Bình Sơn, xã Bình Đông đã thực hiện 02 ha nuôi cua thâm canh thương phẩm tại 03 vùng nuôi khác nhau để so sánh tính thích nghi của cua đối với từng vùng đất, với 25 hộ tham gia. Kết quả, năng suất trung bình 1,7 tấn cua thương thẩm/ha, tổng thu trung bình gần 120 triệu đồng/ha, tổng chi phí khoảng 48 triệu đồng/ha, lãi trên 71 triệu đồng/ha.
Năm 2010, huyện Bình Sơn trích 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình nuôi cua thương phẩm tại xã Bình Thuận (0,5 ha) và xã Bình Dương (2,5ha; 13 hộ tham gia). Khu vực nuôi đáp ứng được yêu cầu về các điều kiện (đất đai, nguồn nước...) để cua sinh trưởng và phát triển. Hộ nuôi có nhu cầu nuôi cua, đồng thời có khả năng đầu tư vào mô hình ngoài mức hỗ trợ về con giống của Nhà nước. Hộ nuôi đầu tư đúng qui trình nuôi do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Cua giống được thả từ ngày 14/5/2010, bắt đầu thu hoạch từ ngày 07/8. Kết quả theo dõi, tỷ lệ sống của cua đến giai đoạn thu hoạch trên 60%, cua thương phẩm đạt trung bình 250g/con, cua chắc thịt và đầy gạch. Năng suất trung bình 1,7 tấn cua thương thẩm/ha, với giá bán trung bình 70 ngàn đồng/kg, thu trung bình gần 120 triệu đồng/ha. Tôm sú nuôi xen với cua đạt trung bình 600 kg/ha, với giá hiện nay 180 ngàn đồng/kg (cỡ 25 con/kg), thu trung bình 108 triệu đồng/ha. Tổng thu (cua + tôm sú) trung bình 228 triệu đồng/ha. Tổng chi phí khoảng 58 triệu đồng/ha (chưa tính công), thu nhập trên 170 triệu đồng/ha.  Ông Bùi Thành An ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận cho biết: “Thực hiện theo mô hình, tôi thả 5.000 cua giống và 4,5 vạn tôm sú trên diện tích 5.000 m2. Sau 80 ngày nuôi, sản lượng cua thương phẩm ướt đạt 875 kg, dự kiến thu trên 61 triệu đồng. Sản lượng tôm sú dự kiến trên 300 kg, dự kiến thu trên 54 triệu đồng. Tổng thu trên  115 triệu đồng. Trừ chi phí, thu nhập khoảng 90 triệu đồng”.
Được biết, vùng đất mà gia đình ông An thực hiện mô hình nuôi cua thương phẩm tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận là vùng đất hoang hoá từ năm 2005 đến nay. Từ năm 1996, vùng đất trên 14 ha này được người dân địa phương làm muối. Nhưng muối mất mùa, rớt giá; người dân chuyển sang nuôi tôm. Nuôi tôm lại thường xảy ra dịch bệnh, người nuôi tôm bị “trắng tay”. Thế là vùng đất này bị bỏ hoang cho đến khi có chương trình hỗ trợ mô hình nuôi cua thương phẩm của huyện Bình Sơn, địa phương đã tổ chức thực hiện và kết quả mang lại khả quan. Về vùng nuôi tôm  tại xã Bình Dương, nơi 13 hộ dân xã này tham gia thực hiện mô hình nuôi cua thương phẩm, anh Trần Việt Hoàng- một nông dân tham gia mô hình cho biết,  vùng nuôi tôm  tại xã Bình Dương những năm qua tôm nuôi thường bị dịch bệnh, người nuôi tôm đứng ngồi không yên. Mô hình nuôi cua này khắc phục được tình trạng trên. Tỷ lệ sống của cua đến giai đoạn thu hoạch trên 70%. Ngoài ra vẫn xen được tôm sú nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.
Ông Phù Trung Anh- Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Sơn- cho biết: Cua là đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao, qui trình nuôi dễ áp dụng nên cần được phát triển. Kết quả của mô hình mở ra hướng đi mới, là giải pháp  hữu hiệu cho những vùng tôm bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người nuôi cua phải chú trọng về nguồn gốc của con giống và thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình nuôi như ao nuôi cua phải có nguồn nước tương đối sạch, ít bị ô nhiễm, pH từ 7-8,5; độ mặn từ 5-30 phần nghìn. Ngành nông nghiệp huyện sẽ khuyến cáo các xã có nuôi tôm tiếp tục chuyển dần những vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh sang nuôi cua và nuôi cua xen tôm. Sáng ngày 07/8/2010 vừa qua, tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Sơn phối hợi với UBND các xã Bình Dương, Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết “mô hình nuôi cua thương phẩm”. Hội nghị đánh giá: Mô hình nuôi cua đã giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Mở rộng diện tích nuôi cua thương phẩm và nuôi xen canh, luân canh dần thay thế việc nuôi tôm kém hiệu quả không những ở xã Bình Đông, Bình Thuận, Bình Dương mà còn có cơ sở để mở rộng ra các xã trong huyện Bình Sơn nói riêng và cả tỉnh Quảng Ngãi nói chung. “Nuôi cua là giải pháp hữu hiệu cho những vùng tôm bị nhiễm bệnh”- Ông Phù Trung Anh khẳng định./.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-oc-huong-mot-von-ba-loi Nuôi Ốc Hương "Một Vốn… nuoi-tom-the-chan-trang-trong-ao-nuoc-ngot Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng…