Tin thủy sản Nuôi cua trên ruộng muối

Nuôi cua trên ruộng muối

Tác giả Sơn Phạm, ngày đăng 09/05/2019

Tại vùng ven biển Cần Giờ - TP.HCM, nhiều hộ gia đình sinh sống bằng nghề làm muối gặp khó khăn trong mùa mưa do không thể sản xuất muối và chưa tìm được mô hình thay thế hiệu quả. Nhằm giúp diêm dân có thêm lựa chọn sản xuất kinh doanh trong mùa mưa, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) đang giới thiệu kỹ thuật nuôi cua trên ruộng muối do Sở KH&CN TP.HCM vàTrung tâm Khuyến nông TP.HCM phối hợp triển khai.

Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày, cho ăn thức ăn tươi sống.

Mô hình này không đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn giống dễ kiếm, không cần cải tạo đất nhiều, dễ chăm sóc, ít rủi ro, chi phí thấp. Mô hình đã được áp dụng tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ và chứng minh được hiệu quả thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân vùng mặn.

Xử lý ao nuôi và chăm sóc đơn giản

Ruộng muối bằng phẳng không cần cải tạo nhiều. Người nuôi cần chủ yếu quan tâm xả nước ra vào nhiều lần cho hạ độ mặn của muối và làm hàng rào để giữ không cho cua bò đi.

Ao nuôi chọn ở vùng chất đất ít bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, thịt pha sét, không có quá nhiều bùn nhão (lớp bùn < 20cm, pH từ 7,5-8,2, độ mặn từ 10-25‰).

Để xử lý ao, người nuôi tháo cạn nước, bón vôi với lượng khoảng 6kg/100m2 và phơi nắng 5-10 ngày cho đến khi đáy ao nứt nẻ. Ao nuôi cần có cống cấp và thoát nước riêng.

Sau khi xử lý ao nuôi như trên, bước tiếp theo là thả chà (các loại cành cây như bần, đước phơi khô, được bó thành bó) và lấy nước qua lưới lọc vào ao, mức nước là 0,6-0,8m. Sau đó, người nuôi tiến hành gây màu nước bằng phân urê, NPK 2kg. Ngoài ra có thể dùng phân gà để bón cho ao.

Các chuyên gia khuyến cáo phân được hòa tan với nước ngọt, tạt xuống ao vào lúc 9-10 giờ sáng.

Việc thả giống nên tiến hành vào lúc trời mát, nhiệt độ còn thấp (7-9 giờ sáng) ở nhiều điểm khác nhau trong ao. Cua nên được thả sát mép nước để tự bò xuống. Trước khi thả, người nuôi cần chú ý sự chênh lệch độ mặn, nếu độ mặn quá chênh lệch cần thuần hoá rồi mới thả.

Nguồn thức ăn chủ yếu của cua là nguồn thức ăn tự nhiên. Nếu thức ăn tự nhiên trong ao nuôi không đủ thì có thể cho cua ăn thêm thức ăn chế biến (các loại cá tạp, cá vụn, tép,…). Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4-6% tổng khối lượng cua trong ao. Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17-19 giờ.

Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày, cho ăn thức ăn tươi sống. Ở những nơi có thủy triều lên xuống hàng ngày, người nuôi cua cần thay nước thường xuyên cho ao nuôi.

Hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất muối, lên đến 5 lần

Kết quả thực tế cho thấy mô hình nuôi cua trên ruộng muối đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với sản xuất muối. Sau 4-5 tháng, ao nuôi cho thu hạch với năng suất 260-280kg/ha (loại từ 2-3 con/kg). Chỉ với mức giá bán tại ruộng từ 85-90 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi 14-15 triệu đồng/ha.

Sau 4-5 tháng, ao nuôi cho thu hạch với năng suất 260-280kg/ha (loại từ 2-3 con/kg) .

Theo Ths. Nguyễn Thị Gái Nhỏ từ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, mô hình nuôi cua thương phẩm trên khuôn chứa nước làm muối tại xã Lý Nhơn hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Cần Giờ, nguồn nước nuôi không tác động và ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh vùng nuôi thủy sản nên có thể được nhân rộng, làm nền tảng phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy hải sản.

Với mô hình này, Sở KH&CN TP.HCM mong muốn góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

luu-y-nuoi-tom-trong-mua-nang-nong Lưu ý nuôi tôm trong… nhieu-cong-nghe-nuoi-tom-the-chan-trang Nhiều công nghệ nuôi tôm…