Mô hình kinh tế Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định

Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định

Tác giả Ngọc Trinh, ngày đăng 14/04/2017

Nhờ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, gia đình anh Phan Trí Khái, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có nguồn thu nhập ổn định hàng năm.

Trong ảnh: Anh Phan Trí Khái đang chăm sóc đàn dê

Mạnh dạn đầu tư

Trước kia nguồn thu nhập chính của gia đình anh Khái phụ thuộc vào vuông nuôi cá trê, sặc rằn, nhưng lợi nhuận không cao vì nhiều năm gần đây giá cá trê, sặc rằn bất ổn. Chuyền hướng sang nuôi heo nhưng do thiếu kinh nghiệm, lại ít vốn đầu tư nên cũng chỉ đủ lấy công làm lãi. Trong lúc chưa nghĩ ra hướng đi mới để đem lại nguồn thu nhập ổn định thì tình cờ năm 2010 anh Khái xem tivi và biết đến mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre và Tiền Giang. Nghĩ là làm, anh mạnh dạn mua con giống về nuôi. “Sau khi tìm hiểu kỹ càng tôi liền đầu tư vào con giống, lúc đó giá con giống rất rẻ, dê con mới cai sữa giá chỉ 1 triệu đồng, tôi mua liền 6 con về nuôi và nhân giống” anh Khái nói.

Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định

Nhờ ham học hỏi, tự mua sách về mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc nên đàn dê của anh không ngừng sinh sản. Chỉ sau 5 năm từ 6 con giống ban đầu, hiện đàn dê của anh đã tăng lên 40 con dê cái, hàng chục con dê thịt và 20 con giống.

Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi dê, anh Khái cho biết, chuồng nuôi phải đảm được xây dựng ở nơi khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phải phẳng để dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu… Chuồng có thể làm bằng tre hoặc gỗ chắc chắn, gọn gàng, không để dê chui qua được, sàn chuồng cách mặt đất 50 - 80 cm.

Chú trọng chọn giống

Cũng theo anh Khái, dê là loài dễ nuôi vì chúng ăn tạp, thường ăn các loài lá cây và cỏ trong vườn nên nguồn thức ăn dễ chủ động, dê lại ít bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp. Thông thường những bệnh chủ yếu dê hay mắc phải là ghẻ, lở mồm long móng và tiêu chảy. Cách phòng bệnh chủ yếu là theo dõi sức khỏe đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần, tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi và tránh lây lan trong đàn, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vaccine để phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

Ngoài ra, anh Khái cũng khuyên, người nuôi cần chú trọng việc chọn giống bởi đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công. Đối với dê đực phải chọn những con giống có ngoại hình đẹp, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, 2 dịch hoàn to đều. Còn dê cái thì phải khỏe, mình nở rộng, ngực sâu, da mềm, lông bóng, bầu vú to… như vậy sẽ giúp dê cho sinh sản đạt hiệu quả cao.

Dê được nuôi từ lúc cai sữa đến sau 8 tháng có thể xuất bán thịt, thường giá dao động 100.000 - 110.000 đồng/kg với dê đực, 80.000 - 85.000 đồng/kg với dê cái, với con giống khoảng 2,5 - 3 tháng đã có thể cai sữa và được bán khoảng 4 triệu đồng/con. Mỗi năm trừ chi phí, anh Khái lãi gần 100 triệu đồng.

>> Ngoài mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, anh Khái còn kết hợp chăn nuôi heo, cá tra, gà đá. Nhờ siêng năng, tự mày mò kỹ thuật nên sản lượng cũng như chất lượng đều đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định hàng năm.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-kinh-te-tu-mo-hinh-nuoi-ca-dia Phát triển kinh tế từ… bi-quyet-lam-giau-trong-so-ri-tren-dat-phen Bí quyết làm giàu: Trồng…