Mô hình kinh tế Nuôi Ếch Thái Lan Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Thành Phố Hà Giang

Nuôi Ếch Thái Lan Hướng Đi Mới Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Thành Phố Hà Giang

Ngày đăng 08/08/2014

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh mặt nước; nâng cao thu nhập, góp phần phát triển và ổn định đời sống cho các hộ nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, việc khai thác và ứng dụng các mô hình mang lại hiệu quả cao đã được thí điểm tại các địa phương là việc hết sức cần thiết và cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan.

Nhằm từng bước đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ; tháng 6.2014, UBND xã Phương Độ (TPHG) được Phòng Kinh tế thành phố chọn làm xã thí điểm thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ KHKT mở rộng mô hình nuôi ếch Thái Lan cho 15 hộ.

Phát triển mô hình chăn nuôi Ếch với quy mô 15.000 con/300m2, sản lượng ước đạt 3,7 tấn; vốn do Nhà nước đầu tư 100% giá (giống + thuốc xử lý ao nuôi); đầu tư 50% giá thức ăn (tổng hợp) trong vòng 1 tháng đầu; 100% vật liệu làm lồng nuôi (lưới, xốp, v.v...). Chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, không cần nhiều diện tích, lợi nhuận cao lại có thể thả ghép với cá để tận dụng thức ăn dư thừa... là những ưu điểm nổi bật của mô hình nuôi ếch Thái Lan bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Văn Vở, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ là một trong 15 hộ tham gia thực diện dự án nuôi ếch Thái Lan chia sẻ, với mong muốn thoát nghèo, được Phòng Kinh tế thành phố triển khai dự án tại xã, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia vì anh thấy rất phù hợp với điều kiện của gia đình.

Theo ông Lê Xuân Mạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố, Chủ nhiệm dự án cho biết: Mô hình nuôi ếch Thái Lan có nhiều ưu điểm như: Dễ nuôi, ít bệnh, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Giống ếch này không cần diện tích lớn, chi phí đầu tư thấp; đặc biệt có thể nuôi thả ghép với cá tận dụng thức ăn dư thừa và làm sạch môi trường ao nuôi.

Ngoài ra, nuôi ếch Thái Lan cần lưu ý bệnh đường ruột, trướng hơi, đặc biệt phải nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi và thay nước thường xuyên để bảo đảm vệ sinh ao, lồng nuôi, các vật trú ẩn của ếch, đặc biệt là trước lúc cho ăn, giữ môi trường nuôi luôn ổn định, hạn chế dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra lưới lồng để kịp thời phát hiện các lỗ thủng làm ếch bị thất thoát ra ngoài.

Ếch được thả nuôi tập trung từ tháng 4 đến tháng 12, một năm có thể nuôi 2-3 lứa, mỗi lứa nuôi khoảng 60-65 ngày thì cho thu hoạch. Hiện, nhu cầu thịt ếch trên thị trường ngày càng được ưa chuộng, theo tính toán mỗi con ếch từ khi thả tới lúc thu hoạch nặng khoảng 200-250g, nuôi 1.000 con, mỗi lứa trừ chi phí, cho lãi từ 3-3,5 triệu đồng.

Kết quả ban đầu cho thấy khả năng sinh sản của ếch Thái Lan tương tự ếch Việt Nam. Ếch Thái Lan có ưu thế so với ếch Việt Nam về tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ nở, tốc độ tăng trưởng và biến thái của nòng nọc, tăng trọng và tỉ lệ sống.

Do đó, mô hình thực nghiệm nuôi ếch Thái Lan thâm canh trên mặt nước với thức ăn viên cho kết quả rất khả quan và có triển vọng phát triển mạnh trong sản xuất.

Như vậy, kết quả của đề tài cho thấy nghề nuôi ếch Thái Lan thâm canh có khả năng trở thành một ngành nuôi thủy sản mới tại thành phố nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn. Vấn đề còn lại là cần phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ ếch, tạo thị trường tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, nhằm phát triển nghề nuôi ếch thâm canh theo hướng ổn định và hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

cong-ty-tafishco-khoi-dong-du-an-chuoi-lien-ket-san-xuat-che-bien-xuat-khau-ca-tra Công Ty Tafishco Khởi Động… vu-lua-tren-dat-nuoi-tom-kho-dat-muc-tieu-do-thoi-tiet-bat-loi Vụ Lúa Trên Đất Nuôi…