Tin nông nghiệp Nuôi gà hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc

Nuôi gà hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc

Tác giả Đinh Mười - Hoàng Anh, ngày đăng 08/12/2021

Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ ở Hải Phòng thời gian qua đã giúp người chăn nuôi tăng thu nhập và đầu ra ổn định.

Mô hình nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 3/12, tại Hải Phòng, Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp chăn nuôi gà hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị gắn truy xuất nguồn gốc”.

Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo TTKNQG, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng, TTKN Hải Phòng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, các đơn vị chuyên môn các huyện và hàng trăm hộ chăn nuôi gà ở Hải Phòng.

Tại diễn đàn, đại diện các đơn vị đã nêu thực trạng tình hình sản xuất chăn nuôi gia cầm và định hướng phát triển trong giai đoạn tới ở Hải Phòng, báo cáo kết quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản có nguồn gốc động vật năm 2021 và đề xuất thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TTKN Hải Phòng cũng báo cáo kết quả triên khai việc xây dựng các mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, VietGHAP… trên địa bàn TP Hải Phòng.

Các đại biểu tham dự diễn đàn đã đặt hàng trăm câu hỏi thắc mắc về cơ chế chính sách, về kháng sinh trong chăn nuôi và các vấn đề gặp phải trong quá trình chăn nuôi…

Đại diện các đơn vị chuyên môn đã giải đáp cặn kẽ và hướng dẫn người chăn nuôi cách xử lý, ứng phó với những vấn đề cần thiết để có thể chăn nuôi an toàn, hiệu quả kinh tế cao, gắn với truy xuất nguồn gốc.

Theo TTKN Hải Phòng, thời gian qua, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng phát triển chung của ngành nông nghiệp, tạo sinh kế thu nhập cho bộ phận dân cư khu vực nông thôn ngoại thành...

Trong đó, chăn nuôi gà đang tiếp cận và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vacxin, chế phẩm sinh học…

Qua đó, đã giúp tăng năng suất, sản lượng sản phẩm, hạn chế dịch bệnh, thúc đẩy ngành chăn nuôi gà phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi gà tại Hải Phòng đã và đang hình thành nhiều chuỗi liên kết, đơn cử như các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Quân, HTX Chăn nuôi Đại Phát, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Chiêu Viên…

Các hộ chăn nuôi gà thuộc các chuỗi liên kết này cùng nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng VietGAHP, cùng liên kết về vốn để nhập giống, vật tư giá rẻ, cùng nhau liên kết để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giúp đầu ra của sản phẩm luôn ổn định và đạt hiệu quả kinh tế tăng cao, chăn nuôi phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc TTKN Hải Phòng cho biết, các mô hình khuyến nông được xây dựng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đã góp phần hình thành phương thức tổ chức sản xuất mới, sản xuất hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển.

Qua đó, đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa an toàn, sản xuất theo tổ nhóm, tổ hợp tác sản xuất, xuất hiện các tổ dịch vụ nông nghiệp, nhiều vùng chăn nuôi có gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ.

Qua đó, đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững; tập trung đưa tiến bộ kỹ thuật phát triển các đối tượng vật nuôi chủ lực của Hải Phòng theo hướng thâm canh, năng suất, chất lượng cao, sản xuất hàng hóa, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nâng cao các biện pháp bảo vệ môi trường.

Mặt khác, việc ứng dụng chế phẩm sinh học, thảo dược, acid hữu cơ thay thế các chất độc hại, hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã giúp đảm bảo về bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

“Các tiến bộ kỹ thuật về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, hướng hữu cơ đã được vận dụng và ứng dụng vào các mô hình, giúp thay đổi hành vi, kỹ năng sản xuất của người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ từ chăn nuôi truyền thống, theo kinh nghiệm, phân tán, mạnh ai lấy làm sang phát triển chăn nuôi hàng hóa áp dụng quy trình VietGAHP, có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và bền vững.

Các mô hình đã nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và thay đổi dần phương thức nuôi tận dụng trước đây cũng như chuyển đổi phương thức chăn nuôi, tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà áp dụng VietGAHP tại địa phương làm mô hình và các vùng lân cận“, ông Nguyễn Ngọc Đam chia sẻ.

Giai đoạn 2010 - 2020, sản xuất chăn nuôi của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 1,64%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng từ 38,23% năm 2010 lên 49,53% năm 2020.

Chăn nuôi gia cầm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho gần 55.000 hộ dân và đóng góp 25% giá trị sản xuất chăn nuôi của địa phương.

Trong đó, gia cầm được xác định là đối tượng vật nuôi chủ lực, luôn phát triển ổn định với tốc độ bình quân tăng 2,56%/năm, sản lượng thịt gia cầm năm 2021 đạt 48.676,39 tấn, trứng gia cầm đến tháng 11/2021 đạt 304,27 quả.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ga-thit-ban-dia-an-toan-sinh-hoc Nuôi gà thịt bản địa… tuoi-nuoc-ngap-kho-xen-ke-cho-lua-nong-dan-vung-han-o-dbscl-bot-lo Tưới nước ngập khô xen…