Nuôi gà thả đồi 'mát mặt'
Tôi tìm đến Tổ hợp tác chăn nuôi gà đồi của HTX Nông nghiệp và Phát triển cây dược liệu Hòa Bình ở xóm Gò Mè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Giám đốc HTX, ông Bùi Hồng Thùy cũng là Tổ trưởng Tổ chăn nuôi gà đồi Cư Yên thật thà cho hay: "Bác đến không đúng lúc, chúng em vừa xuất hết gà, sản lượng đạt hơn 10.000kg, giá bán quân bình 65.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng, lãi cao như vậy, là do được Khuyến nông Trung ương và tỉnh hỗ trợ một phần con giống và thức ăn chăn nuôi, nếu không thì chỉ được lợi nhuận bằng già nửa số nêu trên, bởi các loại gia cầm nuôi năm nay đều bị rớt giá quá lâu.
“Làm giám đốc HTX nhưng em vẫn chăn nuôi hơn 300 con gà thả đồi, trồng 3,5ha cây dược liệu và đứng ra làm đầu mối kết nối bao tiêu gà thương phẩm giữa các thành viên trong tổ hợp tác với các hàng ăn, khách sạn trong khu vực”, anh Thủy cho biết thêm.
Anh Nguyễn Văn Hiệu (thành viên trong Tổ hợp tác nuôi gà thả đồi) tiết lộ: Gọi là nuôi gà thả đồi cho vắn tắt, chứ thật ra vẫn phải làm lán trại quây che cho gà, để dễ dàng quản lý dịch bệnh và không bị thất thoát vật nuôi. Tuy nhiên cách chăn nuôi này vẫn có lợi thế hơn hẳn là, không gian thoáng đãng, diện tích chuồng trại rộng, cho phép nuôi thả với mật độ thưa, cùng với các biện pháp kỹ thuật khác, sẽ tiết giảm được 50% chi phí mua vacxin và kháng sinh phòng trị dịch bệnh cho gà. Đây cũng là một trong những nguyên nhân, giúp các hộ chăn nuôi trong HTX đạt lợi nhuận khá.
Ông Nguyễn Ngọc Lan được cơ quan khuyến nông hỗ trợ cho nuôi 340 con gà thương phẩm, nhưng vẫn mua thêm hơn 100 con giống gà Mía (cùng loại) để chăn nuôi đổi chứng. Kết quả sau xuất bán, đàn gà nuôi thêm cho lãi 17-20 nghìn đồng 1kg, tùy thời điểm.
Bí quyết nuôi gà không được hỗ trợ mà vẫn có lãi khá của ông Lan là, khống chế tỷ lệ hao hụt con giống dưới ngưỡng 5% bằng cách: Vacxin phòng đồng thời 4 bệnh cho gà ngay khi được 1 ngày tuổi, nuôi nhốt ở mật độ 5-6 con/m2, làm đệm lót sinh học cho gà, không lạm dụng hóa chất tẩy trùng chuồng trại, thường xuyên điều chỉnh máng ăn, bình uống ở ngang tầm lưng gà, kết hợp với vệ sinh sạch sẽ bình, máng hàng ngày, và cho gà ăn thêm một số loại dược liệu, lá cây hoàn ngọc đỏ, hoàn ngọc trắng, xăng sê hoặc lá đinh lăng… Nhờ vậy đàn gà nuôi của ông Lan luôn khỏe mạnh, ít mắc dịch bệnh, 4,5 tháng đã cho xuất chuồng, con trống nặng trên 3,5kg, con mái vượt 2,5kg.
Ông Dương Ngọc Tú - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cho biết: HTX Nông nghiệp và Phát triển cây dược liệu Hòa Bình được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 70% giá trị con giống và vật tư chăn nuôi 3.400 con gà thương phẩm. Mục đích nhằm xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi gắn với chuỗi giá trị, theo hướng thực hành tốt và an toàn sinh học, tăng năng suất, chất lượng cho giá trị cao.
Quan sát thực tế tôi thấy, xã Cư Yên có nhiều đồi núi và sông suối lớn bao bọc, thời tiết, khí hậu ít cực đoan, nhưng lại khá gần Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường đại học FPT… rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia cầm các loại nói chung, chăn nuôi gà nói riêng. Đặc biệt nơi đây còn có nghề truyền thống trồng cây dược liệu, là tiền đề cho xây dựng thương hiệu “Gà thuốc Cư Yên”.
“Nuôi gà đồi chất lượng thịt cao hơn vượt trội, nhưng khó bán được giá cao hơn vượt trội, bởi con gà chứ không phải cái bánh mà có thể bóc ra ăn kiểm chứng ngay. Nên người tiêu dùng không phân biệt được gà ngon với gà thường, để sẵn sàng mua theo đúng giá trị sản phẩm. Rất mong nhà nước tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, để bà con miền núi chúng tôi có thể đổi đời”, anh Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ