Mô hình kinh tế Nuôi Gà Thả Vườn Kiểu Mới

Nuôi Gà Thả Vườn Kiểu Mới

Ngày đăng 11/05/2013

Mô hình nuôi gà thả vườn, đồi quy mô lớn đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người dân, nuôi thả vườn phải có đất rộng, cây cối um tùm để gà tha hồ chạy nhảy. Song thực tế cho thấy kiểu nuôi đó còn bất cập.

BỎ QUA YẾU TỐ QUAN TRỌNG

Ưu điểm lớn nhất của mô hình nuôi gà thả vườn là tận dụng lợi thế đất đai, vườn đồi, góp phần làm tăng thu nhập và bổ sung nguồn cung thực phẩm có chất lượng cho thị trường. Song, cũng chính từ sự phát triển ồ ạt, thiếu tính toán trong suốt một thời gian dài, người dân không quan tâm bảo vệ môi trường sinh học, không đầu tư xây dựng chuồng trại phù hợp dẫn tới môi trường bị ô nhiễm nặng nề, làm giảm chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Qua khảo sát mô hình nuôi gà thả vườn tại Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên… chúng tôi nhận thấy bà con đều thả gà dưới tán cây và để gà tự do ăn ở, đi lại. Cách chăn thả này có ưu điểm tận dụng phân, chất thải bón trực tiếp cho cây cối, gà vặt cỏ ăn nên không phải dọn vườn. Mặt khác, gà có tập tính bới đất tìm kiếm sâu bọ nên tốt cho cây. Nhưng, đối nghịch với cái lợi cho cây phương thức chăn nuôi trên rất có hại cho đàn gà. Đó chính là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại.

Thứ nhất, phân gà cùng các chất gà thải ra thẩm thấu xuống đất cùng với tán cây tạo nơi khu trú lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút, cầu ký sinh trùng thích nghi, phát triển. Việc khử trùng, tiêu độc định kỳ sau mỗi lứa xuất gà khó làm triệt để nên tạo cơ hội cho nhiều dịch bệnh tấn công vật nuôi như: Marek, đầu đen, giun sán… Đây là nguyên nhân chính làm tăng rất nhiều chi phí về thuốc thú y cũng như gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Theo các chuyên gia thú y, việc phải sử dụng nhiều kháng sinh sẽ làm hỏng nhu động thành ruột của gà, phá vỡ cân bằng vi sinh vật có lợi dẫn đến gà ăn nhiều nhưng sự hấp thụ giảm đi. Chia sẻ với chúng tôi, bà con chăn nuôi tại các địa phương trên đều thừa nhận, mỗi lứa gà họ bị thất thoát ít nhất 5 - 10% trên tổng đàn do bị mắc các bệnh khó chữa như Marek, đầu đen, Leuco… song không biết nguyên nhân vì sao mặc dù máng ăn, nước uống được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày.

Mặt khác, do tận dụng chuồng lợn, nhà kho nên hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi gà thả vườn hiện nay hầu hết đều được xây dựng sơ sài nên chưa đảm bảo sự thông thoáng cần thiết phù hợp với sinh lý của gà. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng phát triển và chất lượng của đàn gà và trực tiếp làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi.

MÔ HÌNH DABACO

Là một trong những DN tiên phong trong việc nghiên cứu, lai tạo ra giống gà màu truyền thống, thuần Việt, Cty Gà giống Dabaco (Bắc Ninh) đã tìm tòi, nghiên cứu thành công mô hình chuồng trại nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững, hiện đang phát huy hiệu quả rất tích cực với người chăn nuôi trong nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Cty Gà giống Dabaco cho biết, chuồng nuôi gà theo tư vấn thiết kế của Dabaco được bố trí khoa học với nhiều ưu điểm vượt trội. Tạo sự thông thoáng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên với không gian mở bởi gà ta, gà thả vườn cần nhiều ánh sáng để hấp thụ, tổng hợp một số vitamin, phù hợp với tập tính của gà.

Điểm nhấn của mô hình chuồng nuôi gà của Dabaco là khu sân chơi được lót ni lông sau láng vữa xi măng trên đổ cát vàng 10 - 15 cm nên hạn chế triệt để trứng giun sán thâm nhập; đây là nguồn lây nhiễm chính của bệnh đầu đen. Chuồng nuôi này cũng thỏa mãn được cả tập tính bới, tắm cát, phơi nắng của giống gà ta.

Việc gà thường xuyên được phơi nắng trên sân cát giúp gà khỏe mạnh, đẹp mã, hệ tiêu hóa phát triển tốt vì gà thường xuyên được bổ sung các khoáng chất từ cát. Các cụ ngày xưa có câu “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, song thực chất những viên cát sỏi nhỏ giúp quá trình nghiền thức ăn của gà tốt hơn nên vật nuôi hấp thụ được nhiều hơn.

Một tiến bộ khác trong mô hình chuồng nuôi gà thả vườn của Cty Gà giống Dabaco là nền chuồng có hệ thống tạo nhiệt kiểu “bếp Hoàng Cầm” nên chi phí giai đoạn úm gà rẻ, nền chuồng luôn khô ráo. Giai đoạn sau, dùng trấu ủ men vi sinh nên không phải dọn phân, giảm thiểu khí amoniac, giúp hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh do gà giảm mắc phải các bệnh như hen, cầu trùng, bệnh về nấm và hô hấp… Khu sân chơi được quét dọn, khử trùng thường xuyên, sau mỗi lứa nuôi nền chuồng, khu sân chơi được dọn vệ sinh sau đó ngâm nước sát trùng 24 - 48h nên các mầm bệnh bị triệt tiêu gần như hoàn toàn.

Là hộ đầu tiên áp dụng nuôi gà thả vườn theo cách mới, anh Hoàng Công Điền, xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ - Thái Bình) chia sẻ, từ ngày chuyển sang mô hình chuồng nuôi của Cty Gà giống Dabaco, mỗi lứa anh tiết kiệm được trên 10 triệu đồng tiền chi phí thuốc thú y và TĂCN cho 1.000 con gà. Và điều anh Điền cảm thấy khoái nhất là đàn gà của anh gần như không mắc phải bất cứ bệnh tật gì khi chuyển sang mô hình chuồng nuôi mới, điều mà với mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo truyền thống trước đây anh chưa bao giờ làm được.

Tham quan mô hình của anh Nguyễn Đức Khải, xã Tân Hòa (Phú Bình - Thái Nguyên), một hộ đang triển khai xây dựng thêm chuồng trại theo hướng an toàn bền vững của Cty Gà giống Dabaco, được anh tâm sự: “Trước tôi đã nuôi gà trắng, nhưng thắng thua phập phù vì bệnh tật nhiều, cứ phấp phỏm lo bệnh tật suốt. Sau được Cty Gà giống Dabaco tư vấn, tôi cải tạo chuồng nuôi gà trắng sang nuôi gà màu vô cùng đơn giản mà lại hiệu quả, giúp tiết kiệm được tới 70% chi phí nên 2 chuồng gà của tôi nuôi 5.000 con gà J-Dabaco đầu tư hết có vài chục triệu đồng mà việc quản lý chăm sóc đàn gà thuận tiện hơn nhiều, chính vì thế mặc dù giá gà trắng khủng hoảng song tôi vẫn có lợi nhuận khá tốt”.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế ra mô hình nuôi gà thả vườn “khác lạ” giúp người chăn nuôi trong nước, ông Nguyễn Như Phán bộc bạch: “Chúng tôi luôn xác định, người dân có sống và giàu có được từ nghề chăn nuôi, những người làm giống như chúng tôi mới tồn tại được. Nếu mình chỉ lo bán giống kiếm tiền, trong khi bà con thua lỗ rồi bỏ chuồng mình bán giống cho ai? Với tình hình khó khăn như hiện nay, cả người làm giống, người chăn nuôi và lái buôn đều phải sống thật với nhau mới có thể tồn tại. Nếu không, chính chúng ta sẽ tự kéo nhau “chết đuối” và tạo cơ hội cho DN nước ngoài đắc lợi.”

Ông Phán cho biết thêm, để nuôi 1.000 con gà ta, gà thả vườn chỉ cần diện tích 250 m2 với kinh phí xây dựng trên dưới 30 triệu đồng (rẻ hơn gấp cả chục lần so với chi phí 400 - 500 triệu đồng chuồng nuôi gà trắng). Đây là chi phí khá rẻ so với chi phí thuốc thú y mà chăn nuôi gà theo mô hình chuồng nuôi này tiết kiệm được.

Thực tế, nhiều hộ chăn nuôi gà J - Dabaco ở nhiều vùng miền đã áp dụng xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa chuồng trại cũ cho phù hợp theo mô hình mà Cty Gà giống Dabaco chuyển giao đều thành công ngoài sự mong đợi.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-chon-huong-va-ca-phe-chon Làm Giàu Từ Chồn Hương… tiem-phong-vaccine-mien-phi-dan-gia-suc-bien-gioi-o-an-giang Tiêm Phòng Vaccine Miễn Phí…