Tin thủy sản Nuôi ghép cá trong ao tôm được lợi kép

Nuôi ghép cá trong ao tôm được lợi kép

Tác giả NGÔ THANH, ngày đăng 30/06/2016

Được sự giới thiệu của cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Sở NN-PTNT), chúng tôi tham quan mô hình thả nuôi cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng mang lại hiệu quả tại cơ sở nuôi tôm của ông Đỗ Lương Tịnh (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Anh Lữ Tiến Sức, quản lý cơ sở cho biết, những năm trước đây, tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp, hầu như năm nào cơ sở cũng bị thua lỗ.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân làm cho dịch bệnh xảy ra liên tục do môi trường ao nuôi bị suy thoái, mầm bệnh của tôm luôn tồn tại trong ao từ vụ này sang vụ khác, nếu nuôi tôm liên tục, không có biện pháp luân canh thì dẫn đến thất bại. Từ năm 2010, được sự hướng dẫn của Trung tâm KNKN, cơ sở đã ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nguồn nước nuôi được từ ao lắng nuôi thả cá rô phi và cá chẽm.

Ông Sức cho biết, cá rô phi, cá chẽm được thả nuôi tại một ao riêng với mật độ vừa phải, không cần cho ăn mà cứ để cá phát triển tự nhiên hết vụ này qua vụ khác. Nguồn thức ăn của cá là mùn bã hữu cơ, các chất cặn bã từ nước ao nuôi tôm gom về.

Với mô hình này, cá chính là “nhà máy lọc sinh học” cho nước nuôi tôm. Theo cơ quan chuyên môn, nuôi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra.

Cá rô phi, cá chẽm có khả năng làm xanh nước, giảm sự phát triển vi sinh vật, hơn nữa, chúng còn sử dụng xác tôm, cá, động vật thủy sản chết từ nguồn nước lấy vào hệ thống ao lắng, nhằm hạn chế sự phát tán của sinh vật gây bệnh từ ngoài vào hệ thống nuôi. Như vậy, nuôi cá trong ao lắng để có nguồn nước chất lượng tốt, sau đó bơm vào dùng trong ao nuôi tôm sẽ hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh.

“Từ lúc thí điểm thực hiện, cũng có 2 - 3 vụ bị thất bại do gặp một số sự cố ở khâu kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình mang lại hiệu quả khi dịch bệnh trên tôm được hạn chế, các vụ nuôi từ năm 2013 đến năm 2015, doanh thu từ 25 ao nuôi của cơ sở đạt hơn 10 tỷ đồng/năm”, ông Sức cho biết thêm.

Cũng với mục đích dùng cá làm sạch môi trường nước nuôi tôm, nhưng cơ sở nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Chính (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) lại thực hiện theo cách khác, đó là nuôi chung trong một ao.

Ông Chính cho biết, cơ sở của ông có số lượng 20 ao, mỗi ao rộng khoảng 3.000 - 5.000m2, cơ sở bố trí 300m2 ở giữa để nuôi cá rô phi. Cá nuôi được quây bằng lưới cước chắc chắn, lưới được chôn sâu xuống dưới đáy ao từ 25 - 30cm nhằm tránh cá thoát ra ngoài, mỗi ao thả 5kg cá giống kích cỡ 200 con/kg.

Cá nuôi ở đây cũng lấy nguồn thức ăn chính là các chất cặn bã, thức ăn thừa, vỏ tôm lột trong ao nuôi. Vì vậy, ao của cơ sở luôn được dọn sạch các chất cặn bã và để tuần hoàn nước trong ao, cơ sở thường xuyên làm sạch lưới chắn cá nhằm tạo dòng chảy lưu thông thông thoáng.

Anh Nguyễn Văn Chính cho biết, mô hình được ông thực hiện từ năm 2014,với cách làm này, bước đầu đã mang lại hiệu quả khi 2 vụ 2014 - 2015, cơ sở đã thu hơn 100 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, tăng 30 - 40%, so với những năm trước, tình hình dịch bệnh giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi và quản lý giống, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, với tình hình bệnh dịch trên tôm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát; môi trường đất, đáy ao và nước nuôi đang bị nhiễm và tồn dư các loại thuốc, hóa chất từ quá trình nuôi trước đây, thì việc sáng tạo ứng dụng quy trình nuôi hiệu quả như hai cơ sở trên rất cần được phổ biến nhân rộng.

Theo đánh giá tại một số hộ nuôi, áp dụng nuôi ghép cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng, rồi lấy nước vào nuôi tôm hoặc nuôi cá trong đăng quây giữa ao tôm đã cho hiệu quả rõ rệt, cải thiện môi trường ao nuôi, giảm dịch bệnh.

Không những thế, sau một thời gian, người nuôi tôm còn có thể thu hoạch cá để bán tăng thêm thu nhập. “Đây là những mô hình mới cần được triển khai. Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình để nhân rộng, phổ biến đến người nuôi.

Ngoài ra, mục tiêu phát triển của ngành thủy sản là phải gắn với bảo vệ môi trường, do đó bên cạnh nhân rộng các mô hình mới, ngành thủy sản tỉnh cũng sẽ hướng người dân tăng cường sử dụng công nghệ sinh học, các sản phẩm men vi sinh trong nuôi trồng... nhằm giảm và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc, hóa chất xử lý cải tạo môi trường cũng như công tác phòng chống dịch bệnh trong quá trình nuôi”, ông Thi cho biết thêm.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-vung-kenh-dong-chua-man-ma-nuoi-ca-tom Nông dân vùng kênh Đông… nong-dan-vung-kenh-dong-chua-man-ma-nuoi-ca-tom Nông dân vùng kênh Đông…