Nuôi giun quế thoát nghèo
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao, giúp người dân thoát nghèo.
Chị Dương Thị Thái kiểm tra giun quế.
Mô hình nuôi giun quế vừa cung cấp con giống, vừa làm thức ăn trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường, mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình chị Dương Thị Thái (thôn 2, xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) là một điển hình.
Là một trong những gia đình thuần nông, quanh năm suốt tháng cũng chỉ mấy sào ruộng, vài con trâu, con bò... nhưng với bản tính ham học hỏi, chịu thương, chịu khó chị Dương Thị Thái đã không dừng lại ở đó mà kiên trì tìm hiểu nhiều mô hình và nhận thấy giá trị của giun quế cũng như cách làm không quá khó, nên chị đã mạnh dạn thực hiện mô hình này.
Đầu năm 2017, gia đình chị Thái bắt đầu xây dựng mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà. Vừa làm, vừa thử nghiệm, ban đầu chị chỉ tận dụng chuồng trại nuôi trâu bò trước đây để nuôi giun, dần dần, nhận thấy nhu cầu khách hàng tìm mua ngày càng đông, chị bắt đầu mở rộng thêm 50 m2 ngay trong vườn để sản xuất và cung cấp giun quế giống cho bà con.
Ngoài nuôi giun quế, chị Thái còn kết hợp nuôi ngan, gà để tăng thêm thu nhập.
Chị Thái cho biết: Thực tế nuôi giun quế khá đơn giản. Thức ăn cho giun chủ yếu là các loại phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tốt nhất là phân trâu, bò, lợn, gà... Do đặc tính của giun thường sống trong môi trường ẩm thấp do nước đóng vai trò rất quan trọng đến sự sinh trưởng, sinh sản và phát triển của chúng.
Tuỳ theo mùa vụ và các loại thức ăn khác nhau để tưới lượng nước sao cho phù hợp. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho giun, gia đình chị Thái lúc nào cũng duy trì nuôi 3 con trâu để lấy thức ăn cho giun quế.
“Với việc chăm sóc đúng quy trình như vậy, một năm mỗi con giun đẻ được 1.000 trứng và giun trưởng thành nặng khoảng 0,3 gram. Trứng giun bắt đầu nở từ tuần thứ hai và đẻ rộ sau khoảng ba đến bốn tháng nuôi.
Đặc biệt nuôi giun quế không những giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn là nguồn thức ăn rất tốt cho gà, vịt hay trong nuôi thủy sản... Chất thải của giun quế dùng để bón cho cây trồng là rất tốt. Giun quế rất ưa bóng tối, do vậy các sàn nuôi giun quế phải được che đậy cẩn thận”, chị Thái cho biết thêm.
Mô hình nuôi giun quế của chị Thái được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi.
Là người phụ nữ khá nhạy bén trong tính toán làm ăn, đặc biệt khi các mạng xã hội ngày càng phát triển, chị đã biết vận dụng để quảng bá và xây dựng thương hiệu giun quế giống của gia đình và đến nay trang Facebook “Giun quế giống Hà Tĩnh – Quảng Bình” được nhiều người biết đến.
Khách hàng không phải chỉ là những người trong tỉnh mà từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,Nghệ An... đều tìm đến cơ sở để mua. Có những lúc chị Thái phải từ chối đơn hàng vì chưa kịp sản xuất giun quế giống.
“Mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn giun quế giống. Với giá 150.000 đồng/yến, gia đình thu về khoảng 15 triệu đồng. Giun quế được sử dụng làm thức ăn gia súc gia cầm, phân giun quế được sử dụng bón cây xanh rất tốt nên gần đây, bà con nông dân tìm mua giun quế giống nhiều”, chị Dương Thị Thái cho biết.
Không chỉ cung cấp con giống mà chị Thái vẫn duy trì sử dụng làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn gia cầm (gà, vịt, ngan) hơn 200 con.
Phân giun quế được chị sử dụng bón cho cây ăn quả trong vườn; nhiều lúc, sử dụng không hết, chị còn bán cho hàng xóm với giá 400.000 đồng/tạ. Vì thế năm nào, gia đình chị Dương Thị Thái cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đặc biệt, hai năm lại đây, từ khi kênh Facebook “Giun quế giống Hà Tĩnh – Quảng Bình” được thành lập thì thu nhập của gia đình tăng lên rất nhiều nhờ bán giun quế giống.
Nói về mô hình nuôi giun quế của chị Dương Thị Thái, chị Trương Thị Doanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Minh, cho biết: “Đây là mô hình điểm của Hội Phụ nữ xã. Thời gian qua, mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế được lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường. Ngoài ra, phân giun được sử dụng trong trồng trọt, lấy giun làm thức ăn trong chăn nuôi là biện pháp hiệu quả tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng.
Mô hình nuôi giun quế của chị Dương Thị Thái thật sự là địa chỉ tin cậy cho mọi người tham quan, học tập, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Chúng tôi đang khuyến khích hội viên nhân rộng mô hình...".
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ