Mô hình kinh tế Nuôi Tằm Giúp Nông Dân Xã Ân Hảo Đông Xóa Nghèo

Nuôi Tằm Giúp Nông Dân Xã Ân Hảo Đông Xóa Nghèo

Ngày đăng 03/05/2014

Ông Bùi Thanh Sỹ, thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân, Bình Định) cho biết: Ngoài làm ruộng, gia đình ông còn trồng 3 sào dâu để lấy lá nuôi tằm. Mỗi tháng cho ra 3 hộp kén, mỗi hộp 40 kg, mỗi tháng lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có hộ ông Nguyễn Đình Mười, Nguyễn Đang ở thôn Phước Bình; ông Nguyễn Hồng Văn ở thôn Hội Trung; chị Võ Thị Tâm ở thôn Diêu Tường; Bành Thị Khương ở thôn Thạch Long 1… đều có cuộc sống khá giả nhờ trồng dâu nuôi tằm.

Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông Nguyễn Duy Nghĩa phấn khởi nói: Những năm trước, nghề trồng dâu nuôi tằm bị lãng quên nhưng giờ đây đang được phát triển mạnh. Nhờ có giống mới, nắm bắt tốt kỹ thuật trồng dâu và chăm sóc tằm, cộng với giá cả khá cao nên diện tích trồng dâu của xã đã tăng lên 120ha.

Diện tích này tăng đần từ 20 - 30ha/năm, nhờ quy hoạch vùng đất bãi ven sông và chuyển đổi một số diện tích ruộng ven sông, suối bị sa bồi thủy phá. Trồng dâu nuôi tằm đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho trên 200 lao động và trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Muốn nuôi tằm được hiệu quả cao thì mỗi hộ dân phải trồng ít nhất là 2 sào dâu. Với chu kỳ từ trứng tạo thành kén mất hết 20 ngày, thì mỗi tháng chỉ cần 2 lao động nữ là đã sản xuất bình quân được 1,5 hộp kén, mỗi hộp kén đạt từ 35-40kg, Lợi nhuận thu về mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng.

Mặt khác, UBND xã cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi hết 100% diện tích sản xuất lúa sang 2 vụ/năm, đạt năng suất bình quân gần 70 tạ/ha; khuyến khích phát triển các loại cây trồng cạn khác như ngô, đậu nành, lạc và chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với kinh tế vườn, rừng.

Nhờ đó mà nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ bà Đào Thị Thức, thôn Cảm Đức; Nguyễn Hồng Sen thôn Phước Bình… Góp phần đưa mức thu nhập bình quân tăng lên 16 triệu đồng/năm/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hiện còn 10,69%.

Việc chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân đã dần khấm khá. Nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang, mọi nhà đều sắm đủ các phương tiện phục vụ đời sống và sản xuất.

Nói về xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hữu Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế nói: Mặc dù mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở Ân Hảo Đông còn đến năm 2020 nhưng không vì thế mà chúng tôi lơ là. Hiện toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn nỗ lực không ngừng để đạt được 12 tiêu chí trong năm nay và phấn đấu sẽ về đích trước thời hạn là 3 năm (năm 2017).

Tuy nhiên, khó khăn nhất là do thời gian xây dựng khá lâu nên đa số đường bê tông nông thôn đang bị xuống cấp, một số tuyến còn thiếu kinh phí để bê tông hóa. Vì vậy, trong thời gian đến xã sẽ tiếp tục vận động bà con Nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương thủy lợi…


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-ga-dong-tao-o-dien-khanh-khanh-hoa Mô Hình Nuôi Gà Đông… tom-xuat-khau-bi-canh-bao-ve-du-luong-khang-sinh Tôm Xuất Khẩu Bị Cảnh…