Nuôi thủy sản ở Tường Phong, mỗi hộ thu cả trăm triệu đồng mỗi năm
Với diện tích mặt hồ thuận lợi, xã Tường Phong, huyện Phù Yên, Sơn La vận động bà con khai thác hơn 300 ha mặt nước để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Xã Tường Phong đã vận động bà con khai thác hơn 300 ha mặt nước để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản
Xã Tường Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nằm ở ven sông Đà là nơi có dòng suối Tấc đổ ra sông, nên nước rất trong và ổn định. Tận dụng lợi thế này, bà con nơi đây đã đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và địa phương này hiện đã trở thành một trong những xã tiêu biểu nhất của huyện Phù Yên trong việc phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Tháng 10/2015, hợp tác xã thủy sản Tường Phong được thành lập, với 102 hội viên. Ngay sau khi thành lập, các hội viên đã tự bỏ vốn đầu tư từ 10 - 15 triệu để mua lồng cá, mua con giống, thức ăn cho cá... Đồng thời, tự tìm tòi, học hỏi và thường xuyên trao đổi cách thức nuôi cá lồng cho hiệu quả. Các thành viên cũng được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ đàn cá....
Nhờ vậy, nghề nuôi cá lồng đã được bà con ở đây phát huy hiệu quả, doanh thu bình quân đã đạt 50 triệu đồng/lồng cá/năm. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Anh Hà Văn Mạnh, bản Hạ Lương, xã Tường Phong, thành viên hợp tác xã chia sẻ: Trước đây, gia đình anh cũng chủ yếu chỉ trồng ngô và sắn, vừa vất vả mà thu nhập thấp. Khi được xã tuyên truyền vận động, năm 2016, gia đình anh quyết tâm đầu tư 2 lồng nuôi cá. Được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm và đến nay gia đình đã có 4 lồng cá, với các loại cá chủ yếu là trắm, cá lăng, cá rô…
Ngoài tự học tập, anh còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, phòng bệnh cho cá, nên đàn cá nuôi của gia đình ngày càng phát triển và ổn định, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Nuôi thủy sản ở Tường Phong giúp mỗi hộ thu cả trăm triệu đồng/năm
Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, 3 năm lại đây, Đảng ủy xã Tường Phong đã đưa các chỉ tiêu nuôi cá lồng vào trong nghị quyết của nhiệm kỳ và nghị quyết hằng năm; Chỉ đạo chính quyền địa phương đề ra các giải pháp cụ thể; giúp chi bộ các bản định hướng, hỗ trợ nhân dân duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ... Nhờ vậy, không chỉ nâng cao về chất lượng, mà số lượng lồng cá và diện tích nuôi trồng thủy sản ở xã cũng tăng nhanh chóng.
Đến nay, toàn xã đã có 10 ha nuôi trồng thủy sản, với 351 lồng cá; sản lượng đàn cá nuôi tăng theo từng năm, riêng năm 2018 đạt trên 100 tấn cá. Trong năm 2019, xã phấn đấu sẽ phát triển thêm 50 lồng cá.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở Tường Phong hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: nguy cơ lồng cá bị cuốn trôi trong mùa mưa lũ cao; thường xuyên phải di chuyển lồng cá trong mùa nước rút; cá mắc cạn, sặc bùn gây chết cá...
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã còn đang gặp trở ngại về nguồn cá giống. Vì vậy, để nghề nuôi cá lồng được mở rộng và phát triển ổn định, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây mong muốn các cấp, ngành chức năng có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là trong việc kiểm định nguồn gốc, chất lượng con giống; có kế hoạch xây dựng lò ươm con giống tại địa phương để các hộ nuôi trồng có nguồn tin cậy nhập giống về nuôi trồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ