Tin thủy sản Nuôi tích hợp tôm thẻ chân trắng và cá rô phi trong hệ thống biofloc

Nuôi tích hợp tôm thẻ chân trắng và cá rô phi trong hệ thống biofloc

Tác giả Nguyễn An (Tổng hợp), ngày đăng 25/09/2021

Theo kết quả một số nghiên cứu, tôm thẻ chân trắng và cá rô phi được nuôi tích hợp trong hệ thống biofloc là một mô hình bền vững và đem lại năng suất cao. Tôm đạt kích cỡ lớn, tỷ lệ sống ổn định, năng suất cao; bên cạnh đó còn thu được cá rô phi thương phẩm.

Nguyên lý

Công nghệ Biofloc (BFT) hiện là công nghệ hàng đầu góp phần tăng cường sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Mô hình này nuôi tôm ở mật độ cao với sự hạn chế thay nước tối thiểu, hoặc không thay nước, điều này làm giảm đáng kể nguồn nước để sản xuất ra sản phẩm so các hệ thống bán thâm canh. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng nuôi tôm trong hệ thống BFT có thể gặp một số trở ngại, đặc biệt là nồng độ chất rắn được tạo ra cao. Sự tích tụ quá mức của chất rắn lơ lửng trong nước có thể làm giảm sự phát triển của tôm và do đó các chất thải rắn này cần phải được loại bỏ khỏi hệ thống. Tuy nhiên, các chất rắn được loại bỏ là những chất thải giàu nitơ và phốt pho… nếu không tận dụng nó sẽ gây sự lãng phí cũng như sự ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục vấn đề trên, công nghệ BFT cho phép lắp đặt hệ thống NTTS đa dinh dưỡng (IMTA) tích hợp trong đó chất thải của một sinh vật được sử dụng làm thức ăn cho sinh vật khác. Nói cách khác, cá được sử dụng để tiêu thụ chất rắn lơ lửng và chất hữu cơ tích lũy trong quá trình nuôi tôm. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển tốt hơn của tôm thẻ chân trắng được nuôi trong hệ thống BFT. Tuy nhiên, việc lựa chọn đúng loài để nuôi chung và xem xét điều kiện nuôi rất quan trọng để duy trì chất lượng nước cũng như sản lượng các loài nuôi.

Lựa chọn loài nuôi

Yếu tố cơ bản trong việc thiết kế hệ thống BFT là loài thủy sản sẽ được nuôi trong hệ thống này. Hệ thống BFT hoạt động tốt nhất đối với những loài có thể sử dụng trực tiếp biofloc như nguồn dinh dưỡng từ các hạt biofloc. Hệ thống BFT cũng phù hợp nhất đối với những loài có khả năng chịu đựng hàm lượng chất rắn lơ lửng cao trong nước và điều kiện môi trường xấu. Vì vậy, các loài như tôm và cá rô phi có những đặc điểm sinh lý học phù hợp cho phép chúng tiêu hóa protein từ vi khuẩn và sử dụng các hạt biofloc như là một nguồn thức ăn.

Hệ thống tích hợp

Một nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã được thực hiện nhằm xác định mật độ tôm thẻ chân trắng thích hợp trong mô hình nuôi ghép với cá rô phi kết hợp với biofloc. Thí nghiệm được bố ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức với mật độ tôm thẻ chân trắng khác nhau: 150; 200; 250 và 300 con/m3; cá rô phi được nuôi ghép ở tất cả nghiệm thức với mật độ 4 con/m3. Kết hợp với ứng dụng quy trình biofloc (bón bột gạo để cân bằng tỷ lệ C:N = 15:1); mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể thí nghiệm có thể tích 2 m3/bể với mức nước bố trí là 1,5 m3, độ mặn nước 15‰. Tôm thẻ chân trắng có kích cỡ ban đầu là 0,82 cm (0,006 g/con); cá rô phi có chiều dài từ 5,31 – 5,59 cm và khối lượng 0,18 – 0,24 g/con. Cá được bố trí trong lồng lưới đường kính 0,4 m; cao 0,5 m; mắt lưới 1 cm và cá được bố trí chung trong bể và cùng thời gian với tôm. Thời gian thí nghiệm là 60 ngày.

Tôm thẻ chân trắng được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn có 40 – 42% đạm, lượng thức ăn dao động từ 10 – 15% khối lượng thân/ngày và cá rô phi được cho ăn 5% khối lượng thân/ngày. Trong suốt quá trình nuôi không thay nước, xiphong đáy định  kỳ 15 ngày/lần, kiểm tra và duy trì hàm lượng kiềm trong khoảng 130 – 140 mg CaCO3/l

Định kỳ bón bột gạo 4 ngày/lần, lượng bột gạo bón vào bể nuôi được tính theo lượng thức ăn cho tôm và cá rô phi ăn, lượng bột gạo dao động từ 46 – 50,8% tổng lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C:N = 15:1 (Avnimelech, 1999). Trước khi bón, bột gạo khuấy đều với nước 40 độ C theo tỷ lệ 1 bột gạo: 3 nước và được ủ kín trong 48 giờ.

Tăng trưởng của tôm và cá được xác định 30 ngày/lần. Thu ngẫu nhiên 10 con tôm/bể và thu toàn bộ cá có trong bể ương (6 con/bể). Sau đó cân khối lượng, đo chiều dài chuẩn của tôm và cá. Tỷ lệ sống của tôm và cá được xác định sau 60 ngày nuôi.

Kết quả

Kết quả thí nghiệm cho thấy, tôm thẻ chân trắng nuôi ở mật độ 150 và 200 con/m3 cho kết quả tốt, khối lượng trung bình lần lượt là 6,76; 5,97 g/con và có tốc độ tăng trưởng về khối lượng nhanh, tỷ lệ sống cao, FCR thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức ở mật độ 250 và 300 con/m3

Nuôi tích hợp là hệ thống sản xuất có hai hay nhiều loài thủy sản trong cùng một vùng nước. Kỹ thuật này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Nuôi cá và tôm có thể cải thiện sự cân bằng sinh thái của ao bằng cách giúp ngăn chặn tảo nở hoa ồ ạt, giảm tác động tiềm ẩn đối với môi trường. 


Có thể bạn quan tâm

anh-huong-cua-mat-do-tha-den-su-nhiem-benh-virus-tren-tom Ảnh hưởng của mật độ… oxit-kem-hoat-tinh-giam-ty-le-chet-do-virus-dom-trang Oxit kẽm hoạt tính giảm…