Tin thủy sản Nuôi tôm công nghệ cao ở Mỹ Thành: Năng suất tăng gấp 10 lần

Nuôi tôm công nghệ cao ở Mỹ Thành: Năng suất tăng gấp 10 lần

Tác giả Phạm Tiến Sỹ, ngày đăng 30/07/2018

Năng suất đạt 30-40 tấn/ha, cao gấp 10 lần năng suất tôm thẻ chân trắng người dân đầu tư nuôi thâm canh trên cùng diện tích. Ðó là kết quả của việc nuôi tôm trong nhà kính, áp dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Kiểm tra chất lượng tôm trước khi thu hoạch.

Năng suất gấp 10 lần

Hiện, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc đầu tư tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đang mùa thu hoạch lứa tôm nuôi đầu tiên. Nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh quy hoạch tại Mỹ Thành, đến nay, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao 116 ha của Tập đoàn Việt - Úc  đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng xong 2 nhà màng, mỗi nhà 14 ao nuôi, trong đó 6 ao nuôi (diện tích 500 m2 mặt nước/ao) được sử dụng nuôi tôm.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng quản lý Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (trực thuộc Tập đoàn Việt - Úc), ứng dụng công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn trong sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Tất cả các ao nuôi tôm trong khu phức hợp tại Mỹ Thành đều được áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Israel, đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa mức cao nhất. Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tập đoàn cũng đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể thả tôm giống mật độ dày từ 200 - 500 con/m2 mặt nước và nuôi 3 vụ/năm. Riêng thu hoạch lứa tôm giống đầu tiên thả nuôi cho năng suất bình quân 30-40 tấn/ha, cao gấp 10 lần năng suất tôm thẻ chân trắng mà nông dân trong tỉnh nuôi thâm canh. Sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi”, ông Thảo cho biết.

Còn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) cho rằng, Tập đoàn Việt - Úc đã đảm bảo các tiêu chí của khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm. “Đặc biệt, Tập đoàn không dùng nước ngọt ngầm để điều chỉnh độ mặn trong hệ thống ao nuôi tôm và xử lý tốt chất thải trong quá trình sản xuất, nên không ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của người dân, đảm bảo môi trường sinh thái. Đó là sự khác biệt với quy trình đầu tư nuôi tôm hiện nay mà nhiều DN và người dân đang áp dụng”, ông Tâm nói thêm.

Sẽ mở rộng

Thông tin từ Tập đoàn Việt - Úc cho hay, cuối tháng 7.2018 sẽ đưa vào sử dụng nhà màng thứ 2 và tiếp tục san ủi mặt bằng đầu tư xây dựng thêm 6 nhà màng khác, cùng với hệ thống hố ga, các ao chứa lắng nước đầu vào và ao xử lý chất thải. DN này cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho tôm và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Trong mục tiêu, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành sau khi hoàn thiện mỗi năm sẽ sản xuất trên 8.400 tấn tôm thương phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Với quy trình sản xuất, chế biến khép kín hiện đại, khi xuất khẩu, sản phẩm không lo ngại các rào cản kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường “khó tính” như châu Âu, Nhật, Mỹ...; tăng sức cạnh tranh, cụ thể hóa khát vọng “nâng tầm tôm Việt” của Tập đoàn. Quá trình thực hiện dự án, chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh nhân rộng quy trình sản xuất tôm thương phẩm chất lượng cao quy mô nhỏ ra hộ dân, DN và thu mua để chế biến xuất khẩu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc chia sẻ.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, định hướng của tỉnh là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

“Với khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành, tỉnh ta kỳ vọng khi hoàn thiện đi vào hoạt động sẽ kích hoạt lĩnh vực nuôi tôm phát triển bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN nói chung, Tập đoàn Việt - Úc nói riêng đầu tư phát triển tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao”. Ông PHAN TRỌNG HỔ


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-dua-lai-cao Nuôi cá dứa lãi cao nuoi-tom-xuat-khau-sang-thi-truong-kho-tinh Nuôi tôm xuất khẩu sang…