Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham

Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham

Ngày đăng 01/12/2011

Sinh ra, lớn lên ở vùng biển nên từ nhỏ Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên), đã quen với sông nước vịnh, đầm nơi đây. Đến khi lập gia đình, anh vào nghề nuôi tôm hùm làm kế mưu sinh và trở thành đại gia tôm hùm.

Năm 1996, khi lập gia đình, Nguyễn Thành Nhơn theo bà con trong thôn nhờ nuôi 11 con tôm hùm và đã thu được kết quả rất tốt. Ngay sau đó, anh cùng ba anh em trong nhà hùn vốn làm lồng thả nuôi được 800 con. Hàng ngày, bốn anh em thay phiên nhau dùng lưới rung đánh bắt cá để làm thức ăn cho tôm. Qua 18 tháng nuôi, thu hoạch chia lãi mỗi người được 80 triệu đồng.

Với nguồn vốn đó, anh Nhơn vay mượn thêm bạn bè, đầu tư nuôi được 57 lồng với gần 3.400 con. Tôm phát triển rất tốt, lớn nhanh, niềm vui của hai vợ chồng chưa kịp mừng thì rạng sáng 27/9/2001, cơn bão số 8 ập vào đánh vỡ các lồng nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài, vợ chồng anh Nhơn lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. “Sáng hôm ấy ra đầm nhìn thấy các lồng tôm bị sóng đánh rách, tôi chỉ biết kêu trời. Nhưng động lực lớn nhất lúc ấy là mấy đứa con nên mình tự trấn an phải làm lại từ đầu. Từ đó, tôi bắt đầu làm thợ tiện, thợ sửa máy nổ để kiếm sống nuôi con” - anh Nhơn kể lại.

Làm việc trên bờ được 4 năm, kiếm được chút vốn, năm 2005 anh Nhơn trở lại nuôi tôm hùm. Anh tiếp tục mượn bạn bè, người thân, vay vốn từ ngân hàng đầu tư thả nuôi được 17 lồng tôm hùm tại đầm Phú Mỹ, xã Xuân Phương. Năm 2006 xuất bán tôm, anh lãi 200 triệu đồng. Có tiền trả bớt nợ, phần còn lại anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm. Năm 2007, tôm hùm giống giá rẻ, anh nuôi 9.000 con. Khi thu hoạch, tôm hùm được giá, anh lãi ròng 2,2 tỉ đồng.

Lúc này anh không chỉ trả hết nợ mà còn có tiền mua sắm tiện nghi trong gia đình, có điều kiện cho các con ăn học. Anh Nhơn cho biết, thấy nuôi tôm hùm có lãi, nhiều người đổ xô đầu tư nuôi càng làm cho tôm giống ngày càng đắt đỏ, vì vậy năm 2009, anh chỉ nuôi được 5.000 con tôm giống và vừa rồi thu hoạch cũng lãi 1,5 tỉ đồng.

Anh Nhơn truyền đạt kinh nghiệm: “Để con tôm phát triển tốt, mỗi ngày tôi phải lặn xuống đáy lồng để kiểm tra thức ăn. Nếu tôm ăn thiếu thì phải cho ăn thêm còn nếu thừa thì phải vệ sinh đáy lồng sạch sẽ. Đặc biệt, để tôm không bị ô nhiễm nguồn nước vào mùa mưa lũ, tôi thả lồng sâu dưới 8m, bình thường mực nước trung bình là 7m thì mới an toàn cao, bởi con tôm hùm thích nghi được độ mặn nên thả càng sâu càng tốt”.


Có thể bạn quan tâm

ngu-coc-dong-loat-tang-gia Ngũ Cốc Đồng Loạt Tăng… cua-bien-nam-can-xay-dung-thuong-hieu Cua Biển Năm Căn Xây…