Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Khoẻ Mô Hình Hiệu Quả Cần Nhân Rộng

Nuôi Tôm Khoẻ Mô Hình Hiệu Quả Cần Nhân Rộng

Ngày đăng 06/10/2014

“Nuôi tôm khoẻ” là cách nuôi mới của người dân nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trong tỉnh Cà Mau. Mô hình này đang mang lại hiệu quả cao.

Ðể vụ nuôi thành công và cho thu nhập cao, ít rủi ro là cách làm không phải người nuôi tôm nào cũng nhận thấy và kiên trì thực hiện khi chịu nhiều áp lực về giá, lợi nhuận và một phần quá tự tin vào trình độ của mình.

Trong khi đó, các yếu tố con giống, thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến môi trường nuôi luôn biến động; các công trình hạ tầng phục vụ NTCN hiện đang thiếu và yếu, nhất là điện… thì người NTCN nuôi ở mật độ dày (80 - 200 con/mét vuông) khó có thể đạt được hiệu quả như mong đợi.

Quy trình nuôi mới

Chứng minh nuôi tôm khoẻ là hiệu quả nhất cho mô hình NTCN hiện nay, nhưng ông Lê Thành Lợi, ấp Chống Vàm, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân cũng xác định hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm chưa bảo đảm, nhất là điện để chạy quạt cung cấp ôxy cho tôm nuôi.

Ðây là yếu tố chủ công quyết định thành bại, nhưng bên cạnh còn lưu ý về mật độ nuôi, trình độ và năng lực quản lý môi trường ao nuôi và nuôi tôm ở kích cỡ lớn (30 - 40 con/m2)… Vì thế, việc nuôi tôm ở mật độ thưa sẽ đáp ứng được yêu cầu trên và mang về lợi nhuận cao, bền vững.

Ông Lê Thành Lợi cho biết: “Hiện nay anh em trong ấp đang áp dụng quy trình nuôi thưa và gọi đó là nuôi tôm khoẻ. Bởi thả ở mật độ này thì khoẻ nhiều khâu như: khoẻ chăm sóc, khoẻ chi phí cho vụ nuôi, nhất là thuốc hoá chất xử lý môi trường, có thể tiết kiệm được từ 10 - 12 triệu đồng/vụ nuôi; tôm lớn khoẻ; lợi nhuận cao do nuôi tôm đạt cỡ lớn. Từ đó, trên 70% anh em áp dụng mô hình này đều thành công và nuôi tôm đạt trọng lượng từ 30 - 45 con/kg, số còn lại cũng hoàn vốn”.

Theo ông Lợi, một số hộ nuôi thất bại do kỹ thuật còn yếu, mới bước vào thực hiện mô hình NTCN thả nuôi với mật độ dày. Khi điện yếu, ôxy không đủ cung cấp cho nhu cầu của tôm nuôi nên dẫn đến sức đề kháng tôm yếu, cùng với kinh nghiệm nuôi chưa nhiều thì dẫn đến thất bại là tất yếu. Theo đó, nguồn vốn yếu, đại lý vật tư thuỷ sản hỗ trợ có điều kiện và giới hạn dẫn đến đuối sức giữa chừng…

Nhờ thực hiện theo mô hình nuôi thưa nên nhu cầu ôxy không cao, từ đó giải quyết được bài toán thiếu điện hay điện yếu. Vì thế, tình trạng thu hoạch sớm do thiếu điện không còn như trước đây. “Người nuôi tôm càng hiểu hơn nguyên nhân thất bại và thấy được mô hình nuôi tôm ở mật độ thưa không những thành công, có lợi, tất cả các khâu nuôi đều khoẻ mà tình trạng lo lắng về điện, môi trường biến động, áp lực dịch bệnh giảm đi.

Từ đó, bà con nuôi tôm trên địa bàn xã hiện nay luôn truyền nhau kinh nghiệm và cho rằng “nuôi tôm khoẻ” nên “tim” cũng khoẻ…”, Kỹ sư Quách Công Luận, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, cho biết.

Cần nhân rộng mô hình

Khi thực hiện nuôi theo loại hình này, người nuôi tôm càng hiểu rõ hơn về tính hiệu quả cũng như lợi nhuận mà mô hình mang lại. Càng khẳng định hơn khi được so sánh rút kinh nghiệm giữa 2 cách nuôi dày và nuôi thưa.

Ông Lê Thành Lợi cho biết thêm: “3 vụ nuôi ở mật độ 50 con/m2 đều thành công trên 2 ao nuôi, cho lãi mỗi vụ trên 600 triệu đồng. Từ 2 cách nuôi này, anh em trong ấp nhận định nuôi thưa hiệu quả và đang nhân rộng”.

Thắng đậm từ vụ nuôi đầu tay, được anh em hướng dẫn kỹ thuật, nuôi mật độ 50 con/m2, số lượng 90.000 post thẻ cho ao có diện tích 1.600 m2, sau 3 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 38 con/kg, tổng thu 2,1 tấn, giá bán 180.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông Trương Công Phương, cựu thanh niên xung phong ấp Chống Vàm, xã Phú Thuận lãi trên 190 triệu đồng. Ông phấn khởi: “Nhờ anh em hướng dẫn kỹ thuật nuôi thưa nên bớt lo hơn. Qua vụ nuôi này tôi đã có thêm kinh nghiệm và nhận thấy lợi nhuận từ cách nuôi này cao hơn nuôi ở mật độ dày, nhưng khoẻ chi phí, công chăm sóc… Tôi sẽ tiếp tục mô hình này cho các vụ nuôi tiếp theo”.

Cũng thành công từ mô hình này, ông Trần Văn Việt, ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, khẳng định: “Trước tình hình dịch bệnh và thời tiết như hiện nay thì chúng ta phải nuôi tôm ở mật độ thưa. Cùng với việc kết hợp thả cá phi trong ao lắng để trao đổi, cấp nước cho ao nuôi thì mô hình này càng mang tính bền vững hơn, hiệu quả cao hơn. Người NTCN vẫn tin tưởng sống được từ mô hình NTCN”.

Mô hình nuôi tôm ở mật độ thưa mà nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng thành công là một cách làm mới giúp bà con có lợi nhuận cao, giảm được nhiều áp lực về điện phục vụ cho nhu cầu nuôi, giảm ô nhiễm môi trường vùng nuôi.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-luan-canh-ca-va-hoa-mau-nhieu-trien-vong Mô Hình Luân Canh Cá… hong-gion-da-lat-gia-re-tran-xuong-duong Hồng Giòn Đà Lạt Giá…