Tôm thẻ chân trắng Nuôi Tôm Nước Lợ Bằng Công Nghệ Nước Xanh

Nuôi Tôm Nước Lợ Bằng Công Nghệ Nước Xanh

Ngày đăng 28/04/2014

Những mô hình nuôi kết hợp cá và tôm nước lợ có tên là "mô hình nuôi nước xanh" đã được thực hành trong 15 năm qua tại Philippin - nơi mà đa số người nuôi tôm áp dụng mô hình nuôi quảng canh, đa đối tượng (như: nuôi kết hợp tôm với cá măng, cua với cá rô phi).

Mô hình nước xanh đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của người nuôi với mục đích giảm thiểu tỉ lệ hao hụt của tôm. Trong mô hình này, tôm có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước của ao nuôi cá. Đặc điểm quan trọng của mô hình nằm ở chỗ chất thải của cá là nguồn dinh dưỡng cần thiết, thúc đẩy sự phát triển thực vật phù du.

Các loài tảo lục như Nannochloropsis sp. và Chlorella sp. thường chiếm ưu thế, nên mô hình được gọi là nước xanh (greenwater systems).

Hầu hết người nuôi tôm tại Philippin rất ngại chia nhỏ các ao (có diện tích lớn) thành các ao có diện tích nhỏ hơn, và họ cũng không muốn sử dụng ao chỉ để nuôi cá. Vì vậy, xu hướng nuôi quảng canh, đa đối tượng trở nên phổ biến.

Ban đầu, mô hình nuôi nước xanh được thực hiện nhằm phòng hoặc kiểm soát bệnh do vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi gây ra và có thể được triển khai dưới hai hình thức: 1-Tôm và cá được nuôi ở các ao riêng biệt, nước để nuôi tôm được lấy từ ao nuôi cá. 2-Tôm và cá được nuôi trong cùng một ao, nhưng cá được quây trong lưới, còn tôm được thả ngoài ao.

Từ khi vi rút gây bệnh đốm trắng xuất hiện, đôi khi người nuôi còn thêm vào hệ thống một ao nuôi cá dữ với hy vọng là cá dữ sẽ tiêu diệt vật chủ trung gian có mang vi rút gây bệnh đốm trắng (như cua hoặc giun nhiều tơ).

Đã có rất nhiều thí nghiệm cho thấy sự hiện diện của tảo lục trong hệ thống nuôi giúp giảm tỉ lệ chết của tôm. Thí nghiệm đã chứng minh tôm (đã cảm nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng) có tỉ lệ sống cao hơn nếu trong môi trường nuôi có tảo Chlorella so với môi trường nuôi không có loại tảo này.

Cá rô phi là đối tượng phổ biến nhất trong mô hình nuôi nước xanh. Trong các ao nuôi tôm có lồng nuôi cá rô phi, vi khuẩn ôxy hóa lưu huỳnh (SOB) và vi khuẩn ôxy hóa NO2 (NOB) sẽ đa dạng hơn trong ao nuôi tôm đơn canh.

Nhờ vậy, có thể kiểm soát tốt hơn hàm lượng NH3 và H2S. Trong một nghiên cứu khác, sự hiện diện của cá rô phi trong đăng quầng nuôi tôm giúp giảm lượng động vật phù du, chủ yếu là sinh khối của luân trùng, mà không ảnh hưởng gì đến sinh khối của giáp xác chân chèo - là một trong những loài giúp kiểm soát mật độ tảo trong hệ thống nuôi nước xanh, nhờ vậy, chất lượng nước được cải thiện.

Ngoài cá rô phi thì sự hiện diện của cá chẽm, cá hồng và cá dìa trong hệ thống nuôi tôm đã được xác nhận là có thể giúp làm giảm lượng vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi, nhiều khả năng là do tác dụng của dịch nhầy trên thân cá hoặc phân cá. Dịch nhầy trên thân cá cũng có thể cải thiện chất lượng nước.

Dịch nhầy của cá mối thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn nitrat và phản ứng nitrat (có khả năng phát triển trong điều kiện có ôxy). Một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh hooc môn tăng trưởng của cá rô phi sẽ kích thích tăng trưởng của tôm postlarvae bằng cách tương tác với protein có chức năng tiếp nhận hooc môn tăng trưởng ở postlarvae.

Với các lợi ích như trên, mô hình nuôi nước xanh cần tiếp tục được phát triển, mở rộng, tích cực áp dụng tại các quốc gia có nghề nuôi tôm. Ở Philippin, người nuôi thường đặt lồng cá vào các ao nuôi tôm, và chưa có đánh giá so sánh giữa hai cách nuôi kết hợp và nuôi riêng biệt tôm-cá, cách nào đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, cho dù áp dụng cách nuôi nào thì công nghệ nước xanh vẫn là giải pháp tốt khi tiến hành nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

cai-tao-ao-nuoi-an-toan Cải Tạo Ao Nuôi An… mot-so-quan-sat-va-nghi-van-ve-hoi-chung-chet-som-o-tom-nuoi Một Số Quan Sát Và…