Nuôi tôm ở cuối sông Hậu
Huyện Long Phú nằm bên bờ sông Hậu ở gần cửa biển, mở ra nghề nuôi tôm muộn hơn một số huyện khác của tỉnh Sóc Trăng. Dịp cuối năm này, không khí rộn ràng việc chuyển từ chuyên canh lúa, mía sang nuôi tôm.
Trong ảnh: Ông Trần Văn Cấp bên ao tôm “tính lại theo khả năng”
Thành và bại
Ông Dương Thành Cận ở ấp 2, thị trấn Long Phú, đã trở thành tỷ phú trong vùng khi tuổi đời mới 37. Tính tình bộc trực, thẳng thắn và không giấu nghề, ông tâm sự: Làm giàu bằng nghề nuôi tôm tuy không dễ nhưng cũng không phải là chuyện quá khó. Quan trọng là phải mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng trừ dịch bệnh cho con tôm; đồng thời, sử dụng nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng từ nhà cung cấp uy tín. Ông Cận đặc biệt tâm đắc với kỹ thuật nuôi tôm trong vèo, khi mua tôm giống về, không thả ngay vào ao lớn mà thả vào bao lưới một góc nhỏ trong ao. Khi tôm phát triển mới mở lưới ra cho vào ao. Cách làm này, người nuôi theo dõi được tôm giống chặt chẽ, phòng tránh rủi ro, tiết kiệm chi phí.
Trưởng trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Long phú, ông Nguyễn Hữu Hùng, cho biết, ông Cận là người đầu tiên ở đây áp dụng kỹ thuật nuôi tôm trong vèo, được bà con địa phương áp dụng đạt hiệu quả cao. Ông Cận đang nuôi tôm thẻ chân trắng 4 ao, rộng trên 2 ha mặt nước, hàng năm cho lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.
Đó cũng là bài học thất bại của ông Trần Văn Cấp, ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú. Trước đây, với 4 công đất trồng mía, cuộc sống gia đình ông khá ổn định. Thấy bà con xung quanh nuôi tôm trở nên khá giả, ông gom hết vốn liếng và vay mượn thêm để đào ao, còn thuê thêm 6.000 m2 đất ở Cù lao Dung bên kia bờ sông Hậu để nuôi tôm thẻ chân trắng. Mặc dù ông và người con trai lớn ngày đêm bám trụ chăm sóc cho con tôm nhưng 2 vụ liên tiếp vừa qua, thất bại do tôm chậm lớn và hao hụt cao vì dịch bệnh. Có ao ông đầu tư trên 200 triệu đồng, chỉ thu hoạch được khoảng 200 kg tôm xô, bán giá 30.000 đồng/kg. Gần như mất trắng, ông ôm sổ đỏ ra ngân hàng định thế chấp vay vốn đánh “canh bạc tôm” cuối cùng với số phận nhưng ngân hàng từ chối, chỉ cho vay với hạn mức người trồng lúa. Nay ông tính lại, nuôi theo khả năng để từ từ thực hiện giấc mơ đổi đời với con tôm.
Hướng hợp tác
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, ông Nguyễn Thành Hồng cho biết, diện tích mặt nước thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong năm 2016 của Long Phú hơn 344 ha với 314 hộ nuôi, tăng gần 10 ha so cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, đã có gần 40 ha của 42 hộ nuôi bị mất trắng. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, ngoài yếu tố thời tiết bất thường, môi trường thay đổi đột ngột khiến tôm bị sốc còn có nguyên nhân dịch bệnh gan tụy, đốm trắng. Theo ông Hồng, huyện chỉ hỗ trợ người nuôi tôm bằng cách khuyến cáo dùng thuốc đúng cách chứ chưa thật sự song hành cùng người dân vì thiếu cả kinh phí lẫn nhân sự.
Một vấn đề đặt ra, diện tích nuôi tôm mở ra theo kiểu tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch nên rủi ro cao. Bên cạnh những hộ đổi đời nhờ con tôm vẫn còn không ít người nợ nần, thậm chí phá sản khi những ao tôm họ dồn vốn vào cho giấc mơ đổi đời bị chết trắng. Nông dân Dương Thanh Dũng còn cho rằng, nuôi tôm không dành cho người nghèo, ít vốn bởi rủi ro cao. Bởi, phải có vốn để lỡ thua vụ này, còn đủ sức nuôi vụ khác hoặc thậm chí kiếm hướng phát triển khác, ăn chắc mặc bền hơn.
>>Ông Nguyễn Thành Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú cho biết, để khắc phục những hạn chế hiện nay, huyện xây dựng đề án thành lập hợp tác xã nuôi tôm và đã được trên chấp nhận, đưa vào triển khai. Khi ấy, người nuôi tôm trong huyện sẽ nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, kỹ thuật và đặc biệt là sản phẩm đầu ra sẽ bán với giá có lợi cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ