Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Dễ Mà Khó

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Dễ Mà Khó

Ngày đăng 23/02/2014

Theo tính toán của ngành chuyên môn, để đầu tư cho một héc-ta nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nông dân phải đầu tư các khoản như: cải tạo ao đầm, men vi sinh, tiền con giống, thức ăn bổ sung, tương đương 12 triệu đồng/vụ. Quả thật đây là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình.

Có thể nói, nghề nuôi tôm là siêu lợi nhuận, nhưng cũng lắm rủi ro. Nhiều bà con nông dân cho rằng, nếu áp dụng đúng theo quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến được học tại hiện trường thì khả năng thành công rất cao, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn.

Không ít nông dân dù được trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng họ vẫn quay lại làm theo tập quán canh tác cũ, vì họ sợ rủi ro, vì vốn đầu tư lớn. Rõ ràng, đồng vốn, con giống và khoa học kỹ thuật luôn phải được trang bị một cách đồng bộ thì người nông dân mới có thể từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giảng - Trưởng Phòng Nông nghiệp thủy sản và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước có ý kiến: Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về sản xuất theo hướng bền vững. Có nghĩa là, áp dụng theo tiến bộ khoa học kỹ thuật mà các ngành chuyên môn khuyến cáo. Làm thế nào để sản xuất ra con tôm sạch, bán với giá tương đối cao mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương và chính quyền ở cơ sở phải làm tốt công tác vận động. Thứ hai, ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự tham gia tích cực, hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi trồng.

Bởi hiện nay mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng kết hợp với mô hình đa cây đa con. Thứ ba, tổ chức lại các tổ hợp tác cũng như hợp tác xã ở cơ sở, nhất là lĩnh vực nông nghiệp thủy sản, để người dân ý thức được lợi ích của quá trình hợp tác cộng đồng cùng sản xuất, cùng tiêu thụ hàng hóa. Thứ tư là sự tham gia tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hỗ trợ người dân về vốn tái đầu tư trong thời gian sắp tới.

Sản phẩm từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến: Tôm nuôi được 3 tháng 10 ngày, trọng lượng khoảng 40con/kg

Với những giải pháp như thế, hy vọng trong thời gian tới các cấp, các ngành sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm tạo ra hướng đi mới, tích cực hơn, giúp bà con nông dân có điều kiện nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cần được nhân rộng (7/2007)

Sở Thủy sản Cà Mau phối hợp với UBND huyện Cái Nước tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao của lớp học hiện trường (AFFS) tại ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ. Tham dự có lãnh đạo Sở Thủy sản, UBND huyện Cái Nước, Phòng Nông nghiệp Thủy sản - Phát triển nông thôn Cái Nước, Tp. Cà Mau, U Minh, Phú Tân… và đông đảo bà con nông dân nuôi tôm.

Trong những năm đầu mới chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tình hình nuôi tôm có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người nuôi tôm luôn gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh hay xảy ra, nông dân chưa am hiểu nhiều về quy trình kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên tôm chết kéo dài, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận nông dân trong vùng chuyển dịch.

Sau 5 tháng, học viên được học hai mươi bài học cơ bản từ khâu thiết kế, cải tạo ao đầm, chọn con giống… cho đến bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch. Lớp học tại hiện trường này có nhiều ưu điểm hơn so với lớp tập huấn truyền thống trước đây, với phương pháp huấn luyện là luôn đặt ra nhiều câu hỏi mang tính chất gợi ý, nhằm giúp học viên phát huy tính sáng tạo, không mang tính chất giáo điều, tùy tình hình thực tế mà áp dụng sao cho hiệu quả. Lớp học tại hiện trường có một điều rất hay, là giảng viên không bao giờ làm thay cho học viên. Vì họ là nông dân, trình độ văn hóa, tuổi tác không đồng đều, khả năng tiếp thu còn nhiều hạn chế.

Chính vì thế, họ rất cần những gì thực tế, “nghe thì quên, thấy thì nhớ”. Vì vậy, học viên sẽ được học lý thuyết và thực hành ngay tại ao nuôi, giúp học viên dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu hơn.

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao của lớp học tại hiện trường được thực hiện tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bé, ấp Thị Tường A xã Hưng Mỹ huyện Cái Nước.

Với diện tích 11.400m2 mật độ nuôi 8con/m2, trong đó ao lắng chiếm diện tích 1.000m2, ao vèo tôm giống 600m2 và tôm giống được xét nghiệm trước khi thả. Tôm giống ươm trong ao vèo thời gian 15 ngày, có cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp hiệu WOOSUNG bằng phương pháp hòa nước, tạt đều khắp ao 4 lần và sau đó khui bờ cho tôm tự động di chuyển ra ao nuôi chính thức.

Tháng đầu, tôm sẽ tìm thức ăn tự nhiên, qua tháng thứ hai tiến hành cho tôm ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp hiệu NURI, lượng thức ăn từ 3-5% trọng lượng đàn tôm, sàng cho ăn đặt đều khắp ao nuôi và cho ăn ngày hai lần sáng và chiều.

Đồng thời kiểm tra các yếu tố về môi trường như: độ pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong… định kỳ 7-10-15 ngày cấy vi sinh một lần bằng chế phẩm D.EM và thường xuyên kiểm tra trạng thái bơi lội, gan tụy, phụ bộ… của tôm để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Sau 3 tháng 10 ngày tôm đạt trọng lượng khoảng 40con/kg, năng suất ước đạt 500kg, giá tại thời điểm 80 ngàn đồng sẽ có tổng thu nhập 40 triệu đồng và trừ chi phí thì hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bé có thể còn lãi gần 28 triệu đồng. Bác Đặng Văn Dọn là học viên của lớp học cho biết: “Từ mô hình thí điểm này mà chúng tôi đã nắm bắt được kỹ thuật về áp dụng ngay trên thửa ruộng nhà mình.

Đến nay, khi lớp học bế giảng, có gần mười hộ gia đình áp dụng theo mô hình này, với diện tích trung bình mỗi hộ từ 3-5 ngàn m2. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Miền, Nguyễn Văn Hà… hiện tôm đang phát triển tốt, không bao lâu nữa sẽ đem lại thu nhập đáng kể”.

Những học viên sau khi tham gia lớp học tại hiện trường, họ sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng tại địa phương, nhằm truyền đạt lại những kiến thức học hỏi được cho những nông dân chưa có điều kiện đến lớp học. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng nên tổ chức thành lập tổ sản xuất, câu lạc bộ… để tạo điều kiện cho họ trao đổi nâng cao kiến thức.

Khi người nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thành công của mô hình trên sẽ là tiền đề, để nhân rộng trong những năm tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm

sinh-san-nhan-tao-va-nuoi-thuong-pham-ca-ket Sinh Sản Nhân Tạo Và… mo-hinh-nuoi-ca-dieu-hong-xen-canh-voi-tom-su Mô Hình Nuôi Cá Điêu…