Nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi của anh Long Văn Nghĩa (Bạc Liêu) đang được nhiều hộ dân trong tỉnh áp dụng vì mang lại lợi nhuận cao.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong bể nổi của anh Nghĩa. Ảnh Phan Thanh Cường
Anh Nghĩa (ngụ P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu) cho biết từ kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm và học hỏi thêm kiến thức, năm 2011 anh mạnh dạn đầu tư gần 1,2 tỉ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn (theo công nghệ biofloc trong bể nổi).
Bể nuôi được làm bằng khung sắt tròn đặt trên mặt đất, phủ bạt và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Khu nuôi tôm được thiết kế gồm 4 bể nuôi (500 m2/bể), 2 bể ương (100 m2/bể) cùng hệ thống ao cấp, ao xử lý nước trên diện tích 2 ha. Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Ương tôm giống khoảng 30 ngày trên hồ khung sắt tròn 100 m2, mật độ 3.000 con/m2. Giai đoạn 2: Nuôi thương phẩm, chuyển sang bể nuôi có diện tích 500 m2, mật độ thả nuôi khoảng 300 con/m2. Sau 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg thì tiến hành thu hoạch.
Anh Nghĩa kiểm tra tôm nuôi trong bể nổi. Ảnh: Trần Thanh Phong
Ở vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, chỉ sau hơn 2 tháng tôm trong bể nổi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Tiến hành thu tôm 2 bể nuôi với sản lượng trên 3,5 tấn, anh Nghĩa thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Qua 4 vụ nuôi, anh đều thành công, tôm đạt năng suất và lợi nhuận cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Anh Nghĩa chia sẻ: để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong bể nổi đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Phải tìm chọn con giống sạch bệnh, đạt chất lượng cao.
Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao nuôi phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài. Nước thải trong bể nổi sau khi bơm lên hồ tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn thừa được lọc qua túi lưới. Đối với phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng có thể bơm để sử dụng cho các mục đích như bón cho cây trồng và làm biogas... Qua 2 công đoạn này nước thải được sử dụng lại cho nhiều mục đích khác nhau, hoàn toàn không thải ra môi trường xung quanh.
Theo anh Nghĩa, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đã và đang được người dân áp dụng trong khu vực ĐBSCL như nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt... thì người nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý môi trường, nhất là nhiệt độ trong ao liên tục dao động, chất thải, nguồn nước ô nhiễm nặng.
Ngoài ra, mô hình nuôi tôm bằng ao đất trải bạt, dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong môi trường ao nuôi biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm trong bể nổi có nhiều ưu điểm như: tỷ lệ sống của tôm rất cao, đạt từ 90 - 100%; tiết kiệm được lượng nước sử dụng; không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất. Ngoài ra, tại mỗi ao nuôi có lắp hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường, xiphon, từ đó kiểm soát chất lượng nước tốt hơn. Do đó, nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi hiện được các hộ nuôi tôm, các kỹ sư đánh giá là mô hình đem lại hiệu quả cao và bền vững hàng đầu hiện nay.
Hiện mô hình nuôi tôm trong bể nổi được tỉnh Bạc Liêu khuyến khích và hàng trăm người nuôi tôm siêu thâm canh trong tỉnh áp dụng nhân rộng. Một phần do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp với điều kiện và khả năng của bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ