Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Thắng Lớn Nhưng Vẫn Lo

Nuôi Tôm Thắng Lớn Nhưng Vẫn Lo

Ngày đăng 21/09/2013

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Năng suất và giá bán đều cao

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tĩnh Sóc Trăng, nếu chỉ tính diện tích thả nuôi chính vụ, đầu tháng 9-2013, nông dân thả nuôi được 40.533ha, bằng 90,1% kế hoạch. Nếu tính luôn diện tích thả nuôi khắc phục và diện tích thả nuôi sau lịch thời vụ đã đạt 97,8% kế hoạch.

Như vậy, có thể thấy, chỉ tiêu về diện tích thả nuôi vụ tôm nước lợ 2013 đã cơ bản được hoàn thành. Hiện nay, tuy tỷ lệ thiệt hại lên đến 28,8%, nhưng theo đánh giá, nhiều khả năng, sản lượng tôm nuôi cũng sẽ đạt chỉ tiêu đề ra, do sản lượng thu hoạch từ đầu vụ đến hết tuần đầu tháng 9 đã gần 41.000 tấn và diện tích tôm chưa thu hoạch hiện còn khoảng 20.000ha.

Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, nhận định: "Tình hình vụ nuôi năm nay diễn ra khá thuận lợi, năng suất thu hoạch tại các vùng nuôi đều đạt khá. Số diện tích tôm còn lại hầu hết đều vào cỡ lớn và đang phát triển rất tốt. Nếu giữ vững diện tích này đến kỳ thu hoạch, vụ tôm năm nay xem như thành công".

Ở huyện Mỹ Xuyên, năng suất tôm sú bình quân là 0,59 tấn/ha, tôm thẻ là 3,3 tấn/ha; thị xã Vĩnh Châu từ 5,7-5,8 tấn/ha đối với tôm thẻ và tôm sú là 1,5 tấn/ha; huyện Trần Đề có năng suất cao nhất với 4 tấn/ha đối với tôm sú và 10 tấn/ha đối với tôm thẻ và huyện Cù Lao Dung đạt năng suất 3,5 tấn/ha đối với tôm sú và 7 tấn/ha đối với tôm thẻ. Với bình quân năng suất trên, cùng với giá bán luôn ổn định ở mức cao từ đầu vụ đến nay, phần lớn những diện tích đã thu hoạch đều có lợi nhuận khá.

Theo ông Võ Văn Bé, dự báo của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, giá tôm nước lợ trên thế giới từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là đối với tôm sú, do một số nước nuôi tôm lớn bị giảm sản lượng vì dịch bệnh. Vì vậy, từ nay đến cuối vụ, người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến môi trường ao nuôi, để đảm bảo năng suất, hiệu quả vụ nuôi. Riêng những diện tích thả nuôi sau lịch thời vụ, rủi ro sẽ lớn hơn do điều kiện thời tiết, môi trường không còn phù hợp cho độ tuổi của tôm.

Nỗi lo "tôm thẻ"

Đối với người nuôi tôm, năng suất và giá bán cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác quản lý, bên cạnh niềm vui thành công, họ đã sớm nhận ra nỗi lo cho vụ tôm năm 2014. Ông Võ Văn Bé nhận định: "Giá tôm năm nay tốt là tín hiệu đáng mừng cho vụ nuôi. Nhưng sẽ là áp lực lớn cho vụ tôm 2014, nhất là sự tăng nhanh diện tích tôm thẻ. Theo kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, nhiều khả năng, diện tích nuôi tôm thẻ năm 2014 sẽ ngang bằng với diện tích nuôi tôm sú.

Theo người dân, tôm thẻ dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn, nhưng giá bán lại khá cao. Đây thật sự là vấn đề cần được quan tâm ngay để có sự chỉ đạo chặt chẽ từ lịch thời vụ, quản lý con giống, môi trường…". Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở, khi ngay ở vụ nuôi 2013, ngành nông nghiệp chỉ đề ra kế hoạch thả nuôi 7.000ha tôm thẻ, nhưng chỉ tính riêng diện tích thả nuôi chính vụ đã lên đến trên 13.000ha. Với đà thắng lợi của tôm thẻ ở vụ nuôi 2013, "kịch bản" diện tích tôm thẻ tăng đột biến ở vụ nuôi tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ước tính, chỉ cần diện tích tôm thẻ đạt mức 20.000ha, mật độ thả nuôi bình quân khoảng 50 con/m2, chỉ riêng nhu cầu con giống cũng đã là rất lớn. Việc khan hiếm con giống sẽ tạo cơ hội cho nguồn giống kém chất lượng len lỏi vào các vùng nuôi, nếu không quản lý tốt sẽ để lại hậu quả không nhỏ cả về kinh tế lẫn môi trường. Mặt khác, khi diện tích tôm thẻ tăng mạnh sẽ kéo theo nhiều vấn đề như: thủy lợi, điện, môi trường… không đáp ứng kịp cho những vùng nuôi, gây khó khăn thậm chí là nhiều rủi ro hơn.

Có hai kịch bản được đưa ra khi diện tích tôm thẻ đạt mức 20.000ha vào năm 2014 như phân tích của ông Võ Văn Bé: "Nếu gặp điều kiện thuận lợi, sản lượng tôm nuôi năm 2014 sẽ ước đạt khoảng 100-120 ngàn tấn (năng suất tôm thẻ bình quân 6 tấn/ha), tạo ra một áp lực lớn về tiêu thụ nếu như một số nước nuôi tôm lớn trong khu vực cũng trúng mùa, hoặc giá tôm trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Như vậy, có thể thấy, nếu kịch bản diện tích tôm thẻ đạt 50% diện tích thả nuôi toàn tỉnh, dù trúng hay thất mùa cũng để lại không ít vấn đề cần được quan tâm giải quyết như: con giống, môi trường, thủy lợi, điện… Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đánh giá lại nghề nuôi tôm sú của tỉnh để tập trung các giải pháp phát huy thế mạnh của đối tượng nuôi này tại những vùng nuôi chủ lực vì nhiều nước trên thế giới hiện gần như không còn nuôi tôm sú.

Khi những cơ sở về khả năng phát triển nuôi tôm sú được xác định, việc tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi riêng biệt, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, thủy lợi, bảo hiểm…để người nuôi có thể an tâm đầu tư cho đối tượng nuôi này, mà không chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch".


Có thể bạn quan tâm

can-co-qui-dinh-ve-nuoi-ca-tra-ai-vi-pham-se-phat Cần Có Qui Định Về… trien-khai-mo-hinh-cai-tao-dan-trau-tai-huyen-tan-lac-hoa-binh Triển Khai Mô Hình “Cải…