Nuôi tôm thành công nhờ công nghệ
Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), công nghệ càng cao tỷ lệ thành công càng lớn. Đây là đúc rút sau của ông sau những năm trải nghiệm giữa nuôi theo truyền thống và nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Với diện tích bình quân mỗi ao nuôi theo mô hình CPF-Combine Model từ 2.000 - 2.500m2, mật độ nuôi 250 con/m2 nếu thu hoạch ở thời điểm hiện tại, mỗi ao nuôi của Vinacleanfood ít gì cũng cho sản lượng trên 10 tấn. Nuôi tôm lót bạt rất ít rủi ro và hiệu quả cao
Hiệu quả cao
Anh Nguyễn Văn Tân, phụ trách quản lý trang trại nuôi tôm của Vinacleanfood dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại rộng đến 136 ha nằm cặp bờ sông Mỹ Thanh, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Trang trại được thiết kế rất khoa học và đầu tư hiện đại, gồm những dãy ao nuôi theo kiểu lót bạt truyền thống và nuôi theo mô hình CPF-Combine Model. Chỉ cho chúng tôi xem những dãy ao nuôi được che lưới lan màu xanh và màu đen, anh Tân giới thiệu: “Đây là những khu nuôi mới theo quy trình của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Riêng khu có che lưới lan màu đen có sự cải tiến thêm về hệ thống ôxy đáy nhằm tăng lượng ôxy hòa tan đáp ứng yêu cầu nuôi với mật độ cao”.
Ghé vào một trong số những ao nuôi theo mô hình CPF-Combine Model với mật độ thả 250 con/m2, chúng tôi không khỏi thích thú khi được nhìn những con tôm to lớn, khỏe mạnh, búng tanh tách trong miệng chài đường kính chỉ chừng 1 m. Cần trên tay những con tôm no tròn, anh Tân cho biết: “Ao này từ lúc thả nuôi đến nay khoảng 102 và tôm cũng đã vào cỡ khoảng 31 con/kg”. Rời khu vực ao nuôi theo mô hình CPF-Combine Model, chúng tôi quay trở lại với ao nuôi truyền thống, nơi đang tập trung khá đông công nhân chuẩn bị cho việc thu hoạch. Dù diện tích ao chuẩn bị thu hoạch này khá lớn, nhưng tất cả đều được lọt bạt bờ và bạt đáy, quy trình nuôi cũng không khác gì mô hình CPF-Combine Model, chỉ khác là ao nuôi không có che lưới lan bên trên. Chỉ với một tay lưới thôi mà phải cần đến 6 - 7 công nhân kéo mới nổi, bởi theo như anh Tân, vụ này tôm rất trúng. Một giỏ, hai giỏ, rồi hàng chục giỏ tôm đầy ắp lần lượt được kéo lên nhưng vẫn chưa hết lượng tôm trong lưới. Tuy không to như tôm ở ao nuôi theo mô hình CPF-Combine Model mà chúng tôi được xem trước đó, nhưng cũng đạt cỡ thấp nhất là 34 - 35 con/kg.
Nâng cấp mô hình
Theo ông Võ Văn Phục, hiện trang trại có khoảng 70 ao nuôi theo công nghệ CPF-Combine Model của C.P (diện tích 2.000 - 2.500 m2/ao), còn lại là ao lớn hơn, tất cả đều được lót bạt, sử dụng con giống và thức ăn C.P và nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Ông Phục cho biết: “Khoảng 1 tháng nữa trang trại chúng tôi sẽ vào cao điểm thu hoạch và ước sản lượng tôm nuôi năm nay sẽ vào khoảng 2.000 tấn. Tới đây, chúng tôi sẽ lần lượt nâng cấp tất cả các ao còn lại lên nuôi lót bạt công nghệ cao; trong đó, sẽ có khoảng 40 - 50 ao tròn để nuôi công nghệ cao hơn nữa nhằm đưa sản lượng tôm nuôi lên khoảng 3.000 tấn vào năm 2020”.
Ông Phục chia sẻ thêm, sau 2 năm nuôi song song giữa mô hình lót bạt với ao nuôi truyền thống, đến giờ này có thể khẳng định, nuôi lót bạt rất ít rủi ro và hiệu quả cao, nhờ mỗi năm có thể nuôi 3 - 4 vụ. “Bên dưới mình lót bạt, phía trên có mái che bằng lưới lan, cùng với đó là hệ thống xử lý nước chuẩn, thông qua sự kết hợp giữa lắng lọc tự nhiên, cá với sử dụng thuốc tím, clorin nên nước cấp vào ao nuôi luôn sạch. Vì vậy, môi trường ao nuôi rất ít bị biến động, rủi ro dịch bệnh thấp. Đơn cử như những vụ nuôi gần đây, dù xung quanh có xuất hiện bệnh đốm trắng nhưng ao nuôi của trang trại rất ít khi bị nhiễm” - ông Phục giải thích thêm.
Ban đầu khi quyết định đầu tư nuôi tôm, Vinacleanfood chỉ hướng đến mục tiêu quan trọng là phục vụ chuỗi giá trị cung ứng tôm cho khách hàng, nên quy mô chưa cao. Nhưng từ khi ứng dụng công nghệ cao vào nuôi mới thấy đây là một trong những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả cần được mở rộng. Vì thế, Vinacleanfood quyết định mua thêm đất để rộng quy mô và nâng cấp một số ao nuôi lên mô hình công nghệ cao. Ông Phục bộc bạch: “Hiện tại, việc đầu tư nuôi tôm của Vinacleanfood nhằm hướng đến 2 mục tiêu là: phục vụ bán hàng và nuôi phải có sinh lời. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao còn lớn nên công ty phải làm từng bước để bảo đảm hiệu quả và nguồn vốn đầu tư”.
Yếu tố cần và đủ
Trao đổi thêm với chúng tôi về yếu tố cạnh tranh quốc tế của con tôm Việt Nam, ông Phục tâm tư: “Với công nghệ nuôi mới hiện nay chúng ta cũng nên xem lại yếu tố cạnh tranh quốc tế của con tôm Việt Nam. Nói một cách cụ thể hơn là phải làm sao đưa năng suất tôm nuôi cao hơn nữa, với một chi phí thấp để con tôm Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được lúc thị trường khó khăn nhất và lợi nhuận lớn nếu như thị trường ổn định”.
Muốn làm được điều này theo ông Phục cần hội tụ đủ 4 yếu tố là: nhất giống, nhì công (công nghệ), tam tài (tín dụng) tứ chính (chính sách). Nghĩa là: Muốn nuôi tôm thành công trước hết phải có con giống tốt, sạch bệnh, lớn nhanh trong khi hiện chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn giống bố mẹ đáp ứng yêu cầu này. Vấn đề thứ hai là phải nuôi theo công nghệ, kỹ thuật mới để hạn chế rủi ro và tiết giảm chi phí giúp giảm giá thành tôm nuôi. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, nên cần phải có chính sách tín dụng thông thoáng và đầy đủ. Cuối cùng là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể, có tính thực thi cao để hạn chế rủi ro, giúp người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu an tâm hơn khi quyết định đầu tư vào con tôm. Chỉ có như vậy thì mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 mới trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ