Tin thủy sản Nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch

Nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch

Tác giả Đặng Lâm - Minh Hiếu, ngày đăng 10/04/2019

Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản có giá trị kinh tế nhờ cho tỷ lệ thịt cao (66% - 68%) và giá thành rẻ hơn tôm sú nên đầu ra khá ổn định, dù là xuất khẩu hay tiêu thụ thị trường nội địa. Tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất sau gần 3 tháng nuôi đạt quy cỡ thương phẩm với trọng lượng 20 - 30g/con, tùy điều kiện ao và cách quản lý. 

Nuôi tôm tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Thành Trí

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có lợi thế ở các vùng ven biển, trong đó có huyện Cần Giờ và Nhà Bè (TPHCM). Mật độ nuôi cao, sức đề kháng tốt, thích nghi với môi trường khắc nghiệt so với một số loài tôm khác, như chịu đựng được môi trường có oxy thấp (thấp hơn 0,8ppm, tôm vẫn sống được nhiều giờ), nhiệt độ cao từ 24 - 320C. Nhờ ưu điểm đó, để tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM một cách hiệu quả; đồng thời thực hiện chương trình an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản của TP giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch bệnh” tại 4 hộ ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM với diện tích 2ha. 

Mô hình áp dụng kỹ thuật, nuôi ao đất (ao có cải tạo) với phương thức thâm canh. Con giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, hạn chế tác hại môi trường, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật độ nuôi 100 con/m2, theo quy cách giống Post12, sử dụng thức ăn công nghiệp. Thực hiện chỉ tiêu mô hình theo đúng quy trình (kiểm tra pH, độ mặn, độ kiềm, sức tăng trọng theo từng giai đoạn nuôi, quản lý môi trường, không sử dụng hormone và các chất kháng sinh cấm để kích thích tăng trưởng hay phòng trị bệnh, ghi chép tình hình ao nuôi qua từng đợt kiểm tra…).

Khảo sát và trao đổi với các hộ tham gia mô hình, sau 3 tháng thực hiện (từ tháng 11-2018 đến 2-2019) cho thấy tỷ lệ sống của tôm đạt 50% - 70%. Với kết quả trên, tuy các hộ áp dụng quy trình chuẩn bị ao, chọn con giống, thời gian thả, quản lý thức ăn… nhưng tỷ lệ sống và trọng lượng thu hoạch tôm chưa đồng đều. 

Trong 4 hộ, có 2 hộ nuôi đạt hiệu quả và tỷ lệ sống cao là hộ Phạm Thị Sang (ấp 3, xã Hiệp Phước) và hộ Chung Đức Thanh (ấp 2, xã Hiệp Phước). Vì cả 2 hộ trên đều sử dụng ao ương trong quá trình nuôi (hộ Phạm Thị Sang có diện tích ao ương 1.200m2, hộ Chung Đức Thanh có diện tích ao ương 800m2) và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi an toàn nên kết quả đạt cao, mỗi hộ thu được từ 6 - 7 tấn tôm/ao/0,5ha. 

Riêng 2 hộ Trần Văn Non và Bùi Thị Thanh, cùng ở ấp 2, xã Hiệp Phước, sau khi nhận và thả tôm giống được 2 tuần thì bị nhiễm bệnh nên tỷ lệ sống rất thấp. Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, do 2 hộ nuôi này không sử dụng ao ương, diện tích ao lắng so với ao nuôi còn nhỏ. Trong khi đó, thời gian triển khai mô hình không thuận lợi khi gặp mưa bão vào cuối năm 2018, đã có tác động cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi, đến sự phát triển cũng như tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng. 

Từ đó, các hộ nuôi tôm đề xuất Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ con giống vào thời gian thuận lợi (khoảng tháng 3 hay tháng 4) nhằm hạn chế những tác động của thời tiết trong quá trình nuôi để người dân thành công và hiệu quả hơn khi tham gia mô hình.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè, ông Trần Minh Dẫu, cho biết mục đích của mô hình là nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch bệnh; do đó, để hạn chế dịch bệnh người nuôi nên cố gắng xây dựng ao ương, giúp việc quản lý môi trường và mật độ nuôi trong quá trình thực hiện thuận tiện hơn. Đây chính là cách để các hộ từng bước thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức 2 giai đoạn, đạt hiệu quả cao.

Theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Phó phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TPHCM, thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm, “phòng bệnh” là quan trọng nhất, nhưng phải biết phòng bệnh theo từng giai đoạn, thay vì tìm cách chữa trị khi bệnh xảy ra. Điều đó cho thấy, người nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng ao ương với diện tích phù hợp để dễ quản lý. Cần cải tạo ao giống, nguồn nước bằng các chế phẩm sinh học, tuân thủ lịch thời vụ, chăm sóc kỹ khi nuôi. Việc thực hiện mô hình từng bước giúp người dân nâng cao ý thức trong quá trình nuôi, qua đó có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ nói rõ thêm về thời gian giao con giống, do thủ tục thực hiện mô hình phải đấu thầu qua internet, nên thời gian triển khai mô hình bị kéo dài trái vụ, nhưng trong năm 2019 này, trung tâm đã tăng tốc các bước thực hiện. Dự kiến, vào đầu quý 2-2019 sẽ triển khai các mô hình giúp nông dân thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao.


Có thể bạn quan tâm

thu-tien-ty-moi-nam-nho-san-xuat-nhuyen-the-giong Thu tiền tỷ mỗi năm… feedkind-nguon-thuc-an-thay-the-bot-ca-trong-chan-nuoi-va-thuy-san Feedkind, nguồn thức ăn thay…