Mô hình kinh tế Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh

Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh

Ngày đăng 10/04/2015

Để khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình giai đoạn 2014 - 2016, Bộ NN và PTNT đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/4/2014 về việc phê duyệt dự án Khuyến nông Trung ương, trong đó có nội dung xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP.

Dự án được thực hiện với 8 mô hình nuôi tôm chân trắng có tổng diện tích 16 ha, với sự tham gia của 40 hộ tại 13 xã thuộc 8 tỉnh đại diện cho các vùng trong cả nước là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang và Sóc Trăng. Các mô hình được lựa chọn được tham gia tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư, đánh giá và cấp giấy chứng nhận.

Theo quy trình, tôm được thả nuôi với mật độ 80 con/m2, con giống qua kiểm dịch và có cỡ đồng đều, khỏe, sạch bệnh, được mua tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Thức ăn được mua tại các đại lý đóng trên địa bàn nhưng đảm bảo được đóng gói, sản xuất theo quy định của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Quá trình nuôi được ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chủng vi sinh vật có lợi nhằm cải tạo môi trường, hạn chế dịch bệnh. Kết quả: tỷ lệ sống trung bình 79,7%, trong đó tỉnh Ninh Thuận đạt cao nhất 90%, Hải Phòng 68%. Hệ số thức ăn trung bình 1,3; tổng sản lượng thu hoạch 169,8 tấn; năng suất trung bình 10,6 tấn/ha, trong đó tỉnh Ninh Thuận đạt năng suất cao nhất 13,3 tấn/ha, Nghệ An thấp nhất 8,98 tấn/ha.

Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận so sánh giữa mô hình nuôi theo VietGAP và không theo VietGAP tại Quảng Ninh là 713 triệu đồng/ha và 528 triệu đồng/ha (tăng 35%), tại Hải Phòng là 800 triệu đồng/ha và 584 triệu đồng/ha (tăng 36%).

Theo đánh giá, khi áp dụng VietGAP đã tiết kiệm được một số khoản chi phí cơ sở do quá trình quản lý tốt hơn như: lượng thuốc, hóa chất phải dùng ít hơn (do sức khỏe tôm tốt, môi trường nuôi ổn định hơn); kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa thức ăn nên giảm lượng thức ăn sử dụng lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường nuôi, tiết kiệm điệnnăng sử dụng.

Tuy nhiên, việc mua con giống chất lượng cao từ cơ sở có uy tín và đạt chuẩn đã đẩy giá thành sản xuất lên cao hơn nhưng bù lại, tôm khỏe, tỷ lệ sống cao hơn và đủ số lượng.

Sau khi được nghiệm thu, tại mỗi mô hình đã tổ chức tổng kết và kết quả cho thấy người dân và chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ triển khai mô hình VietGAP. Sau khi được tập huấn áp dụng VietGAP, các hộ mô hình đã tuân thủ theo VietGAP, thực hiện tốt việc kiểm soát các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn lao động.

Thông qua điều tra, 100% người nuôi tôm nhận thức được những lợi ích của việc nuôi tôm theo VietGAP và đa số mong muốn áp dụng mô hình nếu được hướng dẫn. Với thành công này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kiến nghị tiếp tục triển khai mô hình tại 8 tỉnh thí điểm và tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, đồng thời cần tiếp tục tuyên truyền và phổ biến mô hình để người nuôi tôm trong cả nước có thể áp dụng.


Có thể bạn quan tâm

ba-ria-vung-tau-trien-khai-cac-mo-hinh-thuy-san-nam-2015 Bà Rịa - Vũng Tàu… cau-duoc-ca-lang-tren-song-serepok Câu được cá lăng trên…