Tôm thẻ chân trắng Nuôi tôm vụ 2 và những điều cần lưu ý

Nuôi tôm vụ 2 và những điều cần lưu ý

Ngày đăng 04/06/2015

Cùng với việc thu hoạch tôm nuôi vụ 1 trên các vùng nuôi đã thu hoạch bà con nông ngư dân cũng đồng thời tiến hành công tác cải tạo chuẩn bị ao đầm cho nuôi vụ 2. Do đặc điểm thời tiết năm nay có nhiều biến động phức tạp, nắng nóng găy gắt kéo dài, nhiệt độ nước luôn ở mức cao làm giảm sức đề kháng của tôm; theo dự báo tình hình thời tiết cho nuôi vụ 2 cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi…Vì vậy, đểnuôi vụ tiếp theo đạt được kết quả thắng lợi, hạn chế tối đa rủi ro do thời tiết và dịch bệnh gây ra, các chủ hộ, cơ sở  nuôi tôm cần lưu ý một số điều sau:

1. Công tác chuẩn bị cho vụ nuôi:

- Về thời gian: sau khi thu hoạch tôm vụ 1 cho đến lúc thả tôm 2 cần phải có khoảng gian ngắt vụ ít nhất là 30 ngày và để có đủ thời gian cho công tác chuẩn bị ao đầm bảo đảm yêu cầu kỷ thuật nuôi.

 - Về đối tượng nuôi: Chỉ nên nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei ).

- Vùng nuôi: Chỉ nên nuôi tập trung ở các vùng cao triều, vùng nuôi trên cát và một số vùng khác có điều kiện hạ tầng kỷ thuật đảm bảo, có khả năng tránh lũ cao.

- Công tác cải tạo, chuẩn bị ao

+ Cần cải tạo lại ao; bón vôi; xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi một cách kỹ lưỡng đúng theo quy trình kỹ thuật.  Theo phương pháp cải tạo khô, nên làm rào chắn bằng tấm bạt nhựa cao 40 - 60 cm, xung quanh ao để ngăn chặn vật chủ trung gian vào ao truyền bệnh

+  Bón vôi nông nghiệp (CaCO3), tùy theo pH đất. Phơi đáy ao 7-10 ngày.

+ Người nuôi tuyệt đối không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin vào việc xử lý nước ban đầu để diệt giáp xác.

+ Đối với những ao nuôi vụ trước đã bị dịch bệnh cần phải xử lý nước nuôi bằng Chlorin nồng độ 30 ppm (30g/m3), thời gian xử lý sau 10 ngày mới được gây màu nước.

+ Cần theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vùng nuôi lân cận, khi thấy ổn định mới được tiến hành thả giống.

2. Thả giống

- Chọn tôm giống có thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, trước khi thả nuôi phải được kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Trước khi thả tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn... giữa trại giống và ao nuôi. Nếu có sự khác biệt phải điều chỉnh để tránh sốc cho đàn giống. Các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi cần đạt trước khi thả giống: Ôxy hoà tan > 4 mg/l; pH 7,5- 8,5; Nhiệt độ nước 28 - 30oC; Ðộ kiềm 80 - 120 mg/l; NH3 <0,1mg/l; H2S < 0,03mg/l; Ðộ trong 30 - 40 cm; Ðộ mặn 5 - 35‰ thích hợp nhất 10 - 25‰.

- Tránh thả tôm khi trời đang nắng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời mưa. Nên thả giống mật độ thưa hơn chính vụ. Cụ thể 50 đến 60 con/m2  

3. Chăm sóc tôm nuôi:

- Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi. Chú ý đến các yếu tố hay bị biến động như nhiệt độ, ôxy, pH... để điều khiển các yếu tố này nằm trong khoảng thích hợp với tôm nuôi và khoảng dao động cho phép, không gây sốc đối với tôm.

+ Nếu kiểm tra thấy yếu tố pH giảm: Dùng vôi bột CaCO3 hoặc Dolomite để nâng pH liều lượng 20 - 30 kg/1.000m3 nước, nếu xuống quá thấp dùng vôi nung CaO, liều lượng: 1,5 - 2 kg/1.000m3.

+ Trường hợp pH tăng: Tốt nhất là nên thay nước hoặc dùng đường, liều lượng 1,5 - 2 kg/1.000 m3 nước.

- Thực hiện các biện pháp ổn định nhiệt độ như nâng cao và duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,4m; hạn chế thay nước; nên rải vôi xung quanh bờ ao ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào ao nuôi.

- Nên sử dụng chế phẩm sinh học, vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc vôi Dolomit (CaMg(CO3)2) làm ổn định môi trường nước với định kỳ: Dolomit + Canxi, liều lượng 300 - 400 kg/ha/tuần. Đồng thời bổ sung Vitamin C và khoáng chất vào thức ăn tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

- Về thức ăn: cần cho tôm ăn thức ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và số lượng để đảm bảo tốt sức đề kháng cho tôm. Hiện nhiều cơ sở nuôi điều kiện cơ sở nuôi chưa bảo đảm việc lưu trữ và bảo quản thức ăn, không nên mua về cùng một lúc quá nhiều thức ăn nhất là trong điều kiện nắng nóng gay gắt nhiệt độ luôn ở mức cao, thỉnh thoảng lại xen lẫn những đợt mưa sẽ làm thức ăn dễ bị biến chất, khi thức ăn bị biến chất cũng là yếu tố làm cho tôm bị dịch bệnh về đường ruột và gan tụy.

Tags: nuoi tom vu 2, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

bien-phap-ky-thuat-cham-soc-bao-ve-tom-nuoi-vu-ii Biện pháp kỹ thuật chăm… su-dung-che-pham-sinh-hoc-trong-nuoi-tom Sử dụng chế phẩm sinh…