Tin thủy sản Nuôi trồng thủy sản theo hướng Vietgap đảm bảo an toàn thực phẩm

Nuôi trồng thủy sản theo hướng Vietgap đảm bảo an toàn thực phẩm

Tác giả Nguyễn Tuấn (Theo Tài liệu Khuyến nông), ngày đăng 04/08/2018

Hiện nay đa số các vùng, khu nuôi thủy sản tập trung đã áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh các đối tượng cá có giá trị cao, an toàn thực phẩm, tuy nhiên một số nơi áp dụng chưa triệt để, các hộ vẫn nuôi gia súc, gia cầm tận dụng nguồn phân tươi làm thức ăn cho cá gây ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh.

Mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP rộng 2,8 ha của gia đình bà Mai Thị Bích Việt ở thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du).

Để nâng cao năng suất và hiệu quả cho người nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng thì các cơ sở nuôi nên áp dụng các biện pháp sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi

Sau khi kết thúc vụ nuôi phải cải tạo ao, với những ao nhiều bùn cần nạo vét bùn đáy ao, chỉ để lớp bùn từ 15-20cm, phát quang bờ, san lấp các hang hố, tạo độ phẳng của đáy ao.

Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp, liều lượng dùng từ 10-12kg/100m2 rắc đều và phơi nắng 5-7 ngày.

Cấp nước: Cấp đủ lượng nước sạch từ 1,5-2m (lưu ý lấy nước vào nên có lưới lọc cá tạp).

2. Thả giống

- Nguồn gốc giống: Có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ cơ sở sản xuất giống có kiểm soát chất lượng đàn cá bố mẹ và quy trình sản xuất theo quy định.

- Chất lượng con giống: Cá có màu sắc sáng, cơ thể cân đối, cỡ cá đồng đều, không có dấu hiệu bệnh và được kiểm dịch.

Cá giống đánh bắt vận chuyển nhẹ nhàng tránh xây xát, trước khi thả, tiến hành tắm cho cá bằng dung dịch muối ăn NaCl 2-3% (2-3kg muối pha trong 100 lít nước) hoặc bằng dung dịch thuốc tím (1g thuốc tím hoà tan trong 50-100l nước), ngâm cá trong vòng 3-5 phút, sau đó thả cá xuống ao.

- Mùa vụ nuôi: nuôi 2 vụ/năm, từ tháng 2 - tháng 8 và từ tháng 9 - tháng 2 năm sau.

- Mật độ: Cá chép 1,2-1,5 con/m2, quy cỡ cá thả 100-150g/con. Cá rô phi: 2,5-3 con/m2, quy cỡ cá thả: 10-20g/con.

* Thời gian nuôi: 6 tháng/vụ

3. Chăm sóc, quản lý.

a. Chăm sóc cá.

Thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp, có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng theo quy định, được đóng bao bì đúng quy cách, kích cỡ và chất lượng thức ăn phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn phát triển của cá (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Thức ăn được bảo quản đúng quy định, không để bị nấm mốc và biến chất. Kiểm tra chất lượng thức ăn trước khi sử dụng, không sử dụng thức ăn đã quá hạn, không đạt tiêu chuẩn.

Không sử dụng hocmon, chất kích thích tăng trưởng cho cá trong suốt vụ nuôi.

Ngày cho ăn 2 lần, sáng từ 7-8h, chiều từ 16-17h, cho cá ăn phải đảm bảo đủ độ no.

b. Quản lý môi trường ao nuôi.

Thường xuyên kiểm tra theo dõi các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng thuốc khử trùng nước ao như: vicato, chlorine, iodine

Định kỳ 7-10  ngày/lần dùng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường ao nuôi. Tăng cường quạt nước tạo ôxy cho ao nuôi vào ban đêm (22h - 06h), khi trời âm u và các tháng cuối của vụ nuôi.

Luôn duy trì lượng nước trong ao nuôi từ 1,5m nước trở lên, nước đảm bảo chất lượng tốt, bổ sung nước từ ao chứa khi lượng nước bị hao hụt.

Lưu ý: Khi sử dụng chế phẩm sinh học phải sau khi sử dụng thuốc khử trùng từ 3-5 ngày.

Hàng ngày theo dõi hoạt động bắt mồi của cá để nắm bắt tình trạng sức khỏe của cá và có các biện pháp xử lý kịp thời.

4.  Phòng, trị bệnh

a. Phòng bệnh

Sử dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp từ khâu tẩy dọn ao, lấy nước vào ao, tắm cho cá bằng muối ăn hoặc thuốc tím trước khi thả.

Định kỳ hàng tháng và trước những tháng giao mùa trộn thuốc có nguồn gốc thảo dược, bổ sung vitamin C và khoáng chất vào thức ăn (cho ăn từ 3-5 ngày liên tục) để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Định kỳ 15 ngày/ lần sử dụng những loại thuốc khử trùng để diệt khuẩn nguồn nước.

b. Trị bệnh

Khi phát hiện cá bị bệnh do vi khuẩn phải tiến hành khử trùng nguồn nước, sử dụng kháng sinh cho cá ăn theo phác đồ điều trị hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Không chuyển cá từ ao này sang ao khác hoặc xả nước ra ngoài làm lây lan mầm bệnh.

5. Thu hoạch

Sau 6 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thì tiến hành thu hoạch, dùng xe chuyên dụng chở cá tới nơi tiêu thụ.

Các sản phẩm thủy sản được đưa ra khỏi vùng nuôi cần được ghi chép số lượng, ngày giờ, địa chỉ chuyển đi và chuyển đến cụ thể.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-luon-khong-bun Nuôi lươn không bùn nuoi-tom-the-ung-dung-cong-nghe-cao-lai-kha Nuôi tôm thẻ ứng dụng…