Tin thủy sản Ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi cá

Ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi cá

Tác giả Thái Thuận, ngày đăng 17/01/2022

Hàm lượng ôxy hòa tan (Dissolved Oxygen – DO) trong ao là yếu tố quyết định sự sống cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cá. Do đó, người nuôi cần căn cứ điều kiện cụ thể, có biện pháp tạo ôxy phù hợp và hiệu quả.

Sử dụng thiết bị cung cấp ôxy cho ao cá. Ảnh: ST

Nguyên nhân

Trong quá trình nuôi, có nhiều nguyên nhân khiến ao bị thiếu ôxy như do áp suất khí quyển giảm, nhiệt độ và độ mặn tăng, không có gió lưu thông, tảo nở hoa, tảo tàn, phân tầng mặt nước trong ao, phân hủy chất thải hữu cơ, thức ăn dư thừa, mật độ nuôi cao… Các nguyên nhân có thể xảy ra riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau xảy ra cùng lúc trong ao.

Tác động

Mỗi loài cá, mỗi gian đoạn phát triển và điều kiện môi trường khác nhau lại có những tiêu chuẩn riêng về ôxy. Hàm lượng ôxy hòa tan trong ao lớn hơn 5 mg/l thì cá sinh trưởng phát triển tốt. Ngược lại, nếu hàm lượng ôxy hòa tan nhỏ hơn 3 mg/l sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Cá chậm tăng trưởng, dễ mắc bệnh, tỷ lệ sống giảm, ao không đạt năng suất, cá ăn ít hoặc ăn chậm dẫn đến thức ăn dư thừa trong ao, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cao, tích tụ khí độc, thời gian nuôi dài, chi phí sử dụng thuốc, hóa chất cao…

Dấu hiệu

Khi hàm lượng ôxy trong ao nuôi thấp, cá sẽ hạn chế di chuyển, ăn ít hơn. Cá thường nổi lên mặt nước, đớp không khí để hô hấp gọi là hiện tượng cá nổi đầu. Cá nổi đầu lúc mờ sáng, chỉ nổi ở giữa ao. Khi có bóng người hoặc tiếng động mạnh, cá quẫy mạnh rồi chìm ngay khi mặt trời lên thì hết nổi đầu. Nếu mức độ thiếu ôxy hòa tan nặng, cá nổi đầu ngay cả lúc đêm và nổi ở cả vùng ven bờ ao. Khi có tiếng động, cá không quẫy và cũng không chìm. Lúc mặt trời lên cá vẫn nổi đầu. Khi này, nếu không có biện pháp xử lý cá sẽ chết hàng loạt thậm chí có thể chết toàn bộ.

Xử lý

Khi phát hiện cá có hiện tượng nổi đầu, khẩn cấp bật quạt nước, sử dụng ôxy tức thời. Cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá thiếu ôxy để có biện pháp khắc phục hợp lý.

Các ngày tiếp theo, tùy tình hình có thể giảm 50 – 70% lượng thức ăn cho cá hoặc ngừng cho ăn. Thay nước, sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ dưới đáy ao.

Quản lý

Mật độ phù hợp: Khi thả giống, cần căn cứ vào hình thức nuôi, đối tượng nuôi, điều kiện trang thiết bị, trình độ quản lý, sản lượng mong muốn cùng với quy cách giống để tính toán mật độ thả nuôi sao cho hợp lý. Mật độ quá cao mức tiêu thụ ôxy càng lớn sẽ gây ra tình trạng “tranh ôxy” giữa các cá thể, giảm thấp hiệu quả sản xuất kéo theo hiệu quả kinh tế giảm.

Kỹ thuật chăm sóc, cho ăn: Phân động vật và thức ăn dư thừa là nguồn ô nhiễm hữu cơ chủ yếu trong ao nuôi, quá trình phân giải hữu cơ sẽ tiêu hao một lượng lớn ôxy. Vì vậy, thức ăn cho cá cần đảm bảo chất lượng, cùng đó phải cho ăn khoa học. Căn cứ vào thời tiết, chất lượng nước, hoạt động bắt mồi và tình hình sinh trưởng của cá để cho cá ăn với lượng phù hợp, hạn chế tình trạng dư thừa.

Quản lý môi trường: Quá trình quang hợp của tảo là nguồn cung cấp ôxy hòa tan quan trọng trong nước ao nuôi. Tuy nhiên, nếu tảo phát triển quá mạnh sẽ tiêu hao nhiều ôxy hòa tan, về đêm gây ngạt cho cá. Do đó, nên áp dụng các biện pháp điều chỉnh khống chế sinh học hoặc hóa học để duy trì mật độ tảo thích hợp. Nên duy trì màu nước và độ trong từ 25 – 40 cm là tốt nhất.

Cung cấp ôxy bằng các thiết bị: Đối với các ao nuôi mật độ cao nên lắp máy máy quạt nước, máy phun nước, máy thổi khí, máy nén khí tùy theo điều kiện ao. Thời gian bật máy dài hay ngắn cũng phải dựa vào nước ao và lượng ôxy đáy để xác định.

Thường xuyên kiểm tra hàm lượng ôxy: Hàng ngày vào lúc 5 – 6 giờ sáng và 2 – 3 giờ chiều cần kiểm tra hàm lượng ôxy để có biện pháp khắc phục kịp thời. Hiện nay, để kiểm tra hàm lượng ôxy hòa tan có thể sử dụng các thiết bị đo chuyên nghiệp. Phương pháp này cho phép đo nhanh, thao tác thuận tiện với kết quả có độ tin cậy cao. Khi sử dụng các máy kiểm tra nước với thiết kế cầm tay, chỉ cần đặt đầu đo vào trong dung dịch mẫu, từ đó có thể biết được kết quả trực tiếp trên màn hình hiển thị.

Chủ động định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phân giải các chất độc hại có trong nguồn nước, tham gia hoạt hóa, chuyển các sản phẩm độc, thành những sản phẩm ít độc hại hơn, cân bằng các thông số môi trường.


Có thể bạn quan tâm

bien-phap-han-che-anh-huong-cua-nang-nong-den-vat-nuoi-thuy-san Biện pháp hạn chế ảnh… nuoi-ca-hong-my-bang-thuc-an-cong-nghiep Nuôi cá hồng Mỹ bằng…