Ông "Khanh Giống"
Chỉ vài sào đất bãi bồi, nhưng qua bàn tay cần mẫn của ông, nó cũng đủ sức nuôi sống 4 người. Lý do là, rau, quả của ông không phải hạng xoàng, mà toàn hàng độc đáo nên dù giá bán có nhỉnh hơn, bạn hàng vẫn tranh nhau mua. Ông chính là Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).
Chiều một ngày đầu năm, ông Khanh gọi điện thoại cho tôi với giọng khản đặc: “Đặc sản Đà Lạt cải ngồng đang có mặt tại Nghĩa Lập. Cô rảnh thì ghé xem!”. Tôi chưa kịp hỏi gì thêm, ông đã tắt máy. Ông là vậy, lúc nào cũng tiết kiệm thông tin như muốn tạo sự bí hiểm, khiến người ta vừa tò mò vừa…bực mình!
Nhưng sau 3 năm làm bạn với lão nông này tôi rút ra một điều, rằng khi ông đã khoe “đứa con” rau, củ, quả của mình, tức là chúng lần đầu bén rễ đất Quảng Ngãi. Thế nên tôi liền phóng xe về Nghĩa Lập - vựa rau của huyện Mộ Đức nằm dọc dòng sông Vệ.
Mới nhìn cải ngồng ông Khanh trồng, tôi thoáng buồn vì nó không phải là loại dong dỏng cao. Thay vào đó, loại cải ngồng nức tiếng Đà Lạt có lá màu xanh ngắt, thân vừa mập vừa lùn như… quả nấm! Thấy tôi vừa ngắm ngía ruộng cải ngồng Đà Lạt, lại vừa lội sang đám cạnh bên để nhổ hoa cải ta, ông Khanh cười nắc nẻ: “Cô muốn vừa ăn vừa uống nước giải nhiệt hả.
Cải ta mà đã ra hoa thì nóng lắm”. Hóa ra vậy. Chẳng trách dù ruộng cải rực vàng bắt mắt nhưng chị Hương, chủ nhân của nó lại vặt gốc, phơi hoa! “Lấy đất trồng cải ngồng ông Khanh, chứ loại này giờ mang ra chợ không ai đụng tới”, chị Hương phân trần.
Chị bảo mấy hôm nay, thấy bạn hàng đến giành ruộng cải nhà ông Khanh mà... thèm! “Thèm không chỉ vì giá 5.000 đồng/kg (bán sỉ), mà còn do cải này “đặc” nên chỉ cần một nhúm là được 1kg”, chị Hương nói thêm.
Nghe thế, tôi liền ôm 4 bó cải vợ ông Khanh vừa cắt đặt lên cân - 60 kg. Vượt dự đoán của tôi, đến... 20 kg! Với độ “đặc” này thì một sào cải ngồng Đà Lạt cho hơn 1 tấn. Nghĩa là, ông Khanh bỏ túi 5 triệu đồng chỉ sau 30 - 32 ngày chăm sóc. So với cải thường, ông có lãi gấp đôi.
Trước cải ngồng, ông Khanh cũng khiến nhiều người bán tín bán nghi với loại... bắp đen. Thậm chí ông đã bứng cả cây lẫn trái đặt tại Hội chợ Triển lãm nông nghiệp và Làng nghề khu vực miền Trung - Tây Nguyên (diễn ra tại Quảng Ngãi vào tháng 7.2013) nhưng không ít người vẫn nghi ngờ. Họ nghi ông... nhuộm màu cho bắp!
Ngoài việc... trình diễn, ông Khanh cũng phải luôn miệng trả lời thắc mắc của nhiều người, trong đó có cả kỹ sư của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (TT) trong một lần ghé thăm ruộng rau. Như là ông phát hiện và mua giống mới bằng cách nào? Kỹ thuật thâm canh các loại ớt chỉ địa, xà lách giòn, ngô lai, khổ qua siêu quả ra sao? Rồi giá cả, đầu ra thế nào?...
Trong lần trao đổi ấy, nhiều kỹ sư của TT không tin rằng ông lấy tên giống trên mạng internet, lấy hạt giống từ người quen hoặc công ty, lấy sản phẩm nhờ những lần cặm cụi trồng thử nghiệm và lấy tiền nhờ “rạc chân, rát cổ” đi chào hàng ở các chợ, siêu thị... “Điều đáng hoan nghênh là sau khi trồng thử nghiệm thành công, ổng đều a lô cho chúng tôi trước lúc gieo ra đồng lớn”, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mộ Đức Nguyễn Tấn Vỹ bổ sung.
Tuy nhiên, điều khiến tôi nể phục ông Khanh không phải là danh sách giống mới dài dằng dặc, hay kỹ thuật trồng rau điêu luyện, mà là cái tính nghĩa hiệp của ổng. Ai đời có người lại dày công, tỉ mẩn tìm cách thuần phục, bắt các loại rau củ quả “độc” từ các nơi phải “sinh lá đẻ quả” trên đất Nghĩa Lập, rồi lại bắt tay làm loa “rau này ngon, quả này đắt.
Bà con trồng không”. Mà trồng xong, ai sợ không bán được thì cứ a lô, ông Khanh thu tất. “Thu xong, vợ chồng tui chở nhau đi năn nỉ bạn hàng... bán hộ. Riết rồi họ quen, họ thương nên nhiệt tình giới thiệu với khách. Nhưng để được vậy, rau của mình phải uy tín, không xài thuốc hóa học; ban đầu có thể nằm chờ, nhưng sau chạy như tôm tươi. Lắm lúc hết rau, bạn hàng nghi mình... chơi xấu, găm hàng tăng giá”, ông Khanh cười hiền.
Hẳn vì điều này mà nhiều năm nay, người đàn ông gầy còm, da đen sạm, luôn gắn với cái tên "Khanh giống” lại say sưa chinh phục rau mới, quả lạ đến vậy. Để rồi mỗi lần gặp ông, tôi lại có cảm giác mình đang trò chuyện với chuyên gia rau-củ-quả vì những kiến thức, kinh nghiệm vừa mới, vừa thực tế của ông.
Công nhận điều này, ông Khanh bảo rằng: “Nếu mãi trung thành với giống cũ, sớm muộn mình cũng “chết” vì cái người tiêu dùng cần chính là an toàn, ngon, mới lạ và rẻ”. Với tâm niệm và sự năng động này mà lâu nay vợ chồng ông Khanh không chỉ yên tâm sống với rau, mà còn dùng rau để tiếp sức cho hai con vững bước chinh phục giảng đường đại học.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ