Tin thủy sản Phá thế độc canh, làm giàu trên vùng đất thuần nông

Phá thế độc canh, làm giàu trên vùng đất thuần nông

Tác giả Minh Trí, ngày đăng 08/08/2018

Chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phá thế độc canh, nâng cao hiệu quả kinh tế tại những địa bàn khó khăn đang được nông dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng.

Việc chuyển đổi mô hình trồng lúa sang nuôi cá tra tại Tiền Giang mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ảnh minh hoạ: Thanh Liêm - TTXVN

Nhiều mô hình kinh tế mới được nhân rộng, trong đó có mô hình kết hợp ương dưỡng cá giống với thâm canh lúa năng suất cao và phát triển dịch vụ nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Hồng ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. 

Trước đây, gia đình ông Hồng canh tác 1,2 ha đất trồng lúa nhưng lợi nhuận không cao. Được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân và các ngành liên quan tổ chức, kết hợp với việc tham quan những mô hình canh tác mới, ông Hồng hiểu rằng muốn phát triển kinh tế không thể dựa vào độc canh cây lúa.

Nhận thấy nhu cầu cá tra giống trên thị trường rất lớn bởi nghề nuôi cá tra thâm canh phục vụ chế biến xuất khẩu đang phát triển, ông mạnh dạn chuyển đổi 0,4 ha đất sang ương dưỡng cá tra giống. 

Để thành công với con cá tra giống, ông thường xuyên tham dự các buổi tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu tài liệu qua mạng internet.

Theo ông Hồng, ương dưỡng cá tra giống là nghề mới phát triển tại địa phương nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giá cá giống xuất ao cao. Chu kỳ nuôi ngắn, trung bình mỗi năm, nông dân có thể chăn nuôi 4 vụ liên tiếp nên nếu thất thu một vụ vẫn có thể lấy thu nhập của các vụ khác bù lại, giảm được rủi ro thị trường.

Ông Hồng hạch toán, với 0,4 ha, thả mỗi vụ 5 triệu con cá giống, đến kỳ thu hoạch đạt sản lượng 7,5 tấn cá giống, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg, ông thu được 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 126 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm quay 4 vụ ương dưỡng cá, ông thu lãi trên 500 triệu đồng. 

Đối với cây lúa, trên 0,8 ha còn lại, ông Hồng sản xuất mỗi năm 3 vụ. Nhờ áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, mỗi năm gia đình ông đạt sản lượng khoảng 20,4 tấn lúa thương phẩm, trừ chi phí còn lại trên 40 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hồng còn đầu tư mua 2 máy cày. Vào mùa vụ, ông cho nông dân thuê máy cày làm đất, thiết thực hưởng ứng chủ trương cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, hai máy cày mang lại cho ông nguồn lợi trên 55 triệu đồng. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, là hội viên nông dân, ông Nguyễn Văn Hồng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm thành công để bà con trong xóm ấp, trong xã cùng học tập, áp dụng.

Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để mọi người vượt khó, thoát nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm, ông ủng hộ hàng chục triệu đồng cho hoạt động nhân đạo, từ thiện và kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Lý Văn Cẩm, đánh giá cao tấm gương cần cù chịu khó, năng động và nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình của ông Nguyễn Văn Hồng. Ông Hồng nhiều năm liền được tặng danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của tỉnh Tiền Giang./. 


Có thể bạn quan tâm

ty-le-c-n-trong-he-thong-biofloc Tỷ lệ C/N trong hệ… nuoi-thuy-san-chat-luong-cao-o-tanh-linh Nuôi thủy sản chất lượng…