Trồng lúa Phân biệt những hình thức ngộ độc ở lúa và phương pháp khắc phục

Phân biệt những hình thức ngộ độc ở lúa và phương pháp khắc phục

Tác giả TRẠM BVTV THẠNH PHÚ, ngày đăng 26/04/2017

Hiện nay, để nâng cao thu nhập, người trồng lúa đã thực hiện thâm canh tăng vụ, chủ yếu là sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV, tận dụng tối đa thời gian nghỉ của đất. Chính vì vậy, đất trồng lúa ngày càng thoái hóa, độ chua trong đất tăng, đồng thời tạo ra những độc chất gây ảnh hưởng đến quá trình sinh tưởng của cây lúa. Cụ thể như: ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, mặn,… Nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

1. Ngộ độc hữu cơ:

- Nguyên nhân: sau khi thu hoạch vụ trước, nông dân bắt đầu làm đất và xuống giống ngay vụ tiếp theo. Từ đó dẫn đến ngộ độc chất hữu cơ do rơm, rạ và tàn dư thực vật của vụ trước không được xử lý và chưa kịp phân hủy, bị chôn vùi trong điều kiện yếm khí (ngập nước) tạo ra các độc chất hữu cơ như: phenol, hydro sulfic (H2S), các acid hữu cơ,… rất độc cho cây lúa.

- Triệu chứng: bộ rễ bị thối đen và có mùi hôi rất đặc trưng, lá lúa ngả sang vàng, từ chóp lá xuống và từ mép lá vào, lá lúa có khuynh hướng dựng đứng lên, cây lúa vàng và lùn, kém phát triển, ít đẻ nhánh. Ngộ độc hữu cơ có thể xảy ra trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa nhưng thường thì xuất hiện từ 15-30 ngày sau khi sạ.

- Biện pháp khắc phục:

+ Nên giãn thời vụ xuống giống để rơm, rạ có đủ thời gian phân hủy (tốt nhất là từ 3-4 tuần).

+ Nên cắt gốc rạ, gom rơm lại để đốt hoặc ủ làm phân hữu cơ bón lại cho lúa rất tốt. Hoặc có thể sử dụng chế phẩm có chứa Trichodermar phun lên rơm rạ (trước khi cày vùi 1-2 ngày) sẽ giúp rơm, rạ mau phân hủy hơn.

+ Trường hợp lúa đang bị ngộ độc hữu cơ thì ngưng ngay việc bón phân, nhất là đạm. Cần tháo bỏ nước trong ruộng ra. Có thể đánh rãnh thoát nước để có thể rút nước ra hoàn toàn. Sau đó bón vôi để cải tạo đất và cung cấp Canxi cho lúa. Tiếp theo cho nước mới vào ruộng. Luân phiên thay nước để rửa sạch độc chất. Sử dụng các loại phân bón lá (humix, hydrophos,…) phun ngay cho lúa để cung cấp dưỡng chất, giúp lúa mau ra rễ mới.

2. Ngộ độc phèn:

- Nguyên nhân: do vùng có tầng sinh phèn gần mặt đất, xa kênh rạch hoặc bị thiếu nước. Do thiếu nước nên tầng sinh phèn có khả năng gây độc cho lúa (xì phèn).

- Triệu chứng: cây lúa lụn dần, bộ rễ có màu vàng nâu, quăn queo, không có rễ mới, vuốt rễ lúa thấy nhám, lá bị vàng và cháy khô ở chóp lá, trên lá có những chấm nâu sét, bị nặng lúa có thể có màu nâu tía, sau đó chuyển sang vàng, có thể chết.

- Biện pháp khắc phục:

+ Lúc làm đất trước khi sạ cần đánh rãnh phèn để tháo xả phèn. Làm mương phèn xung quanh ruộng để ém phèn những lúc tháo nước.

+ Cần bón vôi và phân lân trước khi gieo sạ nhằm cải thiện độ pH của đất và hạ phèn.

+ Khi lúa bị ngộ độc phèn cần:

Ngưng bón phân đạm.

Tháo nước phèn ra khỏi ruộng (xả phèn)

Rải vôi cho ruộng lúa (200kg/ha)

Cho nước vào ruộng (thay nước)

Phun phân bón lá: hydrophos hoặc humix để giúp lúa phục hồi.

3. Ngộ độc mặn:

- Nguyên nhân: vào mùa khô, nước ngọt ở thượng nguồn đổ về ít, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với nồng độ mặn cao. Ngoài ra, ở những vùng lúa – tôm, do sau khi thu hoạch tôm, nông dân rửa mặn không kỹ nên độ mặn trong đất cao, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

- Triệu chứng: Thường gặp ở các vùng ven biển vào đầu và cuối mùa mưa. Cây lúa bị độc do mặn thì chót lá non bị trắng, cuốn lại và khô đi, cây sinh trưởng kém, nở bụi ít và có thể chết.

- Biện pháp khắc phục:

+ Chỉ gieo sạ khi có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa hoặc độ mặn trong nước dưới 2%o.

+ Đối với các vùng lúa – tôm cần rửa mặn kỹ để tránh ảnh hưởng đến lúa.

+ Sử dụng các giống lúa chịu mặn.

+ Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn nên bón vôi thạch cao (CaSO4). Cần lưu ý thêm là việc bón vôi để cải tạo đất cần thực hiện sớm (bón lót) trước khi bón các loại phân khác ít nhất 1 tháng, cần đảo đất đều sau khi bón vôi nhưng không cần phải lấp vôi quá sâu vì chủ yếu dùng vôi để cải tạo lớp đất mặt và vùng đất quanh rễ

- Cần ưu tiên sử dụng phân đạm gốc amon (NH4+) để hạn chế độc Na+ và dạng phân lân dễ tiêu như super lân, lân trong DAP, MAP, MKP... để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây.

- Sử dụng phân bón có chứa silic nhằm nâng cao sức chống chịu mặn cảu cây lúa.

- Phun phân bón lá vào các giai đoạn sinh trưởng khác nhau cũng giúp cho cây lúa đủ sức vượt qua được tác hại do mặn gây ra khi bộ rễ không hút đủ dinh dưỡng, đồng thời cũng làm tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận như nóng, hạn (gồm cả hạn sinh lý) do mặn gây ra.


Có thể bạn quan tâm

can-chu-y-mot-so-dieu-khi-ap-dung-bien-phap-hoa-hoc-tru-chuot Cần chú ý một số… bien-phap-han-che-tac-hai-cua-phen-man-cho-san-xuat-lua-vu-he-thu Biện pháp hạn chế tác…